Bình luận sự kiện văn hóa trong tuần: Khóc gào vì sao Hàn – Giọt nước mắt tử tế nhưng “lãng phí”
(Sóng trẻ) - Ngay sau khi sự kiện các nhóm nhạc Hàn Quốc đến Việt Nam trong đêm nhạc Music Bank kết thúc, trên các diễn đàn truyền thông - mạng xã hội hình thành một cuộc tranh luận đa chiều về việc giới trẻ Việt Nam "cuồng" sao Hàn đến mức khóc gào, đuổi theo đầy "xúc động" là đúng hay sai, là thái quá hay là việc có thể chấp nhận.
Đừng lên án những giọt nước mắt
Mấy năm gần đây, làn sóng âm nhạc K-Pop có ảnh hưởng toàn thế giới chứ không gì Việt Nam. Và tất nhiên không chỉ các bạn trẻ Việt Nam “cuồng” các ca sĩ Hàn Quốc. Nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc đã làm giới chuyên môn cũng như nhà quản lý văn hóa của nhiều nước phải thán phục, vị nể và thậm chí là học hỏi. Không quá khi nói rằng nền giải trí xứ sở kim chi đang dẫn đầu châu Á và càng ngày càng có ảnh hưởng sang châu Âu, châu Mỹ.
Nhiều bạn trẻ gào khóc khi các nhóm nhạc Hàn kết thúc buổi biểu diễn (Ảnh: Giang Huy/Vnexpress.net)
Bỏ qua những lần mà ngôn ngữ giới trẻ gọi là “chảnh” trong những buổi họp báo hay ở sân bay thì nói chung các ca sĩ Hàn biết lấy lòng người hâm mộ của mình trên sân khấu. Ví như đêm nhạc Music Bank họ chào bằng Tiếng Việt, hỏi han bằng Tiếng Việt, lại còn hát một, hai bài bằng Tiếng Việt. Như vậy, hỏi sao các bạn trẻ lại không khóc cho được. Mọi thứ đều đủ để làm một trái tim vốn đã “cuồng” lại càng thêm "xúc động".
Thế nên việc một số cá nhân lên án một bộ phận giới trẻ khóc gào khi gặp, xem, chia tay các nhóm nhạc Hàn với những lời lẽ như “giọt nước mắt không tử tế” hay “làm xấu mặt giới trẻ Việt Nam”, hay “đáng buồn cho một bộ phận các bạn trẻ”,… là những nhận xét thiếu khách quan và rất dễ làm một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ yêu nhạc Hàn bất mãn. Không có bất cứ một "loại" nước mắt nào là "nước mắt không tử tế". Những giọt nước mắt được chảy ra từ cảm xúc của người yêu âm nhạc thì không bao giờ đáng bị phán xét về khía cạnh đạo đức, ngay cả khi với nhiều người nó là không phù hợp.
Nhưng các bạn trẻ cũng nên biết: Đó là những giọt nước mắt lãng phí
Thay vì phần lớn khán giả trẻ kêu gào đuổi theo thần tượng với hằng hà sa các giọt nước mắt lên trên má khi các ca sĩ Hàn chia tay Việt Nam thì cũng có những bạn trẻ - họ không khóc, họ cũng không gào, họ ở lại và lặng lẽ nhặt rác mà nhiều người vô tình hoặc cố ý bỏ lại. Nhiều người cho rằng đó là hình ảnh đẹp nhận mà họ cảm nhận được khi theo dõi về thông tin này.
Ai cũng có quyền khóc gào nhưng hãy khóc gào trong phạm vi văn hóa để đừng làm mất thể diện dân tộc, thể diện đại bộ phận giới trẻ hoặc chí ít cũng là thể diện của chính bản thân mình. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh một số bạn nữ Việt Nam “vồ vập” lấy ghế ngồi của nghệ sĩ Hàn sau khi họ đứng dậy cách đây một vài năm để đến mức các nhà văn hóa cũng phải “ngao ngán”. Một chuỗi hành động dài thiếu văn hóa, "cuồng" thần tượng thậm chí còn đã vào đề thi đại học để học sinh thể hiện quan điểm của mình.
Nhiều người cho rằng đây là hình ảnh đẹp nhất sau khi Music Bank kết thúc (Ảnh: Giang Huy/Vnexpress)
Và những giọt nước mắt sẽ không bao giờ là lãng phí khi bạn khóc cho những mảnh đời bất hạnh, những câu chuyện xúc động, những bài hát nói lên tiếng lòng dân tộc mà bạn cảm được, bạn hiểu được một cách sâu sắc từ giai điệu đến ca từ. Hãy thử đặt vào địa vị của những người thân sinh ra bạn, họ sẽ nghĩ ra khi chín tháng mang nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn để giờ đây chứng kiến cảnh con mình khóc gào, chạy một cách cuồng tín chỉ để làm một hành động mà như các bạn nói là chia tay thần tượng, là muốn “đích mục sở thị” thần tượng của mình.
Hãy để những giọt nước mắt không chỉ tử tế mà còn ý nghĩa trong mắt mình và trong mắt mọi người.
EO - Queen of the night
Bắt đầu từ tháng 4 năm 2015, cuối mỗi tuần Chuyên mục Văn hóa Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ đăng tải một bài bình luận về vấn đề văn hóa nổi bật nhất trong tuần. Mời quý độc giả quan tâm theo dõi!
Cùng chuyên mục
Bình luận