Căng thẳng chạy đua giành “vé” học trường THPT công lập tại Hà Nội
(Sóng trẻ) - Với mức cạnh tranh vô cùng khốc liệt, cơ hội để có một suất học trường công tại Hà Nội đang là “mơ ước” của nhiều học sinh lớp 9 trên địa bàn Thủ đô.
Chỉ hơn 1 tháng nữa, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 của học sinh Hà Nội năm nay sẽ diễn ra. Với học sinh Thủ đô, kỳ thi vào lớp 10 là một trong những kỳ thi căng thẳng nhất, thậm chí còn hơn cả thi đại học. Đặc biệt, năm nay, tỷ lệ tuyển sinh vào trường THPT công lập được cho là thấp nhất trong 7 năm trở lại đây với 55,7%.
Thời gian biểu một ngày gói gọn trong 3 từ “ăn”, “ngủ” và “học”
Đó là chia sẻ của em Đỗ Thảo Anh (THCS Nguyên Khê, Đông Anh) với PV Sóng Trẻ News. Thảo Anh tâm sự: “Lịch học của em trên trường gồm cả buổi sáng và chiều. Em tan học lúc 16 giờ 30 phút, sau đó em có khoảng 30 phút về nhà nghỉ ngơi, ăn lót dạ thứ gì đó rồi 17 giờ có ca học thêm đầu tiên và 20 giờ có ca học thứ hai”.
Cô bạn lớp 9 chia sẻ rằng những hôm học như vậy rất mệt và đuối sức vì khi về nhà, em vẫn phải hoàn thành tiếp bài tập 3 môn thi mà cô giáo đã giao trên lớp. Nếu không làm xong thì hôm sau lên lớp sẽ bị cô khiển trách. Nhiều hôm, Thảo Anh thức đến 2 giờ sáng mới đi ngủ và 6 giờ sáng đã phải dậy để chuẩn bị cho một ngày học mới ở trường.
Chỉ cần "sơ sẩy" là có thể không được học tại ngôi trường THPT mơ ước. Nhiều học sinh lựa chọn đi học thêm tại các "lò" luyện thi nổi tiếng. Em Minh Anh (THCS Chu Văn An, Tây Hồ) quyết định theo học môn Toán tại một trung tâm qua lời giới thiệu của bạn cùng lớp. Ngay buổi đầu tiên, cậu bạn này đã bàng hoàng vì số lượng học sinh quá đông, một lớp học có đến 300-400 người là chuyện bình thường. Tuy nhiên, vì áp lực học tập và cũng gần đến kỳ thi nên Minh Anh không tìm lớp khác nữa mà cố gắng theo học tại đây.
Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội được ví là cuộc đua khốc liệt, căng thẳng. Thành phố Hà Nội có khoảng 129.210 học sinh lớp 9 nhưng chỉ khoảng 72.000 em được tuyển vào THPT công lập (55,7%), 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%), còn lại được tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
So với các năm học trước, số học sinh được tuyển vào lớp 10 công lập tăng 1.000 học sinh. Vì vậy, với tỷ lệ chọi lên đến 1/1,79 (theo công bố của Sở GD & ĐT Hà Nội), cuộc cạnh tranh giành suất vào các trường công lập càng trở nên căng thẳng hơn hơn bao giờ hết.
Phụ huynh lo lắng như “ngồi trên đống lửa”
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, kỳ thi vào 10 của thành phố sẽ chính thức diễn ra. Chị Hải Yến (Đông Anh, Hà Nội) có con gái là sĩ tử sắp bước vào kỳ thi, bày tỏ sự lo lắng: “Trường công thì ít mà học sinh thì đông. Do gia đình không có kinh tế vững vàng nên chị luôn động viên và theo sát quá trình học tập của con, tạo điều kiện để con có một khoảng thời gian ôn thi vững vàng nhất có thể”.
Áp lực thi cử còn khiến nhiều phụ huynh như anh Hữu Mạnh (Long Biên, Hà Nội) phải nghỉ làm để đưa đón con đi học từ trường về nhà rồi lại đi học thêm. Anh Mạnh cho biết bản thân đã xin công ty cho nghỉ phép 1 tháng để đưa đón con, chăm sóc việc ăn uống và sát sao, đồng hành cùng con trong những ngày cuối cùng với hy vọng con sẽ “vượt vũ môn” thành công.
Năm nay, thành phố Hà Nội vẫn được chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng vào ba trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, nguyện vọng một và hai phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng ba không bắt buộc. Các em không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký.
Học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng một không được xét tuyển các nguyện vọng sau. Nếu trượt nguyện vọng một, các em được xét nguyện vọng hai, ba nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn 1-2 điểm so với điểm chuẩn của trường.
Học sinh vất vả ôn thi, các bậc phụ huynh trong những ngày cận kề cuộc đua vào lớp 10 cũng “đứng ngồi không yên”. Nhiều người cũng vội vã tính thêm các phương án dự bị để chắc suất vào 10 cho con.
Chị Minh Khuê (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đưa lời khuyên cho con trai học lớp 9 để em cân nhắc và sắp xếp các nguyện vọng vào lớp 10 sao cho phù hợp. Ở nguyện vọng một, gia đình chọn một ngôi trường có tiếng và theo sở thích của con. Còn nguyện vọng hai nộp vào trường có mức điểm chuẩn vừa phải để dự phòng cho trường hợp thi trượt. Ngoài ra, chị cũng tìm hiểu, giới thiệu cho con một vài trường tư thục, trường nghề.
Tương tự, chị Lan Anh (Đông Anh, Hà Nội) cũng định hướng con trai học nghề nếu không đỗ vào trường công lập. "Tôi biết được lực học của con mình đến đâu nên đã nói trước với con về việc xem xét vừa học nghề vừa học văn hóa. Phụ huynh và học sinh nên có các phương án dự phòng để không bị căng thẳng quá mức", chị Lan Anh chia sẻ.
Trong 4 năm trở lại đây, năm nay, số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất. Số còn lại sẽ vào học các trường THPT công lập tự chủ và tư thục, trung tâm GDNN - GDTX và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định Chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Năm nay thành phố đã bố trí tăng thêm 1.000 chỉ tiêu học sinh vào trường THPT công lập so với năm trước. Hà Nội đang tiếp tục rà soát, bố trí để ưu tiên bổ sung thêm chỉ tiêu vào học trường THPT công lập trên cơ sở tạo điều kiện tối đa cho học sinh”. |