Cảnh giác chiêu thức “bẫy” tín dụng đen đối với sinh viên
(Sóng trẻ) - Sự tiện lợi của việc vay "tín dụng đen" đã tạo ra một lợi thế cho các kẻ gian, chính vì vậy mà số lượng nạn nhân dính vào các "bẫy" lừa đảo ngày càng lớn.
Không ít các sinh viên bị mắc bẫy của những đối tượng lừa đảo theo tổ chức hoặc trang web không đáng tin cậy. Dễ dàng mượn, nhưng lãi suất rất cao kèm theo các khoản “lệ phí dịch vụ” khiến người vay bị thiệt hại ngay từ đầu. Hệ lụy từ tín dụng đen rất nguy hiểm, nhất là trong những trường hợp người vay do thiếu trước hụt sau không kịp trả lãi, nợ chồng nợ khiến nhiều nạn nhân không còn lối thoát đành phải bán tài sản hoặc bỏ xứ trốn đi nơi khác. Những người thân, gia đình, bạn bè của nạn nhân cũng chịu liên lụy, bị các đối tượng cho vay quấy rầy, đe dọa...
Các hình thức cho vay tín dụng online ngày càng nở rộ?
Ngoài những chiêu thức đặt "bẫy" tín dụng ngoài đời thực, ngày nay mối đe dọa từ những “bẫy” lừa đảo qua các ứng dụng tín dụng cũng đang gia tăng đáng kể. Việc sử dụng ứng dụng tài cho vay trực tuyến ngày càng nở rộ với nhiều hình thức khác nhau như: các ứng dụng tín dụng giả mạo, trang web giả mạo hoặc các ứng dụng đòi tiền ứng trước với lời hứa vay tiền nhanh chóng và dễ dàng đã trở thành một mối đe dọa lớn. Chỉ cần gõ từ khóa "vay tiền online" trên kho ứng dụng CH Play hay Appstore, các ứng dụng cho vay tiền sẽ xuất hiện một cách dày đặc, đủ loại màu sắc, ngôn ngữ.
Luật sư Trần Trọng Nghĩa chia sẻ: “Sự tiện lợi và tính nhanh chóng của việc vay tiền trực tuyến đã tạo ra một lợi thế cho các kẻ gian chính vì vậy mà số lượng nạn nhân dính vào những bẫy lừa đảo qua các app tín dụng ngày càng lớn. Đặc biệt là các bạn sinh viên dễ trở thành mục tiêu tiếp cận của các ứng dụng cho vay qua mạng”.
Sinh viên là một trong những nhóm người dễ mắc bẫy khi tiếp xúc với vay tín dụng qua mạng. Điều này xuất phát từ một loạt các yếu tố đặc biệt trong cuộc sống của họ như việc cần tiền gấp để chi trả học phí, thuê nhà, mua sách giáo trình. Đặc biệt hầu hết các sinh viên đều đang ở trong giai đoạn cuộc sống mới mẻ, thường không có kiến thức sâu về tài chính và tín dụng. Sự thiếu hiểu biết này có thể khiến họ dễ dàng bị lôi cuốn bởi những ứng dụng và trang web hấp dẫn với lời hứa vay tiền nhanh chóng và dễ dàng.
Bên cạnh đó, vay vốn tín dụng đen sinh viên có thể giàu lên một cách nhanh chóng trong một thời gian ngắn. Sinh viên thường có xu hướng so sánh bản thân mình với người khác và chịu áp lực từ những thứ vui tiêu khiển xung quanh cuộc sống. “Điều này, đã vô tình khiến sinh viên tự đẩy chính bản thân mình rơi vào cạm bẫy “vô hình”, Luật sư Nghĩa chia sẻ”.
Những chiếc bẫy “vô hình”
Chi tiêu, sinh hoạt “bốc bát họ”; trả nợ bạn bè, anh em “bốc bát họ”; đảo nợ giữa các đầu vay “bốc bát họ”... Mọi giao dịch ở cái gọi là “bát họ” được giải quyết một cách dễ dàng và nhanh chóng với thủ tục đơn giản đã cuốn những bạn trẻ vào vòng xoáy với ba chữ “bốc bát họ”.
Bạn N.V.M - hiện đang là sinh viên của một trường đại học hàng đầu tại Hà Nội, theo tìm hiểu, vì lý do muốn khoe khoang bản thân mà không muốn tìm việc làm thời vụ nên đã chọn cách “vay nóng” tín dụng đen với suy nghĩ sẽ tiết kiệm khoản tiền từng tháng gia đình trợ cấp để trả nợ.
Thế nhưng, sự thật không dễ như M. tưởng, mỗi “đầu họ” M. phải đóng 200.000 đồng và với khoảng gần 4 đầu họ thì như M. nói: “Mỗi ngày, mở mắt ra là phải có hơn 800.000 đồng để trả nợ!”
Tìm hiểu được biết, chỉ cần photo chứng minh thư và sổ hộ khẩu gửi cho chủ nợ, M. được giải ngân sau chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. Tuy số tiền vay là 10 triệu đồng nhưng M. chỉ được nhận về 8 triệu đồng và mỗi ngày trả 200.000 đồng trong vòng 50 ngày. Và mọi biến cố làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của M. từ lúc cầm 8 triệu đồng của chủ nợ. Những cuộc điện thoại đe dọa, chửi bới của chủ nợ khi M. chậm trả một vài ngày liên tục gọi đến, bất kể giờ giấc khiến M. lo lắng và sợ hãi. Mãi cho đến khi bản thân cảm thấy không có giải pháp và M. đã chủ động chia sẻ với gia đình về hành động lầm lỡ của mình và đã có cách giải quyết.
“Đó là thời gian đáng sợ nhất của mình kể từ bé đến giờ. Mình không nghĩ vì phút giây bồng bột của bản thân, muốn thể hiện mình với những người xung quanh mà bước vào con đường vay nặng lãi, đối diện với sự đe dọa tính mạng” - bạn M. nghẹn ngào chia sẻ.
Hoá giải “bẫy” tín dụng đen
Để tránh trở thành nạn nhân, người dân tuyệt đối không vay tín dụng đen, thường xuyên nhắc nhở người thân, con em về việc này. Đối với sinh viên, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vay vốn thì liên hệ với ngân hàng chính sách xã hội để được vay với lãi suất hỗ trợ.
Vay tiền trong lĩnh vực dân sự rất phổ biến và có nhu cầu rất lớn, đặc biệt đối với giới trẻ. Về quy luật chung, có cầu ắt có cung, các đối tượng cho vay nặng lãi thường hướng đến nhóm đối tượng là sinh viên, người lao động để thực hiện các hoạt động cho vay nặng lãi.
Luật sư Trần Trọng Nghĩa, văn phòng Luật sư Lê Hồng Hiển cho biết: “Những khoản vay vài triệu hay chục triệu thường xuyên phát sinh, vì vậy khi cho những đối tượng này vay thì việc áp mức lãi cao cũng như hành vi đe dọa để ép buộc đòi nợ dễ hơn các đối tượng khác trong xã hội”.
Để bảo vệ bản thân, người dân cần cung cấp cho cơ quan công an số điện thoại, nội dung tin nhắn đe dọa, các web đen hay app đen mà người vay truy cập; thu thập tài liệu, chứng cứ về việc bị bôi nhọ danh sự, đe dọa khủng bố tinh thần, sức khỏe. Ghi âm lại những lời nói, cuộc gọi vu khống, đe dọa…
Theo Luật sư Nghĩa, các cơ quan chức năng và cơ sở giáo dục cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và giúp sinh viên nắm được quy định về lãi suất cho vay.
Đối với sinh viên, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vay vốn nên liên hệ với ngân hàng chính sách xã hội để được vay với lãi suất hỗ trợ. Một số địa chỉ tin cậy, uy tín hỗ trợ vay vốn có thể kể đến như: Ngân hàng Chính sách xã hội - được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; CEP - Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh)…