(Sóng trẻ) - 22/12 là dịp để chúng ta ôn lại những lịch sử hào hùng của dân tộc trong đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua những biến thiên của thời gian, những di tích chứng kiến cuộc chiến anh dũng của quân dân Hà Nội nay đã có nhiều thay đổi, những câu chuyện sau đó vẫn còn nguyên vẹn với đời sau.
Cửa Bắc (Ba Đình, Hà Nội) là cổng thành duy nhất còn lại của thành Hà Nội thời Nguyễn. Đây còn là dấu ấn lịch sử bi hùng cho cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Phía bên trái của nó vẫn còn lưu lại hai vết đạn đại bác của quân Pháp bắn từ tàu chiến dưới sông Hồng trong trận đánh chiếm thành Hà Nội ngày 25/4/1882. (Ảnh: Phan Hoàn)
Rạp Chuông vàng nằm ở số 72 phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nằm trong khu vực trung tâm phố cổ Hà Nội. Đây là nơi diễn ra lễ tuyên thệ: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô ngày 14/1/1947. (Ảnh: Phan Hoàn)
Chợ Đồng Xuân là nơi diễn ra trận đánh lớn nhất của Liên khu 1 ngày 14/2/1947 trong cuộc kháng chiến chống Pháp (Ảnh: Phan Hoàn)
Bức phù điêu “Hà Nội mùa đông năm 1946” là chứng tích về 60 ngày đêm chiến đấu oanh liệt của các chiến sĩ Tiểu đoàn 101, Trung đoàn Thủ đô và biểu tượng cho tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” (Ảnh: Phan Hoàn)
Hồ Hữu Tiệp thuộc làng Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) là nơi ghi dấu chiến công xuất sắc của quân và dân Thủ đô trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Xác máy bay B52, được xác định là “pháo đài bay” cuối cùng bị bắn hạ trên bầu trời, nằm trong lòng hồ Hữu Tiệp. (Ảnh: Phan Hoàn)
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945. (Ảnh: Phan Hoàn)
Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Phan Hoàn)
Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kết thúc hàng nghìn năm phong kiến, phát xít và thực dân vào ngày 2/9/1945. (Ảnh: Phan Hoàn)
Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Cột cờ Hà Nội còn được quân Pháp dùng để làm đài quan sát. Thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ, Cột cờ cũng là đài quan sát của bộ đội phòng không Hà Nội. (Ảnh: Thanh Huyền)
Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội. (Ảnh: Xuân Ly)
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là nơi trưng bày, lưu giữ những hiện vật, tài liệu về những năm tháng chiến tranh ác liệt nhưng hào hùng của quân và dân Việt Nam. (Ảnh: Hà Nội mới)
Chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843 là một trong những chiếc xe tăng đầu tiên húc vào cổng phụ Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975 (Ảnh: Xuân Ly)
Ngôi nhà số 86 phố Hàng Bạc là Trụ sở của Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô, chỉ đạo của chiến đấu ở Liên khu I trong thời gian Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (12/1946 - 2/1947). (Ảnh: Phan Hoàn)
Phố Hàng Đào là nơi người dân Thủ đô cùng nhau tề tựu đón chào đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô 10/10/1954. (Ảnh: Phan Hoàn)
Ô Quan Chưởng (nằm ở ngã tư Hàng Chiếu - Đào Duy Từ) là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội. Trải qua bao biến cố lịch sử, nơi đây vẫn mang trong mình dấu ấn kinh thành cũ và là nhân chứng lịch sử hào hùng của dân tộc. (Ảnh: Phan Hoàn)
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.