Chất lượng Không khí (AQI) ở Hà Nội ở mức kém
(Sóng trẻ) - Nhiều khu vực tại Hà Nội ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí từ sáng đến trưa 18/11 với chỉ số bụi mịn PM 2.5 vượt mức cho phép.
Trạm quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại số 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên cho thấy chỉ số bụi PM 2.5 vào buổi trưa là 151 - tương đương với cảnh báo xấu, mức thứ tư trong thang 6 mức.
Điểm đo tại Đại học Bách khoa Hà Nội, đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, cũng có chỉ số bụi mịn PM 2.5 cao, lúc 11h là 169. Điểm đo tại công viên Nhân Chính quận Thanh Xuân và Cầu Giấy chỉ số ở mức kém, từ 101 đến 150.
Theo hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí tại một số khu vực nội thành như Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), Trung Hòa (Cầu Giấy) và Khương Trung (Thanh Xuân) đang ở mức báo động với chỉ số AQI 139, thuộc cấp độ kém.
Trạm đo của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cũng cho thấy trong sáng nay chỉ số bụi PM 2.5 liên tục ở mức kém. Trang tổng hợp dữ liệu hàng nghìn trạm đo chất lượng không khí trên toàn thế giới IQAir lúc 12h xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 10 thế giới với chỉ số 155, đứng đầu là Delhi của Ấn Độ chỉ số 1.660.
Ô nhiễm không khí không chỉ tập trung ở nội thành mà còn ở các khu vực ngoại thành như Kim Bài (Thanh Oai), Chúc Sơn (Chương Mỹ) và Vân Đình (Ứng Hòa). Tại đây, chỉ số AQI đã vượt quá mức cho phép, đặc biệt là tại Kim Bài với chỉ số 150.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng song song với sự phát triển kinh tế, lượng chất thải ngày càng tăng và đa dạng, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể để kiểm soát ô nhiễm môi trường với từng loại hình, từng ngành.
Theo ông Tùng, dù đẩy mạnh phân cấp phân quyền song vấn đề ô nhiễm không khí "Dường như chỉ trung ương hoặc các tỉnh nhắc đến, trong khi các quận huyện, nơi trực tiếp phát sinh thì không mấy quan tâm". Nhiều nơi không nắm được nguồn gây ô nhiễm nhất để có giải pháp phù hợp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường hệ thống quan trắc tự động, liên tục, để đo và công bố chỉ số AQI, nhằm cung cấp thông tin chính xác về chất lượng không khí cho người dân.