“Cháu cũng chỉ biết học thôi dì ạ!”
(Sóng trẻ) - Lúa phụt xong, mồ hôi chưa kịp ráo. Không kịp phủi rơm đang bám đầy trên tóc, Thắm đi ngay vào bàn học, ngồi xuống, cặm cụi viết điều gì. Từng con chữ lần lượt hiện ra, ít phút sau, lá đơn xin miễn học phí đã ngay ngắn đặt nằm trong trang vở.
“Cái Thắm hả? Nó đang bê lúa ở trong sân kìa! Rõ khổ, hoàn cảnh lắm, vừa nan, vừa học giỏi, nhắc tới ai cũng tội, cũng thương” – người phụ nữ chỉ tay về phía cái lưng áo màu hồng đang ướt đẫm mồ hôi.
Ba người mẹ
Nghe đâu bà lão sinh hạ được mấy người con. Đứa nào cũng khỏe mạnh, vuông tròn. Duy chỉ có cô con gái đầu lòng Phạm Thị Dân, mới chào đời được hai hay ba tháng thì mắc sài, lâu khỏi. Bệnh hết. Nhưng người điếc, và thần kinh bỗng không minh mẫn tự bao giờ.
Ngót nghét tuổi 40, bà Dân (thôn Ải Quan, xã Minh Hoàng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) kết hôn với một người đàn ông lục tuần đã qua vài đời vợ. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, không biết có phải vì cám cảnh người vợ hay không mà một ngày ông bỏ đi biền biệt. Để lại sau mái nhà dột nát đứa con thơ 5 tháng nữa mới tới lúc chào đời.
Bà Phạm Thị Dân – mẹ Thắm.
Phạm Thị Thắm sinh ra trong cảnh không có tình cảm của cha và thiếu vắng sự chăm sóc thương yêu của mẹ. Một tay bà nại nuôi nấng em, vừa là bà, vừa là người mẹ thứ hai nuôi em khôn lớn. Mẹ Thắm bị điếc, không biết tiêu tiền, cũng chẳng thể tự mình làm gì nếu không có người chỉ dẫn. Chính vì thế, ngay từ lớp 1, Thắm đã phải ra chợ để bà dạy dỗ cách mua bán, tính toán tiền nong. Bữa cháo bữa rau, mình bà cụ già nua làm chỗ dựa cho đứa cháu thơ và người con bất hạnh.
Cháu lớn lên từng ngày bà yếu dần từng phút. Bệnh tật triền miên ghé thăm bà khi Thắm mới ở tuổi 12. Mẹ chẳng thể chăm lo, một tay em cáng đáng việc nhà, lo lắng cho bà những lúc ốm đau bệnh tật. Có những lúc đang học, em vội vã chạy về vì mẹ gọi, bà đau. Các bác ở xa, chỉ có người dì lấy chồng ở làng bên lúc rảnh rỗi thỉnh thoảng lại ngó qua đỡ đần cho chút việc. Chưa bao giờ bố quay về thăm hay gửi cho Thắm một chút tình thương yêu. Trong kí ức của em, hình ảnh bố là một vùng gì trắng xóa.
Hai mẹ con Thắm.
Rồi bà mất. Còn lại hai mẹ con chông chênh. Lúc này, dì trở thành chỗ dựa vững chắc nhất cho mẹ và em - là người mẹ thứ ba sát cánh bên em trong cuộc sống.
Cháy bỏng ước mơ
Thắm học đều. Em nuôi ước mơ trở thành một bác sĩ. Nhờ được nhà trường và thầy cô ưu đãi, miễn học phí và những khoản học thêm, Thắm mới có thể đến trường đầy đủ. Hiện em đang là học sinh lớp 11A10 THPT Tiên Lữ, giữ chức bí thư và lớp phó học tập, có mặt trong ban chấp hành đoàn trường.
Có những hôm Thắm phải tới trường học thêm buổi tối. Nhà thì xa, đường có chỗ vắng vẻ, tối tăm, dù hơi sợ nhưng em vẫn quyết tâm đi học đầy đủ. Lắm lúc tủi thân phát khóc, bởi mơ hồ một nỗi sợ mất con, mà mẹ mắng và nhất quyết không cho em đi học.
Dì rất thương hai mẹ con em. Nhưng trên vai dì có gánh nặng của hai đứa con và bố mẹ chồng đang già yếu. Hơn mẫu ruộng không lo đầy ngày tháng. Biết cháu nuôi ước mơ làm bác sĩ, dì hiểu mà đành gạt nước mắt vào trong. Dì bảo: “Con có chọn trường thì phải thực tế thôi, chọn trường nào không phải nuôi may ra còn cố được. Chứ học Y như thế, hoàn cảnh gia đình mình đã vậy, biết tính làm sao?”.
Thắm cũng không cãi lại điều gì. Em chỉ biết im lặng. Tự trong tâm em thấu hiểu hoàn cảnh của mình. Mẹ ốm đau liên miên, dì có thương cũng không theo suốt cuộc đời em được. Nhưng Thắm vẫn tới lớp học thêm đều đặn, đặc biệt theo đuổi môn Sinh như ước nguyện của mình.
Em ngước đôi mắt trong veo khẽ nói: “Cháu cũng chỉ biết học thôi dì ạ!”.
Lương Thị Lý
BMĐT K.29