Cho phép học sinh THCS và THPT sử dụng điện thoại để tra cứu tài liệu
(Sóng trẻ) – Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra trước quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông được sử dụng điện thoại trong giờ học để tra cứu tài liệu.
Ngày 15 tháng 9 vừa qua, Bộ giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt thông tư 32, ban hành những điều lệ mới đối với trường Trung học cơ cở, Trung học phổ thông và Trung học phổ thông nhiều cấp học. Theo đó, trong điều 7, thông tư 32 có quy định về những điều học sinh không được làm. Đáng chú ý nhất phải kể đến việc "sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học và không được giáo viên cho phép". Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đồng ý cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học để tra cứu tài liệu. Quyết định này đang gây nên những tranh cãi.
Trước nhiều ý kiến trái chiều trong những ngày qua, ông Sái Công Hồng - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải thích về quy định mới này. Theo đó, học trò được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, có sự đồng ý của giáo viên.
Học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại di động để phục vụ mục đích học tập, dưới sự đồng ý và quản lý của giáo viên (Ảnh: Vietnamnet)
Vấn đề này đã khiến bộ phận giáo viên và học sinh mạnh dạn lên tiếng. Thầy Lê Văn An, giáo viên môn Vật lý khối 12 trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, Thái Bình tỏ rõ sự băn khoăn: “Vấn đề đang đặt ra là việc kiểm soát trong tiết học với một thầy cô nhiều khi không đáp ứng hết được. Nếu một lớp học có từ 40 học sinh trở lên hoặc nhiều hơn nữa, thầy cô không thể với tay xuể đến tất cả các học sinh. Biết đâu trong quá trình học, có những em nghiên cứu bài vở, có những em lại nghiên cứu những cái khác nên giáo viên không thể kiểm soát hết”.
Có thể nói, học sinh khối Trung học phổ thông là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ bởi quyết định này. Khối Trung học phổ thông hầu hết đều được trang bị điện thoại di động thông minh, sử dụng thế nào để thiết bị này phát huy tối đa hiệu quả trong học tập còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.
Bạn Trần Đại Gia Phong, học sinh lớp 12A12, trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du, Thái Bình cho biết: “Theo em, Bộ giáo dục cho sử dụng điện thoại để tra cứu là một việc hợp lý. Nhưng để không bị phản tác dụng thì mỗi học sinh như bọn em phải có ý thức tự giác, và các thầy cô chỉ nên cho sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định trong một tiết học. Việc sử dụng điện thoại xuyên suốt sẽ khiến bọn em bị phân tâm và có thể sẽ sử dụng vào những mục đích khác”.
Tóm lại, việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học cần được các cấp lãnh đạo tính toán kỹ lưỡng rủi ro trước khi đưa quy định đi vào thực tế. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh xã hội đang có những chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học. Thông tư 32 sẽ được áp dụng từ ngày 1/11 tới đây.