Chùa Hương - “Kiêu hãnh Non Sông, đẹp với tình”

(Sóng trẻ) - Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm mới, mùa sinh sôi nảy nở của cây cỏ, vạn vật… Giữa tiết trời ấm áp ấy, lòng người hân hoan rủ nhau đi hội, hành hương về cội nguồn, vui chơi và cầu mong cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống sung túc, gặp nhiều may mắn. 

Ai ơi lễ Phật đầu năm
Cầu cho may mắn, được mùa bình an

Như một nét văn hóa truyền thống của mỗi người con đất Việt, cứ sau Tết Nguyên Đán cổ truyền, người ta lại nô nức đi chùa cầu một năm sung túc, an lành. Lễ hội chùa Hương là một địa điểm thu hút rất nhiều du khách thập phương tìm đến. Tôi cũng đã kịp dành cho mình một ngày được đặt chân đến với mảnh đất Phật linh thiêng này.

Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 62km về phía tây nam, chùa Hương thuộc địa bàn xã Hương Sơn - huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội. Ngày mùng 6 tháng giêng là ngày khai hội Chùa Hương , lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch , ngày này vốn là ngày mở cửa rừng của người dân địa phương và sau này trở thành ngày khai hội.

ba1e89c59_chua_huong_561.jpg
Chùa Thiên Trù ở lưng chừng núi

Đến với chùa Hương, du khách sẽ được đắm mình trong khung cảnh thần tiên, hữu tình của Hương Sơn. Đầu tiên, để đến được với đức Phật linh thiêng, chúng ta sẽ được thả mình theo dòng suối Yến trên chiếc thuyền nhỏ của người lái đò. Hai bên bờ là những ngọn núi cao, sừng sững như những người bảo vệ nghiêm nghị cho dòng suối Yến xanh trong. Cảnh sắc thiên nhiên thật hùng vĩ và lòng người trở nên mở rộng hơn để đón vẻ đẹp ấy vào lòng.

Có thể nói, quần thể Hương Sơn đã được tạo hóa ưu ái ban tặng cho nhiều nét kì vĩ mà không nơi nào có được. Không giống bất kỳ nơi nào, chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa, hang động gắn liền với núi rừng và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn.

Từ chân núi trèo ngược lên hàng ngàn bậc đá cheo leo, gập ghềnh, khách hành hương sẽ lần lượt thắp nhang ở chùa Nài, rồi vào chùa Trong, lên chùa Giải Oan, chùa Thiên Trù với động Hinh Bồng... Chùa nào cũng cổ kính, uy nghi, đèn nến chập chờn giữa làn khói hương mờ mờ, ảo ảo, tạo nên không khí huyền bí, linh thiêng. Mỗi người đến chùa Hương với một tâm trạng, một ước nguyện riêng tư, nhưng điều chung nhất là cảm giác trút bỏ được những vướng bận hằng ngày của đời thường, cả thể xác lẫn tâm hồn đều lâng lâng, thoát tục.

Đã đến với Hương Sơn, chúng ta không thể không tới động Hương Tích bởi đây là hang động đẹp nhất, kì thú nhất nơi đây. Đến đây, du khách phóng tầm mắt nhìn bốn phía, mọi mệt nhọc sẽ tan biến hết, trong lòng khoan khoái hít thở không khí thơm tho, trong lành trước khi xuống động.

ba1e89c59_lichchuahuongdonghuongtichvietsense_1382157335.jpg
Động Hương Tích, điểm đến của bất cứ ai khi tới chùa Hương

Nhìn từ bên nài, cửa động giống như miệng một con rồng khổng lồ đang mở. Động ăn sâu vào lòng núi. Đáy động được đắp bởi những viên đá to, tương đối bằng phẳng, có thể chứa được mấy trăm người. Những nhũ đá, cột đá muôn hình vạn trạng, nào hòn Cậu, hòn Cô, nào cây bạc, cây vàng, cót thóc... Khách hành hương muốn cầu phúc, cầu lộc, cầu duyên... cứ việc thắp nhang rồi thành tâm khấn vái, biết đâu Trời sẽ thương, Phật sẽ độ trì cho được như ý.

Duy mãi chưa quen với tuyết mai
Hoa mai như tuyết nhẹ như hơi
Rừng mơ Hương Tích ba lần gặp
Từ tuổi thanh niên đến giữa đời.
Mà vẫn bàng hoàng như giữa mộng,
Mơ hay là thực, hỡi hoa mơ?
                                                      (Thăm cảnh chùa Hương - Xuân Diệu)

Đến chùa Hương một ngày ta không thể nào đi hết được các ngôi chùa, nhưng bấy nhiêu thôi ta cũng cảm nhận được sự thanh thản trong tâm hồn khi về với đức Phật. Chèo thuyền trở ra về, ta có cảm giác tiếc nuối, chỉ mong mau chóng cho đến mùa hội năm sau, ta lại được hành hương về lại nơi đây, về với sự tĩnh lặng của tâm hồn và được thả hồn trong bức tranh tuyệt mỹ của phong cảnh Hương Sơn.

Ðã ngàn năm trước, muôn năm nữa
Kiêu hãnh Non Sông đẹp với tình.
                                            (Thăm cảnh chùa Hương - Xuân Diệu)
Triệu Mẫn
Truyền hình K31 A2
Ảnh: Internet

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN