Sức sống bền bỉ trong văn hóa dòng họ Nguyễn Hữu
Hằng năm cứ đến ngày 18-19/8 âm lịch, tất cả những người con của dòng họ Nguyễn Hữu dù đang làm ăn, sinh sống học tập ở trong nước hay nài nước đều trở về thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội để dự lễ giỗ Tổ tỏ lòng biết ơn thành kính với tổ tiên trong dòng họ. Đặc biệt Nguyễn Hữu còn là một trong số ít những dòng họ còn giữ lại những nghi lễ truyền thống trong ngày giỗ Tổ như: Tế lễ, cầu bình an hạnh phúc, trao phần thưởng khuyến học.
Cùng với sự phát triển của xu thế hiện đại, hiện nay văn hóa của nhiều dòng họ đã dần trở nên mai một. Trước kia, người dân trong một làng chủ yếu là người cùng trong một họ. Song vì nhiều lí do mà ngày nay một làng có thể tập trung rất nhiều dòng họ khác nhau. Tuy nhiên vẫn có những dòng họ có số nhân khẩu rất lớn trong một làng. Nguyễn Hữu là một dòng họ như vậy. Hầu hết người dân trong họ đều là người dân làng Văn Giáp. Không chỉ có vậy, hiện nay Họ Nguyễn Hữu còn có rất nhiều con cháu đang sinh sống, học tập và làm việc ở Sài Gòn, Canada, Mỹ...Hiện nay trong họ có 4 chi với 490 nhân khẩu và 109 nóc nhà.
Nhà thờ trong ngày giỗ Tổ
Lễ giổ tổ vào tháng 8 âm lịch hàng năm vẫn được dòng họ duy trì từ nhiều năm nay. Những nghi thức rườm rà, lãng phí đã không còn thực hiện nữa hoặc thay đổi để phù hợp, nhưng nhìn chung các nghi lễ chính vẫn còn được giữ lại và hầu như không có sự thay đổi. Năm 1997, nhờ thờ họ Nguyễn Hữu được xây dựng ngay trên mảnh đất của nhà trưởng họ.
Từ nhiều ngày trước ngày giỗ Tổ, con cháu dòng họ từ khắp mọi miền đã trở về để dâng hương ở nhà thờ. Bắt đầu từ ngày 12/8 âm lịch, chỉ cần nghe thấy tiếng trống từ nhà trưởng họ thì mọi người con trong họ không ai bảo ai đều đến nhà trưởng họ để họp mặt và bàn về ngày giỗ Tổ. Đây cũng là một truyền thống còn giữ lại của dòng họ. Với sự phát triển của công nghệ người ta có thể dùng điện thoại di động để thông báo tin tức nhưng khi trong họ có việc chỉ cần nghe thấy tiếng trống, mọi người trong họ sẽ biết và đến họp trong nhà trưởng.
Giỗ Tổ là ngày để cho con cháu thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với tổ tiên
Trong ngày 18, các thành viên của các chi trong họ sẽ tập trung về nhà thờ rửa dọn, chuẩn bị đồ lễ, lau dọn nhà thờ. Chiều ngày 18, các cụ trong ban Tụng kinh sẽ tập trung ở nhà thờ để cầu mát – cầu may – cầu tài-cầu phúc cho con cháu trong họ.
Vào ngày 19, từ sáng sớm mọi người đã tập trung ở trong nhà trưởng để làm cỗ giỗ Tổ. Những người con gái lấy chồng ở nơi xa trong ngày này cũng trở về nhà thờ để giúp việc họ. Khoảng 9 sáng sẽ diễn ra nghi thức tế lế ở nhà thờ. Chỉ có có con dâu trong dòng họ mới được tập nghi thức tế, cứ thế người đi trước dạy người đi sau truyền từ đời này sang đời khác. Lời khấn lễ cũng do những bà đã có tuổi trong họ đọc. Lễ giỗ Tổ diễn gia trong không khí trang trọng, nhưng không kém phần rộn ràng bởi tiếng chiêng trống, kèn, sáo, nhị.
Nghi thức tế lễ truyền thống.
Sau nghi thức tế, bà Nguyễn Thị Xoay - Trưởng họ Nguyễn Hữu sẽ thay mặt họ trao thưởng cho các cháu đỗ vào các trường đại học trong kì thi vừa qua. Năm nay, trong họ có 5 cháu đỗ vào các trường đại học lớn như : Đại học quốc gia, Cảnh sát, Lục quân, Kinh doanh và công nghệ, Nông nghiệp. Việc khen thưởng vừa là để nêu gương với các cháu khác trong dòng họ vừa là để động viên các cháu tiếp tục học tập để làm rạng danh dòng họ.
Lễ khuyến học
Sau khi xong các nghi thức cũng lế thì mọi người bắt đầu thụ lộc. Trên tinh thần văn hóa, không xa hoa lãng phí, nhà trưởng cũng nhắc nhở các thành viên trong họ giỗ Tổ ăn uống tiết kiệm, không sử dụng quá nhiều rượu bia. Trong khoảng thời gian này vẫn có rất nhiều người con từ xa trở về vào nhà trưởng tiến lễ dâng lên nhà thờ. Vào buổi chiều các trưởng chi và nhà trưởng sẽ cùng ra mộ Tổ để lễ tạ.
“Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn”
Ngày giỗ Tổ đối với bất cứ dòng họ nào cũng là một ngày lễ vô cùng thiêng liêng. Có thể thấy theo thời gian nhiều nét văn hóa của làng quê Việt Nam đã không còn được lưu giữ nữa. Nhưng sức sống bền bỉ của những nét văn hóa trong dòng họ như họ Nguyễn Hữu sẽ mãi là sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa những người con với dòng họ, quê hương, đất nước.
Nguyễn Thị Mai Anh
Lớp Truyền hình K31A1
Cùng chuyên mục
Bình luận