Chuyện đời sau gánh hàng rong
(Sóng Trẻ) - Không gia đình, không họ hàng, anh em thân thích, bà Nguyễn Thị Ái Liên, 77 tuổi đã có gần 40 năm bán đồ cũ ở Hà Nội. Hàng hóa của bà chỉ vỏn vẹn có hai chiếc làn đựng đầy quần áo, giày dép cũ và một túi hành lý mang bên mình.
Câu chuyện cuộc đời
Ghé vào “cửa hàng” của bà ở một góc phố đối diện bốt Hàng Đậu, khi tôi hỏi về quê quán, bà ngậm ngùi kể: Hồi nhỏ do chiến tranh phải chạy loạn đến nhiều nơi, giờ bà không còn nhớ quê quán mình ở đâu nữa. Bà chỉ nhớ đúng năm cụ Hồ mất (1969) là bà đến Hà Nội. Những ngày đầu ở đây, bà đi rửa bát thuê ở các quán cơm, quán phở hoặc đi nhặt rác, bán đồng nát kiếm sống qua ngày.
Sau này, trong một lần đi dọn nhà thuê cho một gia đình giàu có, bà được người ta cho nhiều thứ đồ không dùng đến nữa. Thấy những thứ đó vẫn còn sử dụng được, bà mang ra vỉa hè bán lại cho những người lao động và kiếm được chút ít. Do không có việc làm ổn định nên bà nảy ra ý tưởng lấy đó làm công việc chính. Từ đó, những đồ dùng được cho, nhặt nhạnh hay mua lại được, bà đều mang đi bán. Khách hàng của bà hầu hết là những người lao động chân tay như thợ xây, thợ kéo xe, thợ mài dao kéo…
Bà Liên cùng gánh hàng rong nhỏ bé.
Hà Nội 36 phố phường không có chỗ nào là bà chưa đi. Ngày trước còn khỏe, bà rong ruổi bán hàng ở tận Khâm Thiên, Ngã Tư Sở, nhà máy rượu… nhưng bây giờ, vì đã già yếu nên bà chỉ ngồi bán ở một vài phố trong khu phố cổ. “Nhà” của bà là những mái hiên trên đường Lương Văn Can, cả ngày đi bán hàng, tối đến, bà lại về đó ngả lưng. Cuộc sống của bà hàng chục năm qua cứ lặng lẽ trôi qua như thế…
Một nhân cách cao đẹp giữa bộn bề cuộc sống
Với chiếc áo nâu bạc phếch và chiếc quần nái đen cũ kĩ, bà ngồi lặng im nơi góc phố nhộn nhịp, ngắm nhìn dòng người qua lại và kể cho tôi nghe những câu chuyện cuộc đời, những triết lí nhân sinh.
Bà nói: “Bà không ngửa tay xin ai một thứ gì. Ai cho gì thì bà quý trọng cái đó, còn sức thì bà còn làm!”. Nhiều người khuyên bà vào chùa Bồ Đề ở, nhưng bà muốn tự mình kiếm sống để không phải dựa dẫm vào ai.
Bà ghét những kẻ “chọn phú quý khinh bần” - tức là những kẻ chỉ biết đến tiền bạc, giàu có mà khinh những người nghèo hèn. “Bòn nơi quần hồng, đãi nơi khố rách”, dù cuộc sống của bà chẳng khấm khá hơn mấy ai, nhưng bà luôn sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Ở độ tuổi thất thập cổ lai hi, sau hàng chục năm vất vả lao động, đáng nhẽ giờ là lúc bà cần được nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già. Nhưng ngày qua ngày, bà vẫn phải lặng lẽ quẩy gánh hàng rong trên đôi vai nhỏ bé và chiếc lưng còng đi khắp phố phường Hà Nội để kiếm sống. Trong hoàn cảnh của bà, có lẽ nhiều người sẽ bị nhấn chìm trong đau khổ của sự bần cùng rồi dẫn đến buông xuôi, tuyệt vọng, chịu thua hoàn cảnh. Nhưng dù cuộc sống khó khăn, cơ cực đến đâu, ở bà vẫn luôn ngời sáng một nhân cách cao đẹp, một ý chí và nghị lực sống thật phi thường.
Triệu Quang
Lớp Báo ảnh K.29
Học viện Báo chí và Tuyên truyền