“Bom nổ chậm” giữa lòng Thủ đô
(Sóng trẻ) - Giữa nhịp sống hiện đại, vẫn còn hàng nghìn hộ dân phải sống trong những khu tập thể cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng. Nhiều khu nhà xếp vào diện nguy hiểm cấp D - tức có thể đổ sập bất cứ lúc nào nhưng tiến độ cải tạo thì vẫn… chưa có ngày hẹn.
Nguy cơ chực chờ
Các khu tập thể Thành Công, Giảng Võ, Kim Liên, Ngọc Khánh,… là những cái tên quen thuộc trong danh sách “điểm đen” xuống cấp tại Hà Nội. Được xây dựng từ những năm 1960–1994, những dãy nhà chỉ cao 4–5 tầng, móng nông, tường mỏng, không có hệ thống chống sét, phòng cháy chữa cháy nay đã mục nát, bong tróc, nứt vỡ khắp nơi.

Thực chất, các khu nhà này được thiết kế cho thời kỳ bao cấp, phục vụ nhu cầu ở tối thiểu cho cán bộ, công nhân viên chức lúc bấy giờ. Theo thời gian, khi dân số tăng, nhu cầu sử dụng không gian sống cũng đổi khác, các gia đình bắt đầu cơi nới, mở rộng bằng mọi cách: đua ban công, dựng thêm tầng gác, dựng lưới sắt làm “chuồng cọp”… khiến kết cấu vốn đã yếu lại càng thêm mất cân đối, tiềm ẩn nguy cơ sập đổ lan truyền.
Sinh sống tại khu tập thể Thành Công hơn 20 năm, cô Đoàn Thị Hồng (60 tuổi) sống ở tầng 2 khu A1 đã phải cơi nới ra 22m đằng sau để đổ trần và 16m đằng trước. “Ở đây nhà nào cũng phải cơi nới thêm ra vì quá chật”, cô Hồng cho biết.

Cái nguy không chỉ đến từ tuổi thọ vật lý của công trình, mà còn đến từ những hiểm họa như cháy nổ và sập đổ không báo trước. Một khi xảy ra hỏa hoạn, các lối thoát hiểm chật hẹp, hành lang bị bịt kín, cầu thang cũ kỹ gỉ sét,… sẽ trở thành “cái bẫy tử thần”. Việc thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy đồng bộ khiến việc cứu hộ – cứu nạn gần như bất khả thi trong tình huống khẩn cấp.
Anh Nguyễn Văn Hòa (42 tuổi), sống tại khu nhà tập thể Nghĩa Tân, cho biết: “Chúng tôi chấp nhận sống tạm bợ vì không có lựa chọn khác. Đi thuê nhà thì không đủ tiền. Mua nhà mới lại càng không".
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, trong đó hàng chục khu đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng trong hơn 20 năm qua, mới chỉ cải tạo được 19 khu - một con số khiêm tốn đến mức đáng báo động.
“Nút thắt” từ chính sách và lợi ích
Lý giải cho sự chậm trễ này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho biết: “Trước khi có Luật Thủ đô, doanh nghiệp như Tổng công ty Sông Hồng từng cải tạo các khu như Kim Liên, Thái Hà, trong đó cả người dân và chủ đầu tư đều hài lòng. Tuy nhiên, sau khi Luật Thủ đô ra đời, quy định hạn chế chiều cao tại 4 quận nội thành đã khiến các dự án gần như ‘đóng băng’, do không đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư cũng như quyền lợi cho người dân".

Gần đây, Hà Nội đã đề xuất quy hoạch cải tạo theo khu, cho phép nâng tầng tối đa 40-45 tầng, đồng thời giảm mật độ xây dựng để dành quỹ đất cho hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Ông Điệp đánh giá đây là định hướng “đúng và trúng”, có thể tạo đột phá nếu được triển khai nghiêm túc.
Dù vậy, ông cũng chỉ ra rằng, những vướng mắc như xung đột lợi ích giữa các bên, đặc biệt là các hộ dân ở tầng một vốn đang có nhiều quyền lợi kinh doanh vẫn là trở ngại lớn khiến việc triển khai bị trì trệ.
“Giải quyết vấn đề không thể chỉ trông chờ vào một phía. Cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền đều cần lùi một bước, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm xã hội. Chính quyền phải thực sự quyết liệt, thậm chí có chế tài rõ ràng, buộc các bên vào cuộc thì mới có thể chuyển động được”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Điệp, nếu thực hiện được định hướng cải tạo hiện nay, việc xây mới chung cư cũ sẽ không chỉ làm đẹp bộ mặt đô thị, mà còn nâng cao chất lượng sống: từ an toàn kết cấu, hạ tầng kỹ thuật hiện đại cho đến môi trường sống văn minh. Nhưng điều kiện tiên quyết là “quyết tâm chính trị phải rõ ràng, hành động phải đồng bộ và giám sát phải mạnh tay”.