Chuyện người thương binh làm giàu từ đá

(Sóng trẻ) - Trở về từ khói lửa đạn bom, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Cảnh Hưng với ý chí và nghị lực và đôi bàn tay khéo léo đã biến những hòn đá vô tri trở thành hòn non bộ có giá trị kinh tế cao, thu nhập hàng tỷ đồng và giúp đỡ hàng trăm gia đình xóa đói giảm nghèo.

Người thương binh hạng nặng

Ghé thăm ông trong một buổi sáng mùa thu, người cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Hưng (làng Động Nhất, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đón tôi ghé thăm nơi ông an dưỡng lúc về già. Vừa đi ông vừa kể về thời thơ ấu sinh ra và lớn lên trong điều kiện nhọc nhằn: “Mười tuổi tôi mồ côi mẹ, cha đi bước nữa. 12 tuổi tôi theo cha lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề kéo xe lôi. Cha mất khi tôi còn chưa đầy 13. Năm 1951, tôi cùng dì về quê sinh sống và ngay chính quê hương của mình tôi bị bắt đi phu cho giặc Pháp. Ngày ngày tôi phải mang gạch, đá lên đồn bốt giặc Pháp…”. Ông bảo: “Đó là thời kỳ đen tối nhất của đời tôi".

z6049900447858_39e7c12146e6394652d32cd9a93bf383.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Hưng nghỉ chân bên bộ bàn ghế đá cho chính ông chế tác nhiều năm về trước. Ảnh: Minh Ánh Phan.

Kháng chiến chống Pháp thành công, hoà bình lập lại ở miền Bắc. Cuộc đời của chàng thanh niên Nguyễn Cảnh Hưng bước sang trang mới. Ông được đi học rồi lấy vợ và sinh con. Năm 1959, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông chia tay người vợ trẻ và đứa con thơ, gia nhập Trung đoàn 803, Sư đoàn 324 hành quân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Đó là những năm tháng không thể nào quên với ông.

Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân (1968) tại Thừa Thiên - Huế, ông bị thương, phải cắt bỏ chân trái và một ngón tay. Ra Bắc năm, sau 6 lần mổ vết thương, ông trở thành thương binh hạng 2/4 và được chuyển ngành về Ty Thực phẩm Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam và Nam Định).

Xuất ngũ về quê dưỡng thương, từ đây thương binh Nguyễn Cảnh Hưng lại trở thành “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế". Ký ức chiến tranh đã lùi lại phía sau, vết thương năm xưa cũng đã lành nhưng gánh nặng cơm áo gia đình vẫn đè nặng lên vai người thương binh ấy.

z6049900213919_24dde38bd6decca2c75b2b7a838c2777.jpg
Một ngón tay và chân trái bị mất của ông Hưng do chiến tranh. Ảnh: Minh Ánh Phan.

Về nghỉ hưu từ Ty Thực phẩm Nam Hà, dù sức khỏe đã yếu nhưng ông vẫn cùng vợ làm việc cật lực để nuôi 6 miệng ăn. Ông kể: “Tôi đã “kinh qua" đủ thứ nghề. Nào là nấu rượu, nuôi lợn, bán hàng, làm miến, tráng bánh, bán hoa,... nhưng vẫn không đủ tiền để nuôi hơn “nửa tiểu đội” ăn học. Nỗi day dứt đó còn hành hạ ông hơn cả những vết thương trên cơ thể khi trái gió trở trời.

Từ gã khùng phố Động Nhất…

Trước đây khi còn ở chiến trường, vào lúc rảnh rỗi ông thường tỉ mỉ sưu tầm đá cảnh, những giò phong lan để trang trí, ngụy trang cho hầm hào và những chiếc ba lô trên đường Nam tiến. Việc làm đó đã phần nào giúp người lính quên đi cái tàn khốc và ác liệt của chiến tranh. Giữa lúc tưởng như tuyệt vọng nhất, những kỷ niệm về những ngày ông còn ở Trường Sơn với cỏ cây, hoa lá lại hiện hữu. Ông chợt nghĩ đời sống dần khấm khá, người dân sẽ tìm đến những thú chơi tao nhã. Từ đó ông bắt đầu “dấn thân" vào nghề trồng cây, tạc đá.

Nhưng ý tưởng kinh doanh non bộ đá cảnh của Nguyễn Cảnh Hưng xuất hiện vào thời điểm những năm 90 được nhiều người ví là “gã khùng". Những ngày ban đầu, ông một mình lặn lội cùng chiếc xe đạp cũ kỹ vượt hàng chục cây số vào vùng núi Kim Bảng (Hà Nam) tìm đá, tìm cây. Vợ của ông, bà Hoàng Thị Khang nhớ lại: “Ông ấy đi bằng ý chí chứ không phải đi bằng đôi chân".

z6049900707673_7ffcfaa0e3f7074cea5b9917990e1022.jpg
Ông Hưng hiện nay an dưỡng tuổi già tại quê hương. Ảnh: Minh Ánh Phan.

Ký ức về những lần vấp ngã, rơi chân giả, ông đều không thể quên. Ông nhớ lại: “Có lần qua đò, do sức yếu, đường đất trơn trượt, cả người, xe và đá đổ ập xuống đường. Tôi gắng sức bình sinh để dựng xe dậy, nhưng khi vừa đứng dậy thì người và xe lại loạng choạng rồi lăn tòm xuống sông giữa chiều cuối năm lạnh giá. Có lần, đi chợ Ba Na bán cây cảnh. Đường ngược gió, xe tuột xích tôi ngã văng cả chiếc chân giả mà không sao gượng dậy nổi. Đành ngậm ngùi ngồi đợi gần một tiếng đồng hồ mới có người đi tới để nhờ nhặt và lắp hộ bàn chân giả”. 

“Có những lúc tôi đã khóc, nhưng cứ nghĩ đến thời mưa bom bão đạn khốc liệt, nghĩ về đồng đội tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh", ông Hưng bộc bạch.

Dẫu khó khăn là thế, nhưng khắp các núi rừng từ Thung Mơ, Thung Trứng (Hà Nam) đến Hà Trung (Thanh Hoá), Suối Tép (Hoà Bình)... đâu đâu cũng in dấu chân người lính Bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Cảnh Hưng. Cho tôi xem dòng nhật ký kể về những chuyến đi rừng ngày ấy, ông viết: “Vào rừng nghe tiếng chim hót: bắt - cô - trói - cột, tôi lại ngẫm rằng ấy là tiếng chim động viên tôi “khó - khăn - khắc - phục”. Tiếng chim thôi thúc tôi chân lành, chân giả leo lên từng dãy núi cao, vượt qua từng mỏm đá để mang về những tảng đá, dò phong lan, những cây gỗ lũa ưng ý".

z6049901528932_ab866aa8919b862d797f9b678a723936.jpg
Những hòn non bộ được chế tác tại làng Động Nhất mà ông Hưng là "tổ nghề". Ảnh: Minh Ánh Phan

Có đá, có cây rồi nhưng làm sao để thổi hồn vào những vật vô tri, vô giác cũng không phải chuyện dễ dàng. Ông Hưng lại bắt đầu hành trình ngày đêm “tầm sư học đạo", nghiên cứu đủ loại sách vở, thực tế về dáng đá, dáng cây. Ông bảo: “Núi đá thì có thạch nhũ đẹp thế đấy. Nhưng không phải đặt nó vào đâu cũng đẹp, mà cần phải có thế, có dáng”. 

Nhờ nghiên cứu về thuật đá bonsai cùng với 9 năm bộ đội gắn liền với núi rừng Trường Sơn nên ông đã nhanh chóng trở thành một nghệ nhân có tiếng trong làng non bộ. Những thế núi Tam Sơn, Nhị Sơn, Phụ Tử, Quân Vương,... chính là những ký ức về thời niên thiếu cầm súng bảo vệ tổ quốc, về Trường Sơn - nơi dấu chân ông và đồng đội đã đi qua.

… Đến “ông tổ" nghề đá làng Động Nhất

Để có những hòn đá non bộ giá trị, đòi hỏi người chế tác phải có một góc nhìn nghệ thuật nhất định. Cách lắp đặt, sắp xếp các mảnh đá, bố trí các loại muông thú, cỏ cây, tượng người, cầu quán, chùa tháp,... phải được “cân đo đong đếm” cẩn thận. Suối chảy phải quanh co và đổ xuống từ độ cao 2/3  hòn non bộ. Chùa, tháp phải chon von trên đỉnh núi cao nơi khuất bóng.

Non bộ càng giống núi thật ngoài đời càng có giá trị. Ông tạo cả rêu cho núi già cỗi và mang dáng vẻ cổ kính hơn bằng cách dùng nước cơm đặc quét lên bề mặt núi, để vào nơi ít ánh sáng, giữ độ ẩm để rêu mọc lên. Các đường mòn quanh co trên sườn núi, bao giờ cũng phải có mấy bụi dương xỉ, mấy khóm cây cằn cỗ…

z6049899693940_bd4c5fe1486d85fe2561ec9183e0dd23.jpg
Ông Hưng được khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong phong trào Cựu chiến binh xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Ảnh: Minh Ánh Phan.

Sự độc đáo, cầu kỳ mà không tách rời cái vốn có của tự nhiên khiến sản phẩm của ông Nguyễn Cảnh Hưng nhanh chóng nổi tiếng trong giới chơi non bộ. Hàng trăm cơ quan, đơn vị từ Bắc chí Nam đã tìm đến sản phẩm của ông. Từ đó, sản phẩm của ông bắt đầu tỏa đi khắp mọi miền Việt Nam và cả thị trường quốc tế.

Năm 1999, ông Nguyễn Cảnh Hưng đã làm được một điều phi thường chưa từng có trong tiền lệ của Việt Nam: xuất khẩu non bộ. Hàng chục container đá non bộ được xuất khẩu sang các thị trường Lào, Đức, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan, Hồng Kông,.. đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Hơn chục năm nặng tình với đá, cuối cùng ông cũng được đền đáp. Ông trở thành tỷ phú “đá" đầu tiên  của mảnh đất chiêm trũng vốn nghèo khó này.

Trở thành tỷ phú đầu tiên trên mảnh đất đồng chiêm, thương binh Nguyễn Cảnh Hưng không đành lòng khi nhìn thấy bao gia đình trên quê hương, trong đó có cả những chiến hữu năm xưa đã cùng ông vào sinh ra tử vẫn phải quay cuồng với cuộc sống “cơm áo gạo tiền". Hơn 40 gia đình cựu chiến binh trong vùng được ông truyền nghề và hỗ trợ vốn, nhiều gia đình đã trở nên khá giả nhờ nguồn thu từ các hòn non bộ. Gần 200 lao động là quân nhân xuất ngũ, con em thương binh, liệt sỹ đã được nhận vào làm việc trong 4 cơ sở chế tác non bộ của gia đình ông với thu nhập từ 40.000 - 50.000 đồng/ngày - một mức thu nhập khá vào những năm 2000.

z6049901266219_9c3edeb2d28c3b4065fba0ed58aba561.jpg
Ông Hưng từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nam; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam. Ảnh: Minh Ánh Phan.
 

Không chỉ thế, hàng năm ông Hưng còn đóng góp hàng chục triệu đồng ủng hộ quỹ khuyến học, ủng hộ đồng bào bão lũ, nạn nhân chất độc da cam. Ông Hưng còn tặng hàng tỷ đồng cùng hàng trăm cây cảnh, bể đá non bộ để trùng tu và xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm,... Khóe mắt ông ngấn lệ khi kể về người con trai cả hy sinh để bảo vệ tổ quốc: “Nó đã phù hộ cho người cha may mắn sống sót này có được như ngày hôm nay".

Bên cạnh cương vị Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hà Nam, ông Hưng còn từng đảm nhận chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam. Ông đã nhận được 25 bằng khen, 6 huy chương và nhiều giấy khen từ cơ sở đến Trung ương. Đặc biệt, tháng 5/2006, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc thời kỳ đổi mới, bằng khen “Thương binh vượt khó làm kinh tế giỏi".

Rời phố Động trong khung cảnh sầm uất, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát nhau như một minh chứng về quá trình “thay da đổi thịt" nhờ đá và cây cảnh. Cuộc đời của thương binh Nguyễn Cảnh Hưng tưởng như tăm tối giờ đây có cả con đường và thảm hoa. Và đóng góp của ông sẽ như mầm cây, bén rễ và phát triển thành cây đại thụ đưa con người và quê hương ngày càng phát triển đi lên. Ông đã sống và cống hiến như lời chia tay của người bạn chiến đấu năm nào: “Mặc dù mất chân còn tay/Trái tim còn đập còn xây cuộc đời”.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN