Cổng làng - nơi lưu giữ hồn quê Việt
(Sóng trẻ) - Đã bao đời nay, cổng làng đã trở thành nơi gửi gắm tình quê, nơi lưu giữ hồn quê muôn thuở, nơi những người con xa quê luôn hướng về...
Quê hương luôn gắn với cây đa, bến nước, với mái đình, với cổng làng rêu phong theo thời gian. Chiếc cổng làng đã trở thành một thứ gì đó thiêng liêng, gắn bó sâu sắc với những cụ già, những đứa trẻ, những người dân một đời nặng thứ - tình quê.
Các cụ thường nói: Cổng làng là mảnh hồn làng, là gốc của làng, mất cổng làng coi như là mất đi hồn cốt của quê. Mỗi làng đều có một cổng. Nó biểu trưng cho sự uy nghi, nền nếp của riêng từng làng. Nó là nơi gửi gắm tất cả những tâm tư, những mong ước về thế hệ tương lai của ông cha qua những câu đối. Cổng làng tự bao đời nay đã có một vị trí không thể thay thế trong lòng mỗi người dân, gắn bó như máu mủ, ruột thịt.
Cổng làng gắn bó với mỗi người dân quê
Cổng làng là dấu hiệu để những người con xa quê đều nhận ra từ xa hình ảnh chôn nhau cắt rốn của mình, là nơi dừng chân của những người khách phương xa, là chỗ nghỉ ngơi của những bác nông dân, nơi vui đùa của những đứa trẻ, nơi trú chân trong những ngày mưa, tránh nắng trong những ngày hè oi ả. Bên cổng làng có gánh nước của bà, của mẹ. Tất cả những hoạt động hằng ngày, đời thường ấy đều có dấu ấn của chiếc cổng làng thầm lặng mà bền bỉ.
Cổng làng rêu phong
Trải qua những sóng gió, những thăng trầm của cuộc sống, những chiếc cổng làng ngày nay đã nhuốm màu thời gian, đã rêu phong, cũ kĩ. Những chiếc cổng làng mới khang trang hơn đã được thay thế. Tưởng rằng ta chỉ còn thấy cổng làng khi ghé thăm nhưng miền quê nhưng không ngay giữa thủ đô cũng có hình ảnh của những cổng làng quen thuộc. Đến con phố Thụy Khuê - con phố còn giữ nhiều cổng làng nhất trên đất Hà Thành, hình ảnh quê hương lại được tái hiện qua những chiếc cổng làng vẫn sừng sững giữa những biến động của thời gian:
Cổng làng Hồ trên con phố Thụy Khuê
Cổng làng bao phủ bởi lớp rêu thời gian
Những chiếc cổng làng đã được bao phủ bằng những lớp rêu xanh bởi mưa gió nhưng ẩn trong đó vẫn là hồn cốt, là tinh thần của quê hương. Những ngày hội làng, những phiên chợ vẫn được tổ chức tại đây như một cách để lưu giữ truyền thống của vùng quê, của dân bản. Những người dân yêu quê nói chung hay những người dân con phố Thụy Khuê nói riêng vẫn từng ngày cố lưu giữ hình ảnh một thời của quê hương qua chiếc cổng làng mộc mạc, cũ kĩ. Dù xã hội có phát triển, dù cuộc sống có thay đổi đến nhường nào, chỉ cần dừng lại một lần ngắm nhìn những chiếc cổng nhuốm màu thời gian ấy, lòng mỗi người lại như được tĩnh lại, được quay trở về tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ, lại thấy mình gắn bó với quê, với chiếc cổng làng thân thuộc đến ngỡ ngàng.
Nhà thơ Bàng Bá Lân đã viết:
Ngày nay dù ở nơi xa
Nhưng khi về đến cây đa đầu làng
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre.
("Cổng làng")
Thu Huyền
Truyền hình K31 A1
Nguồn ảnh: Internet
Cùng chuyên mục
Bình luận