Đắm mình với làn điệu Soọng cô của dân tộc Sán Dìu
(Sóng trẻ) - Hát soọng cô là một thể loại dân ca trữ tình, một sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn của dân tộc Sán Dìu.
Nguồn cội làn điệu Soọng cô
Theo truyền thuyết "truyện quả bầu" nói về nguồn gốc dân tộc Sán Dìu, kể rằng thuở xa xưa trời đất còn gần nhau, có một làng quê đông đúc trù phú soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Bỗng một hôm ông trời nổi giận, cho nước sông dâng cao làm chết muôn loài. Trong làng có hai chị em họ nhanh chân chui vào quả bầu khô, nổi lên theo dòng nước nên sống sót.
Khi nước rút, vì trong vùng không còn ai, họ bèn lấy nhau, sinh nhiều con cháu làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Tuy làng đông người nhưng toàn con cháu cùng huyết thống, không thể lấy nhau được nên phải sang làng khác tìm hiểu. Để bạn tình ở làng bên rung động họ dùng tiếng hát để diễn tả lòng mình. Hát Soọng cô ra đời từ đó và tồn tại đến ngày nay.
Một buổi giao lưu văn nghệ hát Soọng cô
Soọng cô phát âm theo tiếng Hán nghĩa là xướng ca, tiếng Sán Dìu nghĩa là ca hát, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Sán Dìu.
Giống như làn điệu sli của người Nùng và sình ca của người Cao Lan, soọng cô là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ. Mỗi bài ca là một bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán và lưu truyền trong dân gian. Làn điệu soọng cô bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động.
Soọng cô có hai dạng thức: Hát giao duyên gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất (hị soon soọng cô), hát đối đáp trong lễ hội, lễ cưới (sênh ca chíu cô). Ở dạng thức thứ nhất, nội dung hát vừa để tìm hiểu, có khi để trổ tài: Nếu hát trong nhà thì phải hát theo trình tự, còn khi hát ở nài trời có thể ứng tác, lời ca phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
Ở dạng thức thứ hai phải hát theo các bài bản giai điệu bắt buộc. Dù ở dạng thức nào cũng đòi hỏi người hát phải hiểu biết, phải nhanh trí, thông minh, tài ứng khẩu, giỏi đặt lời mới cho các bài ca.
Nội dung của làn điệu Soọng cô rất phong phú, thể hiện sự đa dạng và độc đáo trong văn nghệ dân gian của người Sán Dìu. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà Soọng Cô đã truyền tải những thông điệp văn hóa đến cho mọi người. Lời hát càng phong phú, sinh động hơn khi hát ứng tác trong đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất...
"Nhóng lý on xim mạo sóc xòi
Nón tách lống nhòng không ết son
Nón tách lống nhòng không ết ốc
Không già không nạ không thai mòn"
Tạm dịch là:
“Nàng ơi đừng nghĩ lo nhiều
Để chàng cùng liệu việc mình với ta
Ước gì chung mẹ chung cha
Chung nhà, chung cổng cùng vào một sân”.
Nguồn cảm hứng cho những làn điệu ấy chính là những hoạt động của cuộc sống đời thường. Mặc cho thăng trầm thời gian, những lời ca bình dị ấy luôn được ngân lên như có một sức sống mãnh liệt, và lắng đọng cùng thời gian.
Bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca Soọng cô.
Lễ ra mắt CLB hát soọng cô tại xã Hợp Châu
Hát Soọng cô là một làn điệu dân ca đặc trưng của dân tộc Sán Dìu. Tuy nhiên, hiện nay số người dân tộc Sán Dìu biết hát Soọng cô không nhiều chủ yếu tập trung ở người lớn tuổi. Mặt khác, số lượng sách cổ ghi lại các bài hát Soọng cô còn rất ít, phần lớn các bài hát sưu tầm được đều do các nghệ nhân truyền miệng lại.
Trong những năm gần đây, việc bảo lưu các làn điệu dân ca của dân tộc đã được sưu tầm, ghi chép, dịch nghĩa các làn điệu Soọng cô nhằm giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết và trân trọng giá trị văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử. Tại tỉnh Tuyên Quang,Vĩnh Phúc, Thái Nguyên các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy làn điệu này được đẩy mạnh.
Tại nhiều địa phương thành lập những đội văn nghệ quần chúng; dàn dựng nhiều tiết mục hát soọng cô; lồng ghép các tiết mục hát soọng cô vào các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo.
Linh Thạch
Truyền hình K32A2.
Cùng chuyên mục
Bình luận