Dấu ấn thời gian qua từng con dấu gỗ
(Sóng trẻ) - Giữa nhịp sống hiện đại ngày nay, nhiều nghề thủ công tại Hà Nội đã phần nào bị mai một và dần biến mất. Thế nhưng, trên con phố Hàng Quạt (Hoàn Kiếm, Hà Nội), những con dấu gỗ vẫn được miệt mài chạm khắc và gìn giữ.
Tỉ mẩn khắc dấu gỗ
Nằm nép mình trên con phố Hàng Quạt, cửa hàng nhỏ chỉ vỏn vẹn 15m2 mang tên Phúc Lợi của ông Phạm Ngọc Toàn bày đủ loại khuôn gỗ, con dấu đa dạng mẫu mã khác nhau.
Nói về cơ duyên đến với nghề khắc dấu gỗ, ông Phạm Ngọc Toàn (68 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Nghề khắc dấu gỗ này là do gia đình truyền lại. Từ nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với đồ gỗ, chạm khắc, được xem ông bà, cô chú tự tay tạo nên những con dấu gỗ với nhiều hình thù khác nhau. Sau đó, tôi cũng tự tìm tòi, mày mò rồi làm theo”.
Để tạo nên một con dấu hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như chọn gỗ, mài phôi, vẽ khắc họa, chạm khắc… Loại gỗ thích hợp nhất để làm con dấu là gỗ thị hoặc gỗ thừng mực, với đặc tính nhẹ, ngang thớ mịn và thấm mực đều. Ông Toàn thường đặt sẵn phôi gỗ, tức hình dáng cơ bản của con dấu, khi có khách mua con dấu sẽ mài nhẵn bề mặt và khắc hình lên.
Trong số đó, điêu khắc là công đoạn quan trọng nhất, quyết định tới thành phẩm sau này. Người thợ phải rất cẩn thận, tỉ mỉ sử dụng những chiếc dao, đục, dũa nhỏ khắc lên các mẩu gỗ vô hồn thành những họa tiết tinh xảo, có chủ đề, ý nghĩa. Đặc biệt, khắc dấu đòi hỏi sự tập trung cao độ bởi người nghệ nhân phải khắc hình ngược lại so với nguyên bản, để khi ấn lên giấy mới ra được hình dạng mong muốn.
Bộ đồ làm dấu thủ công của ông Toàn chỉ gồm những vật dụng đơn giản như bút, thước kẻ, dao, đục và những tờ giấy trắng phác thảo ý tưởng của khách. Dao để khắc các chi tiết nhỏ như đường viền, nét chữ; đục dùng cho những mảng lớn. Suốt quá trình làm, con dấu được đặt trên một dụng cụ bằng gỗ, rỗng ruột để tiện thao tác. Dù công cụ chỉ có vậy nhưng mỗi người thợ lại có nét riêng, thể hiện trong sản phẩm của mình. Và nhân tố tất yếu để tạo nên cái “hồn” cho con dấu chính là đôi bàn tay của người làm ra nó.
Dưới đôi tay uyển chuyển, thoăn thoắt không ngừng nghỉ của ông Phạm Ngọc Toàn, những con dấu gỗ dần hình thành và hoàn thiện. Những con dấu nhỏ, hoạ tiết đơn giản thì nghệ nhân chỉ mất khoảng 15 phút để hoàn thành, còn đối với những con dấu kích thước lớn, hoạ tiết cầu kỳ thì phải mất khoảng 3-4 ngày, thậm chí là cả tháng để hoàn thiện. “Nghề này không khó nhưng đòi hỏi phải kiên trì, nếu không rất khó để làm ra được bản khắc như ý muốn”, ông Toàn nhận định.
Đổi mới để bắt kịp thời đại
Tại phố Hàng Quạt, không ai biết nghề khắc dấu gỗ đã có từ khi nào, chỉ biết những con dấu này đã xuất hiện trong lịch sử cả mấy trăm năm. Ban đầu, con dấu ra đời từ thời phong kiến, nhằm xác thực giấy tờ hoặc niêm phong tài liệu, thư từ quan trọng. Các nhà Nho thường dùng dấu mộc như một ký hiệu để khẳng định bản thân trên tác phẩm của mình. Những họa tiết phổ biến trên các con dấu thời đó là họa tiết cổ truyền như chữ triện, hình ảnh 12 con giáp, các bản khắc tranh thờ, tranh dân gian và khuôn làm bánh thủ công.
Nhưng hiện nay, để thích nghi với sự phát triển, dấu gỗ đã có nhiều sự thay đổi về mẫu mã và kích thước. Đồng thời, người nghệ nhân cũng không ngừng học hỏi, tự mày mò tạo ra những họa tiết độc đáo, mới lạ để bắt kịp xu hướng thịnh hành. Ông cho biết, giới trẻ ngày nay thường lựa chọn những con dấu có những hình vẽ đáng yêu, ngộ nghĩnh. Hay những hoạ tiết về Việt Nam được nhiều khách du lịch chọn mua để lưu giữ kỉ niệm về đất nước xinh đẹp này. Vài năm gần đây, cửa hàng còn nhận làm thêm con dấu hình chân dung, phong cảnh theo yêu cầu riêng của khách.
Đối với nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn, nghề khắc dấu gỗ không chỉ là truyền thống của gia đình mà còn mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Hạnh phúc giản đơn mỗi ngày của ông là niềm vui trên gương mặt những vị khách khi nhận sản phẩm do mình chế tác. Ông quan niệm: “Những khách du lịch đến tìm hiểu và mang con dấu thủ công đi tới những vùng đất khác nhau là tôi đã góp một phần nhỏ vào việc quảng bá văn hoá Việt Nam, văn hoá Thủ đô đến các nước bạn, đến năm châu quốc tế”.
Theo dòng chảy của thời gian, khắc dấu gỗ và rất nhiều nghề truyền thống khác sẽ chẳng tránh được sự mai một. Xã hội càng phát triển cùng nhiều phương tiện hiện đại thì việc tìm người kế nghiệp vẫn bài toán không có lời giải. Với người nghệ nhân đã dành gần trọn cuộc đời mình để nối nghiệp gia đình, nghề khắc dấu gỗ vừa là nghề, vừa là nghiệp. Dù thế nào đi chăng nữa, vì yêu nghề, vì “say” nghề, chỉ cần còn sức khỏe, người nghệ nhân gần 70 tuổi vẫn ngồi đó, trọn vẹn với cái nghề khắc con dấu.