Đôi tay giữ hồn nghề nơi xứ mây
(Sóng trẻ) - Tuy trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc, xã hội đã hiện đại hơn nhưng nhiều làng nghề truyền thống vẫn giữ được những nét tinh hoa xưa cũ. Đến với làng mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội), không khó để bắt gặp hình ảnh những đôi tay đang thoăn thoắt, khéo léo đan lát, tạo ra những sản phẩm không chỉ đẹp mà còn có chất lượng tốt. Để hiểu hơn về hành trình nối mạch nghề của người dân nơi đây, chúng tôi đã có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Toàn- người đã có hơn 50 năm đan “hoa” từ mây tre.
Phóng viên: Cơ duyên nào khiến ông học nghề và theo nghề suốt hơn 50 năm qua?
Từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã được tiếp xúc với mây tre đan nên cũng không hẳn là cơ duyên. Tôi nghĩ đây là sự may mắn và niềm tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên làng nghề truyền thống, được thấy ông bà, bố mẹ mình làm nên cũng biết đan lát từ lúc nào không hay.
Phóng viên: Trong quá trình sản xuất ra một sản phẩm mây đan hoàn chỉnh, công đoạn nào ông cho rằng là khó nhất?
Theo tôi, công đoạn khó nhất là chọn mây. Nếu mua được loại tốt thì đỡ vất vả, ngoài chợ thì có nhiều loại, mây mà cứng quá thì rất khó để làm, thành phẩm lại không đạt được chất lượng như mong muốn. Ngược lại, chọn được loại mây đều, mềm, dẻo thì sản xuất sẽ tốt hơn, đỡ vất vả hơn trong việc uốn, đan.
Phóng viên: Nước ta cũng có một số làng đan mây tre truyền thống, Phú Vinh cũng không phải làng nghề duy nhất sản xuất mây tre đan ở Hà Nội. Vậy theo ông, điều gì đã giúp các sản phẩm của Phú Vinh nổi bật trên thị trường?
Mỗi làng nghề lại có một nét độc đáo riêng, không đâu giống đâu, đan giang khác, đan mây cũng khác. Còn ở Phú Vinh chúng tôi sản xuất toàn bộ bằng mây, tôi tự hào vì đây là làng nghề duy nhất ở Việt Nam có kỹ thuật xâu xiên sử dụng chất liệu sợi mây vô cùng tinh tế. Có những mặt hàng tưởng như được "thêu" bằng nan đầy tài tình, đẹp mắt. Các nghệ nhân ở đây đã tích lũy và truyền lại cho thế hệ sau những kỹ thuật đan lát tinh xảo, độc đáo. Nhờ vậy, sản phẩm mây tre đan Phú Vinh luôn có độ hoàn thiện cao, hoa văn đẹp mắt và tinh tế. Mẫu mã sản phẩm cũng được thường xuyên cập nhật để đáp ứng nhu cầu thị trường. Có lẽ đó cũng là lý do sản phẩm của làng được người tiêu dùng ưa thích và chọn lựa.
Phóng viên: Trải qua gần 3 năm đại dịch Covid 19, hẳn những tác động tiêu cực của nó cũng ảnh hưởng đến lượng sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng mây tre đan. Vậy ông và những nghệ nhân trong làng đã phải đối mặt với khó khăn cụ thể gì và làm thế nào để ông duy trì được cơ sở sản xuất của mình không bị ngưng trệ?
Thị trường mây tre đan hiện nay rất đa dạng và phong phú nên chuyện sản phẩm bán ra không còn được nhiều như trước là điều dễ hiểu, không chỉ là vấn đề ở riêng Phú Vinh mà còn nhiều làng nữa. Trong giai đoạn dịch Covid, việc đi lại, sản xuất gặp nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra không xuất ra thị trường được cũng khiến người dân chúng tôi “lao đao”. Ngay cả hiện nay, khi dịch đã qua đi nhưng kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thị trường cạnh tranh khốc liệt, yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao thì chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu, phải đặt cái tâm vào từng sản phẩm. Đây là yếu tố tiên quyết để giữ chân khách hàng. Chẳng hạn như khi bạn mua một chiếc túi xách, đeo mãi vẫn thấy bền, không bị mối mọt thì tất nhiên người ta sẽ nhớ mãi. Sản phẩm của Phú Vinh cũng vậy, độ bền phải đặt lên hàng đầu.
Phóng viên: Thời gian đầu khi mới đan mây tre, đã bao giờ ông thấy khó khăn và từng suy nghĩ đến chuyện bỏ nghề hay chưa?
Thật sự mà nói thì lúc đấy còn quá trẻ, sự tập trung và kiên nhẫn chưa được như bây giờ, tôi đôi lúc nghĩ mình sẽ ra ngoài kiếm sống bằng nghề khác. Bởi tay mình còn vụng chứ chưa khéo, đan mãi mà không thành hàng lối, hình thù gì cả, đơn giản như cái khay đựng cốc thôi mà tôi mất đến hơn 1 tuần mới làm được một cái. Nhưng tôi cứ phải động viên mình, mỗi ngày quyết tâm luyện thêm một chút, đi học các bác trong làng thì thành thuần thục từ bao giờ không hay. Chắc cũng vì cái nghề đan này ngấm vào máu rồi nên không thể dứt được.
Phóng viên: Ông cho rằng tố chất cần có của một nghệ nhân là gì khi nghề đan mây tre vốn đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao độ?
Điều này trước hết thuộc về bộ óc sáng tạo thiên bẩm mà không phải ai cũng có, giống như cái “gen” của mỗi nhà, được truyền từ đời các cụ đến con cái. Phải rất chăm chú nhìn từng đường nét, tận mắt nhìn cách các cụ đan, uốn. Sau đó phải khổ luyện một thời gian dài, không ngừng học hỏi thì mới làm được chứ không phải ngày một ngày hai. Bản thân tôi bây giờ vẫn học thêm các kỹ thuật đan mới để sản phẩm có tính thẩm mỹ cao hơn nữa. Bên cạnh đó, nếu không có tính kiên nhẫn cao thì cũng khó mà theo được, có khi chỉ sai một đường thôi là coi như hỏng cả 1 sản phẩm. Chỉ có vài nghệ nhân trong làng là có thể đan được bức tranh Bác Hồ hay cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mất đến gần 1 năm mới xong, nếu họ không kiên trì thì làm sao mà hoàn thành được.
Phóng viên: Hiện nay, các sản phẩm thủ công ngày càng đa dạng hơn về mẫu mã, chất lượng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại là một trong những giải pháp hàng đầu. Vậy ông đã có những chuyển đổi nhất định nào để nâng cao năng suất cho xưởng?
Đây là một nghề khá đặc thù, không thể phụ thuộc 100% vào máy móc được. Trước đây thì các công đoạn được thực hiện thủ công hoàn toàn, bây giờ có máy hỗ trợ chẻ mây, vát cho mây được bóng. Nhưng có những cây mây đầu to đầu nhỏ thì mình vẫn phải trực tiếp làm. Bên cạnh đó, chỉ nghệ nhân mới có thể tự tay đan mây thành các hình dáng khác nhau, cái thì hình tròn, cái thì hình bầu dục, hình thang, mà đường nét đan phải chính xác đến từng li một. Tôi hay nói đùa rằng sản phẩm thể hiện được cả tính cách của người làm ra nó. Việc này thì máy móc chịu thua. Tóm lại, vẫn cần sự kết hợp của cả hai yếu tố đó thì mới có thành phẩm vừa đẹp vừa chất lượng được.
Phóng viên: Không chỉ Phú Vinh mà nhiều làng nghề truyền thống khác, không mấy người trẻ thực sự muốn học nghề, dù các nghệ nhân luôn mong muốn truyền nghề nhưng con cháu lại không quá mặn mà với nghề truyền thống, ông có trăn trở gì về điều ấy?
Đây cũng là điều mà tôi luôn suy nghĩ. Nghề mây tre đan đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cẩn thận cao độ. Nhiều người trẻ hiện nay lại thích những công việc văn phòng, đỡ vất vả mà thu nhập ổn định hơn, trong khi phải mất từ vài giờ, vài ngày và thậm chí là vài tháng mới làm ra được một sản phẩm thủ công. Nên học đại học xong thường sẽ đi làm ngay, hoặc không thì còn có thể chọn làm công nhân ở các khu công nghiệp, như ở Phú Vinh hiện có rất nhiều nhà máy cần tuyển dụng lao động. Do đó, việc truyền nghề cho thế hệ trẻ gặp vô vàn khó khăn. Bản thân tôi cũng có tuổi rồi, mắt kém tay run hơn, sức khỏe không cho phép nên không thể làm việc ngày đêm như trước, nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục miệt mài sáng tạo ra những sản phẩm đẹp và độc đáo. Cứ khi có cơ hội là tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm, dạy thêm kỹ thuật đan lát cho các bạn trẻ đam mê nghề đan. Như hiện nay, ở xưởng Việt Quang nơi tôi làm cũng tổ chức các lớp dạy nghề, do trực tiếp các nghệ nhân lâu năm cầm tay chỉ việc. Trẻ con thấy mây được phơi khắp các ngóc ngách trong làng, chắc chúng cũng thấy tự hào và phải có chút gì đó gắn kết chứ. Nhưng chỉ thế là chưa đủ, tôi nghĩ rằng bản thân nghệ nhân cũng cần tâm huyết hơn nữa trong việc truyền cảm hứng cho lớp trẻ kế cận, như một cách nối mạch nghề xưa.
Phóng viên: Hiện nay, để thu hút du khách, nhiều địa phương phát triển mô hình du lịch làng nghề. Năm 2012, nhà nước cũng đã có chính sách phê duyệt để Phú Vinh trở thành làng nghề du lịch. Cộng đồng làng nghề nói chung, bản thân xưởng của ông nói riêng đã có những đổi thay gì để quảng bá mô hình này?
Hiện chúng tôi đã được nhà nước xây dựng để trở thành cụm du lịch làng nghề mây tre đan huyện Chương Mỹ. Đây là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm địa phương đến du khách. Thôn Phú Vinh đã xây dựng nhà trưng bày các sản phẩm mây tre đan, mở cửa đón tiếp khi có đoàn tham quan và sơ đồ hóa các điểm tham quan khu lịch trên địa bàn như vị trí nhà các nghệ nhân, điểm nhà cả, cổng cổ, chùa, cây cổ thụ…để phục vụ du khách tham quan. Bản thân xưởng Việt Quang cũng luôn sẵn sàng mở cửa đón du khách, cho họ xem trực tiếp quá trình sản xuất. Nhưng chính chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng dù đã rất nỗ lực thì lượng du khách tiếp cận chưa nhiều, chủ yếu là khách riêng lẻ đến tìm hiểu. Chúng tôi cũng đang rất lăn tăn về vấn đề này. Bởi bên cạnh việc xuất khẩu thì thị trường trong nước cũng là điều chúng tôi rất quan tâm, người Việt không dùng hàng Việt thì làm sao khiến khách nước ngoài tin tưởng được.
Phóng viên: Để lưu truyền được giá trị văn hóa truyền thống của Phú Vinh - “ngôi làng được trời phú cho bàn tay lụa”, ông có những mong mỏi gì?
Bất cứ nghề truyền thống nào cũng cần phải chuyển mình để theo kịp xu thế phát triển. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách để giúp đỡ các nghệ nhân rồi, nhưng tôi vẫn mong địa phương quan tâm hơn đến việc đào tạo kỹ năng để người dân có thể tăng thu nhập nhờ thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Bên cạnh đó, những đối tượng lao động nghề cao tuổi, làm tay chân như chúng tôi cũng rất muốn được tiếp cận với các chế độ phúc lợi tốt hơn để đảm bảo ổn định cho cuộc sống sau này, khi không thể đan lát được nữa. Còn quan trọng nhất thì vẫn là hi vọng người trẻ Phú Vinh thêm yêu nghề, theo nghề, kế thừa truyền thống các cụ để lại.