Dũng cảm thay đổi để thành công

(Sóng trẻ) - Lựa chọn ngành nghề không đúng với đam mê, sở thích cá nhân, nhiều bạn trẻ sẵn sàng thay đổi; nhưng cũng có những bạn chưa đủ can đảm để làm điều đó.

“Người chọn nghề” hay “Nghề chọn người”; chọn nghề vì xu hướng, vì gia đình, hay vì sở thích là những câu hỏi mà cứ mỗi kỳ tuyển sinh đến lại khiến biết bao bạn trẻ phải băn khoăn. Có những người chọn nghề vì đam mê, sở thích của mình; nhưng cũng có những người vì nhiều lý do khách quan như gia đình, xu hướng xã hội… mà chấp nhận quên đi bản thân. Nhưng rồi khi nhận ra mình không thể tiếp tục với con đường cũ, muốn được lựa chọn lại một lần nữa. Lúc đó, câu hỏi cần được đặt ra là “Liệu ta có sẵn sàng để thay đổi hay không?”.

Thực tế, hiện nay, không ít các bạn trẻ đang theo học hoặc đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, sau khi nhận ra không thể tiếp tục hướng đi đó, quyết định chuyển sang một ngành nghề khác theo đúng mong muốn của mình. Và cũng không ít người trong số đó đã thành công, hoặc ít nhất là thực sự hạnh phúc với lựa chọn của mình.

Cùng trò chuyện với Hải Mi, một sinh viên năm 3 trường Đại học Sân Khấu Điện ảnh, để lắng nghe những tâm sự và cũng là những bài học từ một người cũng từng đối mặt với thất bại và sẵn sàng cho bản thân thêm một cơ hội thử sức nữa.

screenshot-2021-09-15-181739.png
Hải Mi.

Được biết, Mi từng theo học tại trường Đại học Thăng Long ngành Ngôn ngữ Nhật và đã lựa chọn chuyển hướng theo đuổi ngành Biên kịch Điện ảnh tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Vậy động lực nào đã đưa bạn đến quyết định này?

- Lúc tôi quyết định học Thăng Long, thực chất, không ngoài lí do nào khác đó là: Tôi thi trượt Sân khấu Điện ảnh. Lúc đó tôi nghĩ là tôi đã bỏ cuộc với Điện ảnh rồi. Điểm thi đầu vào năm ấy của tôi thấp đến mức tôi còn chả dám nhìn lại. Nên tôi đã chọn một hướng đi khác vì tôi cũng nghĩ có thể là vì tôi còn quá non, chưa đủ kinh nghiệm và bề dày kiến thức. 

Có một bộ phim tôi rất thích và cũng là bộ phim tạo động lực, ảnh hưởng lớn đến quyết định của tôi. “Những đứa trẻ đến từ thiên đường” - của nền điện ảnh Iran. Bộ phim rất đơn giản lại có vô vàn tầng lớp về ý nghĩa nhân văn nhưng tôi xúc động trước một trong nhiều chủ đề của bộ phim rằng: luôn có cách để thực hiện, chỉ cần bạn có động lực và dành hết tâm huyết cho nó. 

Bộ phim tuyệt vời, tôi thực sự ngưỡng mộ những người đã tạo nên bộ phim vĩ đại mà rất đỗi gần gũi đời thường đến nhường ấy và tôi cũng muốn bản thân được trở thành một phần của một tác phẩm như thế nên đâu đấy trong tôi bắt đầu nghĩ nếu mình thử lại thì sao, mình đã thực sự cố gắng hết sức chưa. Và hàng loạt những câu hỏi nảy ra trong đầu tôi, để trả lời chúng chỉ có cách là ôn thi kĩ càng - lục lại đề thi và rà soát xem rằng tôi đã hổng kiến thức ở đâu.

Tôi thi lại, và giờ tôi đang là sinh viên Biên kịch của Sân khấu rồi, tôi rút ra được nhiều thứ. Tôi chưa làm được một bộ phim vĩ đại như tôi ngưỡng mộ nhưng tôi học được chỉ cần có động lực đủ thiết tha và làm gì cũng phấn đấu cố gắng hết sức mình thì việc gì bản thân cũng có thể thử lại được.

213746590_871611220429383_8418504134425668696_n-1.jpg
Quyết định theo đuổi đam mê đem lại cho Hải Mi nhiều cơ hội, trải nghiệm mới mẻ.

Gia đình có ủng hộ quyết định của bạn không?

- Tôi may mắn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ gia đình. Đó cũng là một động lực để mình quyết tâm hơn cả khi đưa ra quyết định lẫn hiện tại khi đang nỗ lực từng ngày để chứng minh lựa chọn của mình là đúng đắn.

Nhiều trường hợp các bạn mong muốn đi theo đam mê và sở thích của mình nhưng lại vướng phải sự phản đối của gia đình. Bạn nghĩ sao về chuyện này?

- Ai trong chúng ta cũng từng gặp phải tình huống rằng gia đình sẽ vào vai phản diện nếu như vướng phải sự phản đối nhưng thực chất thì đó lại là sự quan tâm và lo lắng, có lẽ là hơi bao bọc của phụ huynh. Nhưng đó là điều khó tránh khỏi, “đam mê” là sự khởi đầu rất khó để định nghĩa và đôi khi gia đình lo lắng liệu tương lai sẽ thế nào nếu như ta chọn sai cánh cửa. Vì cốt yếu của việc học nghề là để sau này có thể tự chủ tài chính và lo cho bản thân vậy nên nếu như vướng phải sự phản đối của gia đình thì điều mà mình cần lúc này là lập kế hoạch.

Tự định hướng xem liệu sở thích có phải là nhất thời hay là có nguồn gốc và được truyền cảm hứng bởi đâu và với tính cách của bản thân thì liệu có thể kiên trì được hay không. Bạn không thể cứ thích là làm luôn được mà luôn phải có những bước đệm, có một kế hoạch cụ thể, không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình thấy là bạn thực sự đam mê. Thuyết phục gia đình bằng chính sản phẩm và đam mê ấy.

Mình có quen một người bạn học Luật theo nguyện vọng của gia đình và đồng thời học cả Nhạc Viện lẫn Sân Khấu Điện Ảnh để đi theo niềm yêu thích. Đó cũng là một cách để thuyết phục gia đình, đương nhiên là sắp xếp thời gian phải hợp lý.

Quyết định rẽ hướng sang một hướng đi mới hoàn toàn, chắc hẳn sẽ có những lúc gặp nhiều khó khăn, có thời điểm nào bạn cảm thấy hoài nghi về lựa chọn của mình không? 

- Cũng có lúc mình thực sự nghi ngờ về lựa chọn lắm, là mỗi khi viết kịch bản rơi vào bế tắc. Hay đi xin tài trợ để sản xuất phim mà bị từ chối. Mỗi lần như thế mình lại nghi ngờ về năng lực bản thân cũng như con đường mình chọn một cách không thể cực đoan hơn. 

Mỗi lúc như thế thì mình lại dừng lại và ngồi nghiên cứu lại những thứ mình đã biết rồi tự học thêm kiến thức chuyên ngành mới để củng cố niềm tin. Mà điện ảnh với một trong nhiều cách học đó là xem phim và phân tích, mình xem những bộ phim tượng đài suốt bao nhiêu năm vừa để học vừa để gợi ra cảm hứng lý do mình chọn con đường này: Rashomon của Akira Kurosawa, Floating Weeds của Ozu, Đường về nhà của Trương Nghệ Mưu, The Intern…

Cách tốt nhất khi mông lung luôn là tạm nghỉ và ngẫm nghĩ sau đó tự học thêm một thứ gì đó để nâng cấp bản thân và lần nào mình cũng tự làm bản thân phấn chấn lên được, nên điện ảnh quả là điều gì đó vô cùng kỳ diệu đã đến với mình.

159083891_143807354285345_2194467076785838842_n.jpg
Với Hải Mi, dành thời gian nghỉ ngơi và sau đó tiếp tục cố gắng hơn nữa là cách thức tốt nhất để "lên dây cót" tinh thần cho bản thân.

Câu hỏi được các bạn trẻ đặt ra nhiều nhất khi quyết định chuyển hướng sang ngành nghề mình yêu thích là “Liệu đây có phải quyết định đúng đắn?”, hay “Liệu mình có thực sự phù hợp với ngành nghề đó không?” Theo bạn, sẽ cần phải cân nhắc những vấn đề gì trước khi quyết định như vậy?

- Nếu để sẵn sàng thì có lẽ nhiều người mất cả cuộc đời cũng chưa sẵn sàng, nhưng nếu bạn không thử mà chỉ dừng lại ở câu hoài nghi thì sẽ rất khó để kiểm nghiệm, hãy ngồi xuống và tìm hiểu thật kỹ về ngành nghề bản thân định chọn. Vậy nên cần cân nhắc ít nhất 3 vấn đề: 

1.    Điểm yếu của bản thân với ngành và cách khắc phục

2.    Ngành nghề có thể làm được từ ngành đã chọn

3.    Những nơi có phần trăm xin được việc cao

Ví dụ với mình, mình chọn biên kịch - là ngành sáng tạo, ngành viết, ngành nghiên cứu. Vậy điều đầu tiên là cần khả năng viết tốt, nhưng mình biết khả năng viết của mình không cao nên mình tìm hiểu kĩ về điểm yếu của mình xem liệu làm biên kịch có nhất thiết là phải giỏi văn hay không. Và kết quả là cách viết kịch bản được diễn đạt theo một kiểu ngôn ngữ riêng được viết cho máy quay vậy nên khả năng sáng tạo được đề cao hơn và sáng tạo thì mình có thể học cách tư duy. Sau đó mình nghiên cứu tiếp những ngành nghề mà mình có thể làm được sau khi học biên kịch ra nếu như mình không thể trở thành biên kịch thì ít nhất mình biết những ngành nghề tay trái được bóc tách từ chính kiến thức mình đã được tôi luyện để không bỏ phí 4 năm học. Tiếp đó mình nghiên cứu những nơi có thể xin được việc và thực tập khi mình theo học biên kịch và nhà trường có thể giúp ích gì được cho mình đó là mình có thể xin việc tại trường, xin tại các studio các nhóm ekip làm quảng cáo thương mại và các nhà xuất bản.

Tuy nhiên, phải chấp nhận 1 điều rằng, dù bạn có lên kịch bản cho cuộc đời đến mấy thì những rủi ro vẫn sẽ luôn tồn tại vì không có gì là tuyệt đối vậy nên hãy chuẩn bị một tâm thế thật tốt, năng lượng thật tích cực để luôn dù có gặp tình huống nào thì cũng làm hết sức mình.

241380325_543753400045090_3885995260967909008_n.jpg
Trải nghiệm thật nhiều và nỗ lực hoàn thiện bản thân giúp Hải Mi "giữ lửa" với đam mê của mình.

Đây là thời điểm quan trọng trong năm với các bạn cuối cấp. Nhiều bạn trẻ vẫn còn đang băn khoăn với tương lai và lựa chọn của mình, bên cạnh đó, cũng nhiều bạn dự định thay đổi để được theo đuổi đam mê của mình, nhưng vẫn còn cảm thấy lo ngại, bạn có lời khuyên nào cho họ không?

- Cuộc đời có nhiều lựa chọn, hãy chọn niềm vui. Dù chọn bất cứ ngành nghề nào thì bản thân cũng phải thật sự vui trước đã và với hiện nay tốc độ internet thì việc tìm kiếm thông tin đã dễ dàng hơn rất nhiều vậy nên hãy thử thật nhiều những kế hoạch có thể nảy ra trong đầu và kiểm chứng bằng cách nghiên cứu thật kỹ càng thông qua nhiều cách nhất có thể. Với một lượng kiến thức đủ thì mình tin bạn sẽ tự tin hơn và làm được. Đừng nản chí mà hãy cố lên nhé.

Cảm ơn những chia sẻ của bạn!

Từ câu chuyện của Hải Mi, có lẽ nhiều bạn trẻ sẽ được tiếp thêm nhiều động lực để dũng cảm, sẵn sàng thay đổi, đối mặt với những thử thách phía trước, trên con đường đi tìm ước mơ và đam mê của mình. Dẫu biết, thay đổi không phải là sự đảm bảo chắc chắn cho thành công, nhưng phải thử thì mới biết ta có thể đi xa được đến đâu. Vì vậy, hãy cứ vững tin và can đảm, thành công sẽ đến với bạn.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN