Đứng lên bằng “đôi tay vàng”

(Sóng trẻ)- Khâm phục và ngưỡng mộ là hai từ mà nhiều người dân trú tại xóm 5, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An dành cho ông Nguyễn Bá Tân (sinh năm 1958) – người nông dân được mệnh danh với “đôi tay vàng”. Tưởng chừng sau cơn sốt quái đản làm bại liệt hoàn toàn hai chân, ông Tân chỉ còn biết “ăn không ngồi rồi” cho đến ngày “nhắm mắt xuôi tay”. Nhưng không cam chịu số phận, bằng sự cần cù, tinh thần ham học hỏi đặc biệt là ý chí vượt khó, ông đã vươn lên đứng vững trên chính đôi tay của mình. 

Đi bằng tay từ nhỏ 

Trong căn nhà cấp 4 chỉ vỏn vẹn 15m2 với nền đất còn ám mùi ẩm ướt, sau cơn lũ vừa rút để lại quanh các chân tường những vết bùn đất loang lổ. Tiếng máy bột vẫn nổ máy đều đặn hòa lẫn vào từng tiếng xèn xẹt của chiếc máy khâu vá. Nghe có tiếng khách đến, ông Tân đẩy chiếc cửa gỗ lâu năm ọp ẹp, mục nát gần nửa, xỏ vội chiếc dép tổ ong đã ngả màu vàng đất. Điều đặc biệt là ông đi dép bằng tay chứ không phải bằng chân như những người bình thường. Đôi chân ông co quắp lại, bắt chéo thành hình chữ V. Ông bò từng bước một với đôi tay xỏ dép và hai đầu gối bại liệt chai sạn đến sần sùi.

Tay rót nước bát chè xanh còn ấm nóng, ông Tân nghẹn ngào kể lại cuộc sống đi bằng tay từ nhỏ đầy cơ cực. Năm ông hơn 1 tuổi (vào năm 1959) vừa mới bắt đầu những bước đi chập chững đầu tiên thì bất ngờ ông lên cơn sốt nhiều ngày liền. Ban đầu, bố mẹ ông chỉ nghĩ là sốt bình thường, nhưng sau nhiều ngày không có dấu hiệu hạ sốt, bố ông mới đưa ông đến bệnh viên Bạch Mai để chữa trị. Trên con xe đạp cũ kỹ, bố ông chở ông hàng trăm cây số lên bệnh viện nhưng rồi cũng đành nuốt nước mắt ngậm ngùi trở về. Bởi ngày đó nhà ông quá nghèo, ngày qua ngày ăn gộc sắn, củ khoai mót thì lấy đâu ra tiền để chữa trị bệnh cho đến nơi đến chốn. Kể từ ngày đó, chân ông cứ teo dần rồi bại liệt hoàn toàn, ông đành chấp nhận cuộc sống có chân nhưng không thể đi cho đến cuối đời.
 
Bị bại liệt nhưng ông luôn ước mơ được đến trường, vì hoàn cảnh gia đình nên chiếc xe lăn đến trường đối với ông là một thứ xa xỉ. Hằng ngày, bố mẹ ông vẫn thay nhau cõng ông đến trường. Nhưng đến năm cấp 3, trường quá xa so với nhà, con đường đến trường đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, ông đành ngậm ngùi bỏ học, ở nhà lại bò ra bò vào bằng hai tay. 

Chân què nhưng ý chí không què

Mặc dù không thể đi lại bằng hai chân như những người bình thường nhưng tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên trong ông Tân chưa bao giờ nguội tắt. Năm 8 tuổi, ông đã tự học cách đan lát, qua những lần bò sang nhà hàng xóm chơi, ông thấy họ vót từng thanh tre, chẻ từng sợi mây, ông về nhà cũng học cách vót từng thanh tre, chẻ từng sợi mây. Lâu dần, ông đan được thành cái rổ, cái mẹt, cái thúng đem ra chợ bán lấy tiền phụ bố mẹ.

Năm 25 tuổi (năm 1983), ông bắt đầu vừa đan lát vừa học thêm nghề may vá quần áo, ban đầu ông học từ những người thợ may gần nhà, nhưng dần dần họ cũng xua đuổi vì sợ ông cướp mất miếng ăn. Ông đành cố gắng đan thêm cái mẹt, cái thúng kiếm tiền mua sách dạy học may vá rồi tự học lấy từ xỏ sợi chỉ, cắt chỉ, tra cái cúc, sửa lại cái phéc mơ tuya. Có những hôm hết đồ nghề để học, ông lại tự bò bằng hai tay đến các cửa hàng may xin đồ để về thực hành cho thành thạo. 

Ông Tân đang may chiếc áo cho một người dân vừa mới đặt vào lúc sáng

Thấy ông đam mê học may, bố mẹ ông vay mượn họ hàng mua cho ông chiếc máy may để mong sao ông có thể kiếm được cái nghề làm kế sinh nhai. Từ đó ông càng chăm chỉ học hơn, tay nghề cứ thế ngày càng được nâng cao, người ta tìm đến ông nay may cái áo, mai sửa cái quần ngày một nhiều, ông lại càng yêu nghề hơn. 

Năm 1994, người em ruột là Nguyễn Bá Nghĩa mua cho ông một chiếc xe lăn kiểu lắc tay. Chiếc xe như người bạn nâng đỡ đôi chân của ông, ông kể: “Từ ngày có chiếc xe, tôi vui lắm cô ạ, tôi có thể tự đi xuống huyện lấy hàng về may vá chứ không phải đi vay, đi xin của các hàng khác nựa. Giừ thì xe lăn đầy kiểu, đẹp lại tiện, ai cũng nói tôi vứt quắt cái xe cọc cạch cho rồi, nhưng tôi xem nó như bạn rồi không bỏ đi được. Xe lăn bằng tay thì can chi? Mình lại được tập luyện cho đôi tay thêm khỏe, lại thêm ích lợi. Mà mua xe mới lại tốn tiền, tiền đó để cho con cái thêm cái chữ cô ạ!”. Ông vừa kể vừa cười, một nụ cười đầy sự mãn nguyện của một con người bước qua bao gian khó của nửa đời người nhưng chưa bao giờ lùi bước. 

Chiếc xe lăn lắc tay cũ kỹ nâng đỡ đôi chân bại liệt của ông Tân

Học may vá thành thạo, năm 1994 có xe đi lại, ông mò mẫm học thêm nghề máy bột khô. Ông tích góp tiền cộng thêm đi vay hàng xóm được 1,5 triệu đồng, ông mua được một chiếc máy bột. Từ đó, người dân trong làng chẳng còn phải đi đâu xa mà chỉ việc đến nhà ông Tân là có bột mang về cho gà, cho vịt rồi thì làm bánh. Những nhà gửi bột máy còn chưa kịp sàng hạt sạn, hạt xấu, ông lại cẩn thận ngồi sàng sạch rồi mới đem máy, cứ thế chiếc máy của ông cứ vừa lòng khách đến lại hài lòng khách đi.  

Không chỉ học đan lát, may vá, máy bột ông còn kiêm luôn nghề làm hương. Năm 2000, sau khi xem chương trình truyền hình về làm hương, ông lại mày mò mua sách về tự học lấy. Những dịp lễ tết, người ta đến máy bột làm bánh tiện thể mua hai, ba bó hương, ông chú trọng chọn hương liệu tự nhiên không có chất hóa học gây độc hại. “Làm hương thì đồng lãi nó vưa cái đồng vốn cô ạ, nhưng thêm nghề thêm vui, mình làm nghề giúp mình lại giúp được bà con, hàng xóm”. 

Do ảnh hưởng từ đôi chân bại liệt, cánh tay phải của ông những lúc trái gió trở trời cũng dở chứng đau nhức, cứ co quắp lại rồi không cử động được. Ông không thuận tay trái nhưng rồi đành phải học cách tập luyện sao cho thuận để lỡ không may tay phải bại liệt nốt thì còn có một tay để đứng, để bò, để học và để làm việc. Ở ông, không chỉ học để vươn lên mà còn học để chiến thắng bản thân. 

Người chồng, người cha đầy mẫu mực

Tôi gặp vợ ông Tân – bà Lương Thị Từ (sinh năm 1957) khi bà vừa mới cắt nốt miếng cỏ dại quanh vườn đang quảy gánh về nhà. Vừa gặp vợ, hai người nở nụ cười tràn đầy hạnh phúc khiến cho người nài cảm nhận được có lẽ suốt một đời vợ chồng, họ chưa một lần to tiếng với nhau. 

Năm 1992, sau một lần qua nhà ông Tân mua cái thúng đựng cỏ, nhìn thấy người đàn ông mặc dù bị bại liệt hai chân hoàn toàn nhưng vẫn đan thoăn thoắt từng thanh tre, sợi mây bà đem lòng cảm phục. Nhưng tình yêu đó lại bị gia đình của bà cấm đoán, họ sẵn sàng xây cho bà ngôi nhà ở một mình còn hơn lấy một người đàn ông  què quặt. “Hồi đó, anh trai tôi nói tôi lấy thì lấy người bình thường, ai đi lấy thằng què” – bà quệt giọt nước mắt lan nhanh trên má. Nhưng khâm phục ý chí của ông, bà quyết định đi đến hôn nhân không có một bữa cơm từ hai gia đình, không một lời chúc phúc và cái từ mặt đau đớn từ anh em ruột.

Từ ngày lấy nhau, thấu hiểu cho vợ, ông Tân luôn cố gắng vun đắp cho gia đình, ông đỡ đần bà từ việc cho con gà, con lợn ăn, cắm nồi cơm, nấu nồi canh. Ông còn học cách nấu rượu thay cho vợ. Mùa gặt, chẳng thể ra đồng gánh lúa, ông lại ngồi bệt xuống cạnh chiếc máy tuốt, khóm từng bó lúa chuyền tay cho vợ, đỡ vợ phải cúi xuống lại thêm đau lưng. 

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên khuôn mặt của hai vợ chồng

Năm 1992 hai ông bà sinh đứa con gái đầu lòng đặt tên là Nguyễn Thị Mai, năm 1994 sinh đứa con gái thứ hai là Nguyễn Thị Thùy Dung, năm 1997 sinh con gái thứ ba là Nguyễn Thị Nguyên. Điều đặc biệt, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ba cô con gái đều học giỏi, nhiều năm liền là học sinh giỏi, được tặng bằng khen của tỉnh Nghệ An và đỗ vào các trường đại học top đầu cả nước. 

Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng ông Tân luôn cố gắng cho con được học tập tốt nhất. “Có hôm con Nguyên đi học về, thấy tôi đang cắt cây chuối cho gà ăn, nó nói để nó mần nhưng thôi nó đi học về mệt, tôi bảo nó nghỉ đi để cha làm nốt, tôi lại vặn vẹo cái chân bại, tay cắt cho đều”. Ông hào hứng kể. 

Ngày được tin con gái đầu đỗ vào trường cao đẳng Kinh tế, ông tự lăn chiếc xe cọc cạch hơn 10 cây số xuống huyện làm giấy tờ cho con nhập học. Có ngày trời mưa, đường lầy lội đẩy mãi xe mới đi, tối về tay ông lại đau nhức nhưng ông vui vì con ông học giỏi, trưởng thành. Rồi đứa thứ hai đỗ trường Học viện tài chính, đứa thứ ba đỗ Đại học Dược Hà Nội, vẫn trên chiếc lăn cũ ông lại lăn hơn 10 cây số làm giấy tờ nhập học cho con.
 
Đến năm 2003, vợ chồng ông tích trữ xây dựng được ngôi nhà rộng 30m2 trên mô đất cao để những lúc nước lũ tràn về có cái chỗ mà đứng. Có hôm nước lũ tràn nhanh, vợ ốm, tay ông không thể nhanh hơn chân người thường, anh em chẳng có ai giúp, ông tự mò điện thoại gọi điện nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ. “Người ta có anh có em, tôi có mà như không”, ông kể lại, ông không khóc nhưng tôi thấy được cổ họng đang nấc lên. 

Ông đang tính hôm nào cô con út về thì học thêm ở máy tính cái nghề sửa chữa đồ điện, ông chia sẻ thêm nghề là thêm cuộc sống mới, có cái nghề thì vợ con mới có cuộc sống ấm áp, no đủ hơn. Chia tay bữa cơm đạm bạc với canh cà, dưa muối cùng gia đình ông, tôi trở về mang nặng nỗi cảm thông và sự khâm phục cho người nông dân mang trong mình “đôi tay vàng”. 

Lê Thảo




Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN