Gari Nguyễn: "Đam mê giúp chúng ta đi đường dài còn danh tiếng chỉ là nhất thời"
Nữ nhà văn 9x đã chia sẻ những cảm xúc sáng tác và hành trình truyền cảm hứng của mình trong giao lưu trực tuyến với độc giả Sóng trẻ vào ngày 25/11.
Hành trình bắt đầu viết lách cho đến “10 đứa con tinh thần”.
Gari bắt đầu viết lách từ khi còn rất nhỏ, đến hiện tại chị đã có cho mình 10 “đứa con tinh thần” và mỗi lần phát hành chị đều nhận được rất nhiều sự yêu mến và trân quý của độc giả. Vậy cơ duyên nào đã đưa chị đến với nghiệp viết lách và chị đã duy trì tình yêu dành cho việc sáng tác như thế nào ạ? (Câu hỏi từ bạn Phương Anh - HCM - gửi qua mail)
Đây quả thực là một câu hỏi mà tôi đã nhận được rất nhiều, thế nhưng lần nào chia sẻ cũng đều là một câu chuyện khác nhau. Cơ duyên để tôi gắn bó với sách là việc tôi đã được tiếp xúc với sách từ khi còn rất nhỏ, gắn bó với những câu chuyện cổ tích như: “Cô gái Ba Tư”, “Chàng rùa”,...Thế nhưng, khi đó tôi vẫn còn quá nhỏ nên chưa thực sự nhận thức được nhiều thứ. Và rồi khi tôi 9-10 tuổi, trong nhà của tôi đã có nhiều sách hơn và các anh chị lớn đều có những cuốn sách riêng. Mỗi khi được cầm trên tay những cuốn sách đó tôi cảm thấy rất thích thú và chỉ mong rằng sau này bản thân cũng có thể xuất bản những cuốn sách như vậy.
Năm 12 tuổi, tôi bắt đầu viết báo, tản văn để đăng báo, điều đó đã tiếp thêm rất nhiều động lực cho tôi sau này. Đến khi lớn hơn một chút, năm 16-17 tuổi tôi bắt đầu viết những cuốn sách đầu tiên, tôi gửi bản thảo cho 13 nhà xuất bản nhưng tất nhiên đều bị từ chối hết. Cuối cùng, tôi may mắn được nhận lời mời từ công ty phát hành sách Phương Nam Books. Mất hơn 9 tháng để đọc bản thảo và 3 tháng để phát hành, quả thật đó là một hành trình không mấy dễ dàng. Tuy nhiên, đó cũng chính là cách để tôi thử thách niềm đam mê xem bản thân có thực sự yêu thích nghề này hay không.
Với 10 cuốn sách đã phát hành của mình, cuốn sách nào đã để lại một dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp viết lách của chị? (Khán giả có nick Facebook Duy Anh)
Cuốn sách để lại nhiều ấn tượng cho tôi và độc giả nhất chính là cuốn “Cứ cười thôi mặc kệ đời” ra mắt năm 2017. Thực sự tôi không lường trước được sự thành công của cuốn sách này. Nó không chỉ là bước chuyển mình trong phong cách viết lách của tôi mà còn là một tác phẩm mới mẻ về cả hình thức lẫn nội dung trên thị trường sách cho giới trẻ ở thời điểm đó. Đến thời điểm bây giờ tôi vẫn cảm thấy rất may mắn khi nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ độc giả. Tuy nhiên nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn phát triển cuốn sách này để tiếp cận được nhiều độc giả hơn nữa. Tôi tin rằng số lượng độc giả tôi có thể giao lưu và tiếp cận ở thời điểm hiện tại vẫn là một con số rất nhỏ. Vì vậy tôi mong rằng cuốn sách này có thể đem lại những nguồn năng lượng tích cực và mang đến niềm tin về cuộc sống lẫn tình yêu cho nhiều bạn trẻ hơn.
Cảm xúc - quyết định sự xuyên suốt, mạch nguồn của mỗi tác phẩm.
Cảm xúc là điều rất cần thiết của tác giả để truyền hồn vào trong mỗi tác phẩm. Vậy trên hành trình viết lách của mình, từ đâu chị có nguồn cảm hứng và cảm xúc dồi dào để cho ra mắt những đầu sách hay trong khoảng thời gian ngắn như vậy ạ? (Khán giả có nick Facebook Thanh Huyền)
Ban đầu tôi nói với báo chí thời điểm đó năm tôi 17 tuổi, có tôi đặt mục tiêu mỗi năm ra 1 cuốn sách. Tôi nghĩ đầu tiên là mục tiêu mình đặt ra trước và may mắn tôi đạt được mục tiêu đó. Những cuốn sách của tôi hầu như được đầu tư và in ấn nên phụ thuộc vào đó rất nhiều. Tôi không bao giờ đặt câu hỏi làm thế nào để có cảm xúc. Tôi cố gắng sống nhiều hơn, cố chú trọng đặt cảm xúc nhiều hơn, trong những mối quan hệ của mình. Trong lúc giao tiếp với bố mẹ và người thân, Tôi chú tâm vào quan tâm mọi người hơn trong cuộc sống, trong tình cảm, đừng bao giờ giới hạn bản thân mình.
Em đã có cơ hội đọc gần hết sáng tác của chị rồi, em nhận thấy rằng trong mỗi trang viết của chị là những mẩu chuyện nhỏ đã truyền tải những thông điệp ý nghĩa, cảm hứng tích cực để tuổi teen bước qua tháng ngày chông chênh ở tuổi trưởng thành. Trên cương vị là một người truyền cảm hứng, chị có nhắn nhủ đặc biệt gì cho bạn trẻ ngày nay không? (Khán giả có nick Facebook Thùy Linh)
Thật sự thì việc nhắn nhủ có lẽ rất nhiều, tôi nghĩ rằng phải thông qua những cuốn sách mới nhắn nhủ được, còn những câu trả lời hôm nay sẽ là một phần lời nhắn tôi gửi đến các bạn thôi. Những cuốn sách của tôi khi các bạn đọc, các bạn có thể cảm thấy họ mang trong mình rất nhiều tâm sự, sự khổ tâm trong quá trình phấn đấu về học tập, lao động những câu chuyện tình cảm và những mối quan hệ với cuộc sống và gia đình. Tôi muốn nói với mọi người là hãy tin vào những điều mình lựa chọn, tin vào trực giác cảm nhận của bản thân mình để các bạn có sự lựa chọn phù hợp. Nghe thì có vẻ hơi mông lung nhưng thực sự trong cuộc sống, có nhiều người họ không tin vào trực giác hay những điều mà họ làm đâu. Mà đôi khi họ đánh giá thấp bản thân mình, dễ bị tự ti, họ nhìn cuộc sống của người khác quá nhiều mà quên mất cuộc sống của mình là một cuộc sống khác. Thực sự thì mạng xã hội, những người ở đó là những mẫu hình chung, khi nhìn những mẫu hình chung giỏi ở nơi làm việc khiến cho chúng ta bị áp lực, mệt mỏi, quá tải, quên mất tập trung sống cuộc sống của mình. Giới trẻ hay bị những sự phù phiếm, những áp lực cơm áo gạo tiền. Nên là, tôi nghĩ mình cứ yêu thương bản thân trước, sau đó hãy học cách yêu thương mọi người. Không cần vội vàng quá sức để chứng tỏ điều gì. Chúng ta cứ sống không hối tiếc để làm được những điều mình mong muốn.
Em được biết, để đi đến được ngày hôm nay chị đã phải trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, chị có thể chia sẻ về giai đoạn khó khăn đó và chị đã vượt qua như thế nào không ạ? (Câu hỏi từ bạn Anh Quân)
Thật sự là khó khăn thời điểm năm 17 tuổi là cột mốc trong sự nghiệp dù sau này còn gặp nhiều khó khăn lớn hơn rất nhiều. Động lực giúp tôi vượt qua là sự lì, không muốn dừng lại và muốn xuất bản cuốn sách đầu tay, làm hết sức khả năng của mình chứ không phải thủ đoạn. Đôi khi cuộc sống có hai mảng sáng và tối, có những người tìm đến mảng tối nhưng tôi luôn làm hết sức của mình chứ không tìm đến những thế lực đen tối. Tôi muốn làm bằng năng lực, mọi thứ đều có cái giá phải trả. Điều tác giả cần là phải đối mặt chính là những trải nghiệm khó khăn của mình. Trong trường hợp tôi bị từ chối thì tôi sẽ bắt đầu viết một cuốn khác và cuối cùng rồi trái ngọt sẽ tới dù cuốn sách đầu tay của tôi vẫn chưa thực sự thành công.
Những người bên cạnh, đồng hành cùng chị lúc khó khăn là ai? (Khán giả có nick Facebook là Hoàng Giang)
Tôi lên Sài Gòn để theo đuổi nghề viết lách năm 17-18 tuổi. Khi ấy, bố mẹ không ủng hộ tôi theo con đường này vì nghĩ rằng công việc và thu nhập không ổn định. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không bỏ rơi tôi, mỗi khi gặp khó khăn, họ vẫn luôn ở bên âm thầm hỗ trợ từ xa.
Mỗi khi khởi nghiệp khó khăn hay thậm chí là phá sản, tôi phải lăn lộn ở đất Sài Gòn một mình. Động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn đó là sự “lì”. Tôi cố gắng không ngừng và chưa từng nghĩ sẽ bỏ cuộc. Đôi khi cuộc sống có hai mảng sáng và tối, có những người sẽ lựa chọn mảng tối để tìm kiếm cơ hội, nhưng tôi không muốn như vậy. Tôi luôn nỗ lực làm hết khả năng của mình chứ không dùng thủ đoạn.
Những câu chuyện tôi viết được đánh đổi bằng cảm xúc, bằng những kinh nghiệm khi trải qua áp lực trong cuộc sống. Và động lực để tôi vượt qua những điều đó chính là mong muốn sẻ chia với độc giả thông qua trang sách. Tôi từng bị từ chối rất nhiều bản thảo, nhưng mỗi khi như vậy, tôi sẽ lập tức viết một tác phẩm khác cho đến khi nào đạt được mong muốn mới thôi. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi được đánh giá là “lì”.
Chặng đường khởi nghiệp gian nan, vất vả
Với chặng đường khởi nghiệp đầy gian nan của mình chị có thể đưa ra được những lời khuyên hữu ích cho mọi người đặc biệt là các độc giả trẻ được không? (Khán giả có nick Facebook Thanh Tuyền)
Tôi không phải là một chuyên gia trong việc khởi nghiệp nhưng cũng có một số lời khuyên cho các bạn dựa theo kinh nghiệm của bản thân. Đầu tiên, phải tìm hiểu kĩ lĩnh vực mình theo đuổi vì nếu bạn không hiểu rõ điều mình làm sẽ rất dễ nản lòng. Nếu ngay từ những bước đầu tiên bạn đã cảm thấy không phù hợp thì sẽ không thể tiến xa hơn. Nhiều bạn cho rằng tài chính là yếu tố lớn nhất để thành công. Tất nhiên tiền bạc rất quan trọng, nhưng không phải tất cả, tiền bạc không phải lý do khiến bạn gắn bó lâu dài với lĩnh vực đó.
Các bạn cũng cần tìm cho bản thân một lộ trình phù hợp. Không ai có được sự hiểu biết ngay từ những bước đầu tiên, ta phải tìm cách học hỏi và trau dồi cho những điều mình theo đuổi. Hãy tự đánh giá lại bản thân mỗi khi kết thúc một năm, xem bản thân còn thiếu sót điều gì, chưa được ở đâu, thành công điểm nào, để biết cách sửa đổi, phát triển ngày một hoàn thiện hơn. Đam mê sẽ giúp chúng ta đi đường dài còn danh tiếng chỉ là nhất thời.
Khi cảm thấy bế tắc, chị làm thế nào để có ý tưởng, có lại nguồn cảm hứng viết lách cho mình?
Mỗi khi bế tắc, tôi sẽ không thúc giục bản thân tìm ra ý tưởng nhưng vẫn phải tích cực quan sát và không ngừng cố gắng trải nghiệm nhiều hơn. Các bạn có thể lựa chọn xem phim, đọc sách hay làm bất kì công việc nào mà mình thích. Hãy thử cố gắng kết bạn nhiều hơn, tách bản thân ra khỏi những mối quan hệ đã cũ và tìm kiếm điều mới mẻ ở những thời điểm khác, đất nước khác.
Content marketing là một trong những việc mà tôi làm, công việc này bắt buộc bạn phải viết dù có cảm hứng hay không. Còn viết sách thì khác, khi không có cảm hứng thì bạn có quyền nghỉ ngơi, ngừng viết, không ai có thể bắt các bạn làm gì.
Quan điểm viết tản văn, quan điểm văn chương của cá nhân
Với nhiều năm theo đuổi văn chương, chị có nhận định như thế nào về thể loại tản văn Việt trong văn học hiện đại?
Vì không phải một nhà phê bình văn học nên tôi chỉ chia sẻ dựa trên kinh nghiệm và nhận định của một người viết sách. Theo tôi thì không phải ai cũng sẽ chọn tản văn là khởi điểm để viết sách, nhưng thực tế đây là một thể loại dễ viết, đồng thời cũng dễ dàng tiếp cận với những bạn trẻ.
Tản văn được yêu thích ở Việt Nam cũng một phần là do văn hóa đọc. Nhiều bạn trẻ thường lựa chọn đọc những thứ ngắn gọn, thay vì những câu chuyện dài dòng, rườm rà, thậm chí còn khó hiểu. Chính bản thân tôi cũng như vậy thôi. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, ai cũng cần những món ăn tinh thần cao cấp và mới lạ hơn nữa. Nên đối với những nhà văn tham vọng như tôi, chỉ dừng lại ở tản văn thôi là chưa đủ.
Ai cũng phải lớn lên và thay đổi. Khi đó, họ sẽ cần những thứ sâu sắc và tinh tế hơn. Không chỉ là những lời khuyên hằng ngày mà còn là những câu chuyện truyền cảm hứng từ những thứ mà các bạn chưa bao giờ biết đến. Những thứ đó sẽ mở ra cho các bạn một thế giới mới mà bản thân khao khát được khám phá. Đó là lý do vì sao những câu chuyện như Harry Potter vẫn tiếp cận được với độc giả dù đó không phải là tản văn.
Chính vì vậy, tôi nghĩ những người viết lách không nên dừng lại ở tản văn mà hãy biến hóa bản thân đa dạng hơn ở nhiều lĩnh vực khác. Biết đâu, những tác phẩm của các bạn cũng góp phần thay đổi văn hóa đọc.
Nhiều người cho rằng tản văn Việt giống như một phong trào ai cũng có thể viết được, chị có ý kiến gì với quan điểm này?
Một cuốn sách cũng giống như một món ăn tinh thần vậy, đó là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu khác nhau. Tản văn không chỉ đơn thuần là viết cảm xúc, mà đó còn là nơi để truyền tải những câu chuyện, những châm ngôn, ý tưởng sống. Tất nhiên ai cũng có quyền được viết, nhưng để nói là ai viết cũng được thì không hẳn là như vậy. Đôi khi chúng ta nhầm tưởng những chia sẻ trên mạng xã hội là tản văn, nhưng theo tôi thì chưa phải. Đó chỉ là những dòng status thể hiện cảm xúc đơn thuần.
Với cá nhân chị, để viết một tác phẩm hay cần và có những điểm lưu ý gì ạ? (từ độc giả có nick Facebook Lan Phương)
Không phải ai cũng có thể thành công với một cuốn sách, và không phải cuốn sách nào cũng được tiếp cận với độc giả một cách phù hợp nhất.
Tôi nghĩ là để viết một tác phẩm hay thì điều đầu tiên là vẫn phải dựa trên những trải nghiệm sống của một tác giả. Tất nhiên, đó không phải tất cả vì có những người trải nghiệm rất nhiều nhưng không viết được gì hết vì họ không tìm cách truyền tải được thông qua những con chữ.
Khi còn ở độ tuổi 17-18, chúng ta vẫn chỉ như một tờ giấy trắng và rất dễ viết ra cảm xúc của mình. Nhưng khi lớn hơn một chút, trước khi đặt bút viết, chúng ta phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ hơn vì mỗi câu chữ có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh. Vì vậy, bên cạnh việc trải nghiệm thì chúng ta phải rèn luyện con chữ của mình, để làm sao có thể truyền tải được một cách tinh tế, đúng với những cảm xúc của mình.
Em thấy trên mạng xã hội chị hay chia sẻ câu nói: “Dù cuộc sống có vần xoay thế nào, hãy sống thật tử tế”. Chị có thể giải thích cho em hiểu rõ hơn về câu nói này được không ạ? (Bạn Phan Hải Minh, giải nhất cuộc thi Review sách)
Trải qua nhiều công việc việc và các mối quan hệ, tôi nhận ra rằng sự tử tế giữa con người với con người vẫn là điều quan trọng nhất. Cuộc sống này rất là đáng sống, có những thứ khiến chúng ta tin rằng vẫn còn rất nhiều điều tử tế ở xung quanh. Trên hành trình trưởng thành, chắc hẳn các bạn sẽ có những lần vấp ngã, nhưng sự tử tế vẫn là động lực giúp các bạn bước tiếp trên hành trình theo đuổi đam mê.
Khi cuộc sống thiếu đi những điều tử tế, hoặc thậm chí là bản thân mình không tử tế thì đến một lúc nào đó, mình sẽ mất niềm tin vào cuộc sống, và mất đi những ngọn lửa để theo đuổi hành trình của mình.
Tôi hy vọng rằng, dù cuộc sống có nhiều thử thách như thế nào, nhiều xoay vần như thế nào, thì chúng ta hãy luôn tin tưởng với cách sống của bản thân và lan tỏa những điều tốt đẹp đến thế giới xung quanh, đừng để những điều tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.