Giáo dục giới tính ở Việt Nam: Cần được đẩy mạnh và có cái nhìn cởi mở hơ
(Sóng trẻ) Nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy tuổi quan hệ tình dục bình quân ở nước ta ngày càng trẻ hóa. Cùng với đó, hàng loạt các vụ việc trẻ em bị lạm dụng, xâm hại tình dục đau lòng đã và đang còn tiêp tục xảy ra đã rung lên hồi chuông báo động cần có cái nhìn đúng đắn, nghiêm túc đối với công tác giáo dục giới tính tại Việt Nam, khi mà nó còn rất nhiều hạn chế.
Thực trạng đáng suy nghĩ...!
Theo nghiên cứu mới nhất của ThS. Nguyễn Mỹ Hương, Ủy ban quốc gia Dân số kế hoạch hóa gia đình về “Những yếu tố ảnh hưởng đến mang thai vị thành niên”, mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, chiếm khoảng 40% các ca nạo hút thai nói chung. Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới.
Nạo phá thai có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng số lượng giới trẻ quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng, trong khi đó thì họ lại không có những hiểu biết đầy đủ về sức khỏe sinh sản và những kiến thức về giới tính, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Nói về vấn đề này bạn Hoàng Hải Yến (sinh viên năm 2-ĐH Nội Vụ) chia sẻ: “Những kiến thức về giới tính tôi đều tự tìm hiểu qua các trang mạng lúc nào có thời gian. Đây là vấn đề tế nhị nên ít khi mang ra thảo luận với ai. Hơn nữa đó cũng là vấn đề không mấy quan trọng và cần dành nhiều thời gian.”
Một con số giật mình nữa là, theo Số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) năm 2011 cả nước có 1.453 trẻ bị xâm hại tình dục, tính trung bình 5 năm gần đây thì mỗi năm có khoảng gần 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục.
Xâm hại tình dục trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh về thể chất cũng như vấn đề tâm, sinh lý của trẻ. Các em bị xâm hại có thể mang thai nài ý muốn, thậm chí mất khả năng sinh sản hoặc tử vong do quá trình nạo, hút thai… Về tinh thần, trẻ dễ mặc cảm, tự ti, nhiều em do quan điểm “không còn gì để mất” nên bắt đầu sống buông thả để lại hậu quả lâu dài cho tương lai của các em.
Đa phần trẻ bị xâm hại tình dục là các em ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ lo mưu sinh không có thời gian quan tâm đến con cái để mặc cho các em không ai chăm sóc, để trẻ ở nhà một mình, thậm chí có em bỏ nhà đi lang thang kiếm sống dẫn đến nhiều em không biết cách bảo vệ mình dễ dàng trở thành nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Nguyên nhân từ đâu?
Xuất phát điểm từ một nước mang đậm nền văn hóa nông nghiệp và văn hóa phương Đông: kín đáo, tế nhị, thanh lịch… trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã đem đến cho người dân Việt Nam nói riêng và các nước phương Đông nói chung tâm lý dè dặt khi nói đến vấn đề sinh lý, các nhu cầu tự nhiên của cơ thể con người.
Từ xa xưa, vấn đề hôn nhân, gia đình cũng đã được cha ông ta đề cập trong các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, qua các kinh nghiệm dân gian, … nhưng nó được thể hiện một cách rất ý nhị, ẩn sau những câu từ, chuyện kể chứ không được bàn luận một cách công khai, rõ ràng, tường tận. Tình dục giống như một trái cấm, ai nghĩ và nói đến nó là kẻ trần tục hóa và có nhân cách thiếu trong sáng, lành mạnh. Tư tưởng đó đã và đang còn ảnh hưởng đên cách suy nghĩ của đại bộ phận người dân trong xã hội hiện nay.
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng chỉ nói đến vấn đề tình dục khi con họ ở tuổi thanh niên, khi con họ đã yêu và chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa hôn nhân. Nói về chuyện tình dục khi trẻ còn nhỏ chỉ khiến tâm trí của chúng vấn đục, và không khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”. Tâm lý ngại ngùng khi nói cho con về tình dục, không dám nói hết lời hay chỉ bảo dạy dỗ tường tận cũng là rào cản để cha mẹ dạy dỗ con cái vấn đề giới tính.
Cũng có phụ huynh nghĩ rằng giáo dục giới tính chỉ là đối với các em nữ và đơn giản là dạy các em biết giữ được chữ “trinh tiết” nghìn vàng.
Cùng với đó thì việc giáo dục giới tính và định hướng trong nhà trường cũng còn hạn chế nhiều hạn chế và chưa được quan tâm thích đáng. Giáo dục ở nước ta còn mang nặng bệnh thành tích và nặng nề về kiến thức . Xây dựng kĩ năng sống cho học sinh, sinh viên còn yếu kém. Đặc biệt ở lứa tuổi thiếu niên khi mà trẻ bắt đầu phát triển tâm sinh lý, muốn khám phá bản thân mình cũng như bạn khác giới thì các em đều chưa được gia đình và nhà trường quan tâm đúng mức. Nhiều em khi nói ra những điều đó còn bị cho là hư, bị trách phạt… gây cho các em tâm lý sợ sệt khi chia sẻ vấn đề của mình cho người lớn. Thay vào đó các em tự mình giải quyết, tìm câu trả lời cho các vấn đề.
Ngày nay, trẻ em được tiếp xúc với rất nhiều nguồn thông tin khác nhau cả tốt và xấu. Trong khi đó cha mẹ không quản lý được các nguồn thông tin mà con mình tiếp xúc (Internet, sách, báo, văn phẩm, truyền hình …), không định hướng được thông tin cho các em, để các em tự do tiếp nhận thông tin, hành động theo ý mình và vô tình khiến các em dễ rơi vào các kênh thông tin không lành mạnh, kích dục.
Giáo dục giới tính là vô cùng cần thiết
Để hạn chế tình trạng trẻ em nam bị xâm hại tình dục cùng những hệ lụy kéo theo, các chuyên gia cho rằng cần đưa nội dung xâm hại tình dục vào chương trình giáo dục tình dục cho trẻ em, nên đề cập đến cả nam lẫn nữ để tạo sự công bằng, tăng cường truyền thông các dịch vụ hỗ trợ cho những nạn nhân nam bị xâm hại tình dục…
Ở nước nài, khi trẻ lên lớp 5 đã được nhà trường và gia đình giáo dục về vấn đề giới tính, giúp các em nhận biết các bộ phận trên cơ thể mình và cho các em biết đâu là những bộ phận nhạy cảm trên có thể mà các em không được để người khác động vào, nhất là người khác giới. Họ cũng dạy cho trẻ em các giai đoạn trong một sinh hoạt tình dục và những hậu quả mà các em có thể gặp phải khi quan hệ tình dục quá sớm và thiếu hiểu biết. Từ đó giúp trẻ chủ động bảo vệ mình và tìm cách phòng tránh. Cùng với đó thì vấn đề tình dục giới tính cũng được đề cập rất thoải mái trong gia đình.
Để có thể dạy dỗ, giáo dục cho các em có hiệu quả thì trước tiên cần phải thay đổi tư duy còn lạc hậu của các bậc phụ huynh. Không nên coi tình dục là vấn đề xấu, không đáng được bàn đến mà cần nhìn nhận nó dưới góc độ tâm sinh lý lành mạnh của con người. Từ đó giúp trẻ em có cái nhìn đúng về vấn đề này, không cần phải lén lút, vụng trộm khi muốn tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến giới tính.
Chúng ta cũng cần tăng cường các chương trình giáo dục cho gia đình.ác trẻ mẫu giáo, trẻ cấp 1 cần phải được huấn luyện để biết rằng ai được phép đụng chạm vào các bộ phận trên cơ thể các cháu, đụng vào bộ phận nào và các cháu phải đẩy ra, lên án cũng như tránh xa những người có ý đồ sàm sỡ các cháu (Theo bàTrần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; nguyên Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam).
Người lớn hãy nhìn bằng đôi mắt của người trẻ, trở về với những rung động cảm xúc và tò mò giới tính ngày xưa. Hãy chấp nhận sự khác biệt, lắng nghe nhiều hơn thay vì áp đặt những nhãn đánh giá đức hạnh lên người trẻ. Xã hội lành mạnh là xã hội của các mảng màu khác biệt.
Hoàng Thị Lan Huyền
Lớp: Báo mạng K29
Cùng chuyên mục
Bình luận