Giao lưu trực tuyến: “Giáo sư Cù Trọng Xoay: Từ chàng sinh viên nông nghiệp đến người viết kịch bản”
(Sóng trẻ) – 9h sáng nay (25/10), tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền diễn ra chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giáo sư Cù Trọng Xoay: Từ chàng sinh viên nông nghiệp đến người viết kịch bản”, với khách mời là anh Đinh Tiến Dũng – người thủ vai Giáo sư Cù Trọng Xoay từng gây sốt một thời.
"Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng tại buổi giao lưu trực tuyến
* Anh thường xuất hiện trước công chúng với rất nhiều vai trò, vị trí cũng như ngành nghề khác nhau. Vậy công việc hiện tại của anh là gì, thưa anh?
Tôi làm khá nhiều việc nhưng hiện nay công việc chính thức là Giám đốc Sáng tạo Truyền hình FPT, nài ra tôi cũng làm biên kịch cho một số chương trình truyền hình.
* Nick facebook Trần Minh muốn hỏi: "Được biết anh từng là sinh viên Học viện Nông nghiệp. Vậy lý do nào khiến anh quyết định thi vào ngôi trường này?"
Thực ra lựa chọn này xuất phát từ phía gia đình là chủ yếu. Khi còn học cấp III tại tỉnh Nam Định, tôi đã được bố mẹ định hướng lựa chọn nghề nghiệp với ưu tiên hàng đầu là Đại học Y. Nhưng trong quá trình ôn thi giáo viên lại gợi ý cho tôi con đường khác là nông nghiệp. Sau đó tôi thi đỗ cả hai trường: Đại học Y Thái bình và Đại học Nông nghiệp. Quyết định chọn theo nông nghiệp của tôi thời điểm đó cũng xuất phát một phần vì sân khấu nài trời của Đại học Nông nghiệp hoành tráng quá.
* Bạn đọc Trần Minh Quân, Đại học Bách Khoa Hà Nội đặt câu hỏi: “Trong những năm học ở Đại học Nông Nghiệp anh đã phát hiện ra năng khiếu viết kịch bản của mình chưa?”
Bắt đầu từ năm lớp 11, 12 là tôi đã có thể kiếm tiền từ việc viết kịch bản rồi. Vì vậy đến khi học đại học tôi vẫn duy trì niềm đam mê này. Thực ra nó cũng không đao to búa lớn như nhiều người nghĩ. Tôi thường phác trên giấy A4 nguệch nạc vài ý tưởng rồi sau đó mới viết nắn nót lại thành kịch bản hoàn chỉnh. Ban đầu tôi viết kịch bản cho trường, lớp. Đến khi có chút tiếng tăm, các đơn vị truyền hình mới tìm tới tôi mời hợp tác.
* Câu hỏi đến từ địa chỉ mail [email protected]: "Táo quân vẫn là dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp viết kịch bản của anh. Vậy bằng cách nào mà anh có thể tiếp cận và chứng minh được tài năng ở một chương trình lớn như vậy?"
Tôi nghĩ đó là vì mình có những người thầy lớn - những người thầy không chính danh. Họ làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không phải chỉ riêng mảng biên kịch.Tôi học được nhiều từ anh Đỗ Thanh Hải (đạo diễn) và anh Chí Trung (NSND). Ban đầu tôi tập tành viết cho 1 - 2 vai Táo, sau đó quen hơn là viết đề cương, tổng quan cho toàn bộ kịch bản.
* Nick facebook Hoàn Trần thắc mắc: "Cái duyên nào đưa anh đến với vai diễn Giáo sư Cù Trọng Xoay có thể coi là để đời trong sự nghiệp?"
Năm 2007, trong một hội diễn, tôi được giao vai giáo sư trong bộ truyện Harry Potter, một người tinh thông mọi phép thuật. Sau vai diễn đó, đạo diễn Đỗ Thanh Hải liên hệ với tôi, đại ý hỏi rằng tôi có muốn mang tiếp hình tượng giáo sư như vậy lên format truyền hình không. Lúc đó tôi xin anh cho suy nghĩ một đêm, hết một đêm tôi vẫn chưa dám chắc chắn nên lại xin lùi thời gian... Bẵng đi 3-4 năm, anh hỏi lại một lần nữa và tôi khi ấy mới trả lời dứt khoát: “Ok, đủ rồi”, và nhận vai.
Đinh Tiến Dũng chia sẻ cơ duyên đến với vai Giáo sư Xoay là từ vai giáo sư trong bộ truyện nổi tiếng Harry Potter
* Nick facebook Hoàng Anh gửi câu hỏi: "Được cư dân mạng đặt cho rất nhiều cái tên như "Giáo sư Xoay", "Dũng đê tiện", "Dũng đại tiện", "Dũng đẹp trai",... Vậy anh thích được gọi với cái tên nào nhất?"
Khi ai đó gọi tên tôi bằng một biệt danh, tôi có thể đoán ngay được họ đã quen tôi ở thời điểm nào. Ví dụ nếu gọi tên kèm phụ huynh thì đó chắc chắn là bạn thời cấp ba; gọi tên "Dũng đê tiện" thì nhiều khả năng là đồng nghiệp của tôi tại Tập đoàn FPT; còn nếu gọi là "Giáo sư Xoay" thì có lẽ là khán giả truyền hình.
Thực ra những cái tên "Dũng đê tiện", "Dũng đại tiện", "Dũng đẹp trai" có nguồn gốc từ truyền thống đặt biệt danh ở công ty tôi. Chẳng hạn anh Trần Chí Hiếu có tên viết tắt là "Hiếu TC" sẽ có biệt danh "Hiếu tụt quần". Tôi là Đinh Tiến Dũng, viết tắt Dũng DT, từ đó chữ DT được suy ra nhiều nghĩa như các bạn đã thấy.
Tôi thích "Dũng đê tiện" nhiều hơn vì khi tự đặt mình ở vị trí thấp hơn người khác thì bạn sẽ chẳng có áp lực gì cả,. Còn nếu ở đỉnh cao thì sẽ có rất nhiều gánh nặng, nhiều khuôn khổ mà bạn không được vượt qua. Hình tượng Giáo sư Xoay được xây dựng như một con người uyên bác, còn hình tượng "Dũng đê tiện" thì thoải mái, dân dã hơn.
* Bạn Chu Kim Chi, sinh viên Đại học Nại ngữ muốn hỏi: "Cách nói chuyện hóm hỉnh và thâm thúy của anh trong vai trò Giáo sư Cù Trọng Xoay khi tham gia chương trình Hỏi Xoáy đáp xoay đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với khán giả. Nhiều người thắc mắc tại sao anh lại không chọn trở thành một nghệ sĩ hài, như nghệ sĩ Xuân Bắc chẳng hạn?"
Đối với ngành giải trí bạn chỉ thấy được phần nổi là cái hào nhoáng, còn phần chìm là sự khổ luyện. Thành công qua một vai diễn như vậy theo tôi là sự ăn may. Cái tôi làm tốt hơn là viết kịch bản, công việc này bình yên hơn là một công việc không chuyên nhiều mạo hiểm như diễn viên.
Khi tôi đóng vai Giáo sư Xoay, vì là diễn viên mới nên tôi có cách thể hiện nhân vật cũng mới. Có lúc tôi diễn được 8-9 điểm, khi lại chỉ có 3-4 điểm. Trong khi đó người nghệ sĩ chuyên nghiệp phải biết cân bằng cảm xúc, tức là luôn cố gắng phấn đấu để đạt 7 điểm trở lên. Tôi cho rằng mình không giỏi việc này lắm nên vẫn chọn biên kịch.
* Đây là câu hỏi từ độc giả có địa chỉ [email protected]: "Có nhiều người nói rằng anh là một người “may mắn” vì chỉ là diễn viên tay ngang mà nổi tiếng nhanh quá?! Anh nghĩ sao về điều này?"
Đúng là may mắn thật vì nhờ có sự giúp đỡ từ anh Đỗ Thanh Hải, có những lời khen, lời chê của khán giả mà làm nên tôi hôm nay. Tôi học được sự bình tĩnh, không quá vui trước lời khen cũng không mất tinh thần khi nghe lời chê. Con người có thể đứng vững trước lời chê, nhưng chưa chắc đủ tỉnh táo để nghe lời khen.
* Độc giả có địa chỉ mail [email protected] thắc mắc: "Công việc viết kịch bản thường gặp rất nhiều áp lực, khi đó anh thường chia sẻ với ai hoặc làm điều gì để giải tỏa cảm xúc của mình?"
Tôi không muốn lấy lý do áp lực để biện minh khi không hoàn thành công việc.Tôi nuôi cảm hứng và giải tỏa cảm xúc bằng nhiều cách, ví dụ khi đang làm việc thì vào facebook xem cái nọ cái kia, rồi bình luận, chặt chém với bạn bè cả buổi sáng, gác qua một bên áp lực hay tiến độ công việc. Khi viết kịch bản thông thường bạn viết từ A đến B đến C rồi đến D. Nhưng có hôm bạn viết từ D cũng không sao cả.
* Một câu hỏi đến từ bạn có tên facebook Lê Thu Hiền: “Theo anh, điều gì khiến khán giả nhận ra kịch bản do Đinh Tiến Dũng chắp bút chứ không phải do một biên kịch nào khác? ”
Tôi nghĩ diễn viên mới là người nhận ra dễ hơn.Tôi ít khi ghi tên tác giả trên kịch bản của mình nhưng các anh chị diễn viên đều nhận ra, bởi lời thoại tôi viết cũng giống như cách tôi nói chuyện nài đời.
Nhiều biên kịch gửi tôi kịch bản hài nhưng tôi lại không thấy hài, đó là do quan điểm về hài hước khác nhau giữa các biên kịch.Tôi quan niệm văn do người, kịch bản cũng do người. Viết hài kịch phải là từ người hài hước, viết kịch bản phim tình cảm thì phải là từ người sâu sắc. Bản thân tôi viết hài kịch vì tính cách vui vẻ, lạc quan của mình.
* Câu hỏi đến từ bạn có nick facebook Thái Hà: "Hiện nay có rất nhiều những kịch bản viết ra nhằm mục đích câu view rẻ tiền, hài nhảm, hài lố lấn át,... Anh có suy nghĩ gì về hiện tượng này?"
Tôi nghĩ chuyện đó hết sức bình thường vì có người thích thì nó mới tồn tại. Khán giả mới là người đánh giá kịch bản tốt hay dở. Có người thích những kiểu hài nhảm nhảm để đỡ đau đầu, có người lại thích hài kiểu thâm thúy. Một người nghệ sĩ biết sáng tạo phải khiến cho khán giả tranh luận về đứa con tinh thần của mình. Nhưng tựu chung, biên kịch nào cũng muốn viết những tác phẩm có ích, dù cái ích đó ở mặt nào.
* Độc giả có địa chỉ mail [email protected] muốn biết: "Trong sự nghiệp biên kịch, sự việc hoặc câu chuyện nào khiến anh nhớ nhất?"
Năm 2001, tôi bị bí ý tưởng viết kịch bản và quyết định gác tất cả công việc sang một bên, xách balo lên và ra ga tàu. Ở đấy tình cờ tôi mua một quyển sách có tựa đề “Sự sống sau cái chết” viết về những câu chuyện xoay quanh các Diêm Vương và cuộc sống dưới âm phủ. Từ đó tôi nảy ra ý tưởng viết kịch bản có sử dụng hình tượng Diêm Vương. Kịch bản này sau đó bách chiến bách thắng, đạt được nhiều giải thưởng trong đó có 4 huy chương vàng tại liên hoan phim thành phố ở các hạng mục khác nhau.
* Câu hỏi đến từ email :[email protected]: "Từ một tay ngang trong giới biên kịch trở thành cây bút viết kịch bản có tiếng tăm, anh có lời khuyên gì dành cho những bạn trẻ nghiệp dư muốn theo đuổi công việc này?"
Xuất phát điểm của tôi cũng là từ con số 0 như nhiều bạn mà thôi. Thậm chí đôi lúc ngồi nghĩ lại tôi thấy việc mình đến với nghề biên kịch như một giấc mơ có chút hão huyền. Hồi xưa khi thấy các nghệ sĩ lão làng như Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền, Tự Long, Xuân Bắc,... trên TV, tôi ao ước được gặp họ một lần. Khi chia sẻ mong muốn đó với bạn bè, tôi bị chê cười vì họ cho rằng tôi học y, làm sao có cơ hội gặp được những ngôi sao sân khấu. Nhưng tôi không từ bỏ và vẫn nuôi hy vọng. Khi lên đại học, tôi vào đội kịch rồi dần dần được gặp hết những người mà mình từng ao ước, thậm chí còn được diễn cùng sân khấu với họ. Mọi người thường coi nhẹ ước mơ vì nghĩ không thể đạt được nhưng nếu cố gắng, bạn sẽ chạm được đến nó.
* Bạn Đào Đức Đạt, sinh viên Học viện Nông nghiệp đặt câu hỏi: "Giả sử anh vẫn theo con đường chuyên ngành đã học ở Học viện Nông nghiệp thì anh nghĩ bây giờ mình sẽ làm gì?"
Tôi sẽ trở thành kỹ sư cây trồng. Bộ môn tôi yêu thích là Trồng hoa vì tôi muốn mình lãng mạn, sẽ được nhiều cô gái để ý hơn. Nếu theo ngành nông nghiệp thì có thể bây giờ tôi đang làm trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên tôi nghĩ mình đừng làm nông nghiệp thì tốt hơn (Cười).
* Nick facebook Hoa hướng dương đặt câu hỏi: "Học nông nghiệp nhưng lại chuyển hướng sang làm biên kịch và có những thành công nhất định, anh có những lời khuyên như thế nào tới các bạn sinh viên sắp ra trường trên con đường lập nghiệp tương lai, đặc biệt là những bạn có ý định làm trái nghề?"
Tôi nghĩ việc đầu tiên là các bạn không ngừng học hỏi, đừng ngại mình dốt. Tôi thường nói với sinh viên và nhân viên của mình là thế giới có một quỹ dốt, mỗi ngày hỏi một câu thì nhân loại sẽ đỡ dốt đi một chút. Phải luôn sẵn sàng đón nhận cái mới, cởi mở với cái mới.
Điều thứ hai là nhiều bạn rất dễ bị dao động. Bạn có thể nhìn các tấm gương kiếm ra nghìn đô rồi tự thấy mình chỉ kiếm được 2-3 triệu mà thấy chán nản. Hãy cứ nghĩ bạn chưa có thời điểm chín muồi để tỏa sáng mà thôi.
* Trong thời gian tới, anh có dự định thực hiện dự án hoặc kịch bản nào không?
Tôi không có dự định lớn nào cả. Cứ làm thôi. Tôi cũng chưa biết năm nay có viết Táo quân không vì chưa có lời mời triệu tập.
* Câu hỏi gửi từ địa chỉ mail [email protected]: "Theo anh, để viết kịch bản thành công thì yếu tố quan trọng nhất người biên kịch cần chú ý là gì?"
Tôi nghĩ là sự kiên nhẫn. Kịch bản được tạo ra từ một ý tứ nào đấy, có thể là một ý tứ rất hay nhưng nếu bạn không đủ kiên nhẫn để duy trì cái hay ấy từ đầu đến cuối thì đó sẽ là một kịch bản đầu voi đuôi chuột. Điều quan trọng là phải vượt qua sự nhàm chán. Ý tưởng có thể nảy sinh rất nhanh còn để làm ra sản phẩm thì vất vả hơn nhiều, đó là cả quá trình dài. Một công ty phát triển được là nhờ những nhân viên biết vượt qua sự nhàm chán.
* Câu hỏi đến từ địa chỉ mail [email protected]: "Viết kịch bản cho một chương trình truyền hình có sức ảnh hưởng lớn như Táo quân không phải là chuyện dễ dàng. Anh có thường nghĩ đến những áp lực dư luận tạo ra sau khi chương trình kết thúc để điều chỉnh ngòi bút của mình không?"
Với tôi, Táo quân có ý nghĩa như một bản tổng kết cuối năm đặc biệt. Nhờ việc đồng hành cùng nó, tôi học được cách bình tĩnh hơn khi nhìn nhận các vấn đề trong cuộc sống. Phải có sai phạm, mất mát như tai nạn giao thông, tắc đường, sự cố y tế thì mới có Táo quân. Những mất mát đó tôi không dám đưa vào kịch bản vì có thể nó đem lại tiếng cười cho cả triệu người nhưng với gia đình nạn nhân thì không. Tôi quan niệm cuối năm là lúc vui vẻ, chúng ta không nên đi sâu vào đau thương của người khác. Vì thế tôi chỉ chọn những vấn đề vui vẻ, lạc quan để viết kịch bản táo quân.
* Bạn đọc có địa chỉ mail nguyenhang96@gmail.com gửi yêu cầu: "Được biết anh là một người khá đa tài, bên cạnh chuyên môn công việc anh còn biết đàn, hát và thậm chí tự sáng tác nhạc. Anh có thể hát tặng khán giả một trong những sáng tác của mình được không?"
Có một bài hát về sinh viên đã lâu lắm rồi tôi chưa hát lại, được sáng tác thời tôi còn làm ở Trung ương Đoàn. Hồi đó bạn bè tôi là các cán bộ Đoàn thường phải đi công tác triền miên, kể cả vào những ngày quan trọng như Quốc tế Phụ nữ 8-3 hay Ngày Lễ Tình nhân cũng không có thời gian dành cho người yêu của mình. Tôi nhìn thấy điều đó và ngẫu hứng viết nên bài hát này. Cũng vì là ngẫu hứng nên tôi không đặt tên cho nó.
Phút ngẫu hứng của Giáo sư Xoay trong buổi giao lưu
* BBT Trang tin điện tử Sóng trẻ chân thành cảm ơn quý độc giả đã theo dõi, tương tác với buổi giao lưu trực tuyến: "Giáo sư Cù Trọng Xoay: Từ chàng sinh viên nông nghiệp đến người viết kịch bản". Kính mong quý độc giả tiếp tục đón nhận các tác phẩm tiếp theo trên Trang tin Sóng trẻ và gửi phản hồi về hòm thư góp ý của trang tin.
BBT Sóng Trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận