Giới trẻ chọn đồ hiệu – giá trị là đẳng cấp ?

(Sóng Trẻ) -  Lựa chọn đồ hiệu, thậm chí “chạy” theo đồ hiệu - Với không ít bạn trẻ, giá trị và đẳng cấp bản thân được đồng nhất với giá trị món đồ họ sở hữu. 


Muôn mặt đẳng cấp đồ hiệu

Các sản phẩm đồ hiệu thường gắn liền với những khái niệm tạo dựng nên đẳng cấp: đẹp, độc đáo, tinh tế, chi tiết, tỉ mỉ, chất lượng và giá rất đắt đỏ. Bởi vậy, đối tượng khách hàng chính hàng hiệu là những doanh nhân giàu có, nhà thiết kế, người nổi tiếng, những người thuộc tầng lớp thượng lưu… Tuy nhiên, ngày nay giới trẻ đang dần trở thành một bộ phận khách hàng thân thuộc của đồ hiệu.

Đồ hiệu chính hãng (Authentic) cũng được chia thành nhiều loại: “hàng hiệu xa xỉ” như Rolex, Cartier, Louis Vuitton, Chanel, Hermes… là những thương hiệu lớn, chất lượng cao, giá rất đắt, tạo nên trào lưu và thường được thiết kế riêng; “thương hiệu cao cấp” như Ralph Lauren, Calvin Klein, Tommy Hilfiger… là những thương hiệu đắt tiền gần như “hàng hiệu xa xỉ” nhưng hướng tới đối tượng khách hàng đại chúng hơn; “thương hiệu bình dân” như Gap, Guess, Levi’s, Converse… là những thương hiệu chất lượng tốt, giá cả mềm hơn và hướng tới khách hàng bình dân hơn. Tuy nhiên, dù là ở cấp độ nào thì đồ hiệu vẫn luôn là niềm mơ ước và khát khao của mọi đối tượng khách hàng, đặc biệt là giới trẻ thời nay.


“Chạy” theo đồ hiệu

Những đặc tính của đồ hiệu đã thu hút đông đảo bạn trẻ yêu thích, thậm chí say mê nó. Một phong cách thời trang đẳng cấp, sành điệu, phù hợp với hoàn cảnh và ut thẩm mỹ của bản thân là cách để chúng ta làm đẹp và cảm thấy hài lòng với cuộc sống.

Tuy nhiên, không ít bạn trẻ cố “chạy” theo đồ hiệu chỉ vì muốn khẳng định “tầm cỡ” của bản thân qua giá trị vật chất cao – thấp. Họ muốn phô trương sự giàu có và sẵn sàng vung tay mua nhiều đồ đắt tiền dù không thưởng thức được hết giá trị thẩm mỹ đích thực của món đồ đó. Theo đó là mong muốn mình phải mặc chiếc áo đắt hơn của người khác, đeo chiếc túi đắt hơn của người khác và đi đôi giày đắt hơn của người khác. Đồ hiệu - mặc định là cách để một bộ phận giới tẻ chứng tỏ mình sành điệu, hợp thời. 

Có những cô cậu học sinh, sinh viên gia đình khá giả, được bố mẹ tin tưởng cho đi du học để thành tài. Nhưng học đâu không thấy, chỉ thấy các tiểu thư, công tử ăn chơi phung phí, mua sắm đồ hiệu tràn lan. Cách để họ khẳng định phong cách “Pro” của mình là đăng ngay ảnh mặc đồ hiệu mới lên trang cá nhân facebook để “khoe”. Trong khi bố mẹ ở Việt Nam vất vả kiếm tiền gửi cho con đi học, thì những “đại gia con” ở bên kia trái đất lại “ném tiền qua cửa sổ” để chứng tỏ đẳng cấp.

Hàng hiệu cao cấp thường có những chính sách tăng giá để bảo vệ thương hiệu, không giống như những thương hiệu bình dân luôn có những đợt giảm giá để thu hút số đông khách hàng. Bởi vậy không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế và “ut” thẩm mỹ để theo đuổi hàng hiệu lâu dài. Thế nên, hàng nhái hiệu là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn.

Nhưng không phải ai cũng đủ trình độ để phân biệt hàng hiệu và hàng “nhái” đồ hiệu. Bên cạnh đồ hiệu chính hãng (Authentic) là những sản phẩm “nhái” đồ hiệu (Fake) – mẫu mã giống hệt hàng chính hãng nhưng giá cả rẻ hơn rất nhiều, dành cho những người thích đồ hiệu nhưng không đủ điều kiện mua đồ “xịn”. 

Chị Đàm Xuân Hoa – 29 tuổi, nhân viên bán hàng ở Hà Nội cho hay: “Cá nhân mình cũng thích dùng đồ hiệu vì kiểu dáng đẹp, lại là hàng chất lượng cao nên rất bền, form chuẩn, không bị biến dạng hay phai màu. Nhưng đổi lại đồ hiệu thường có giá rất đắt, không phải ai cũng mua được. Bởi vậy nhiều khách hàng có xu hướng mua đồ “fake”, hàng cũng khá đẹp và chắc chắn nếu biết lựa chọn kỹ càng”. 

Tuy nhiên, không phải ai lựa chọn dùng đồ “fake” cũng chỉ đơn thuần vì yêu thích cái đẹp. Có những người không đủ tiền sắm đồ xịn nhưng vẫn muốn chứng tỏ mình đẳng cấp, sành điệu không thua kém ai nên họ tin dùng hàng “fake”. Đây là lí do tại sao mà nhãn hiệu xa xỉ như Louis Vuitton lại được bắt gặp dùng ở khắp nơi trên đường phố, từ mọi kiểu người: từ người giàu đến kẻ nghèo, từ doanh nhân đến tiểu thương, từ diễn viên đến sinh viên… 

ae9632be1_untitled.png

Nhiều bạn trẻ không ngần ngại sắm những chiếc túi xách có giá hàng ngàn dollars


Cũng bởi vậy mà rất nhiều bạn trẻ sùng bái đồ hiệu đã tìm đủ mọi cách để có thể thỏa mãn được chứng “nghiện đồ hiệu” của mình. Họ sẵn sàng nhịn ăn nhịn uống, nói dối gia đình, vay mượn khắp nơi, thậm chí lừa tình, lừa tiền để sở hữu được thứ họ muốn. Không hiếm những bạn nữ vì say mê đồ hiệu mà sẵn sàng trở thành “bồ nhí” của các đại gia để được mua tặng túi Louis Vuitton, giày Salvatore Ferragamo… 

Không phủ nhận rằng đồ hiệu có giá trị thẩm mỹ và chất lượng rất cao, nhưng không phải ai cũng yêu thích và dùng đồ hiệu một cách thông minh, phù hợp. 

Chưa kể, để có tiền “ring” hàng hiệu, nhiều bạn trẻ đã đánh mất lòng tự trọng và giá trị đích thực của mình.


“Đẳng cấp” không chỉ đến từ giá trị món đồ

Mua một món đồ đẹp và tốt trong khả năng kinh tế của mình là một lựa chọn thông minh. Trần Tú Anh (19 tuổi, du học sinh Pháp) chia sẻ: “Đồ hiệu có ưu điểm là bền, đẹp, chất liệu tốt, ít đụng hàng, đường nét tỉ mỉ, tinh tế. Mình thích dùng hàng hiệu nhưng dùng như thế nào phù hợp với sở thích, điều kiện và túi tiền của mình thôi. Không phủ nhận là nó đẹp nhưng cái gì cũng có giá của nó mà”.

Nếu đủ khả năng tự chi trả cho món đồ đẹp và đắt tiền bạn yêu thích thì điều đó rất đáng tự hào. “Nếu sau này tự kiếm được nhiều tiền, mình cũng sẽ lựa chọn dùng đồ hiệu. Vì nó không chỉ đẹp, độc đáo, mà giá trị cũng xứng đáng với số tiền mình bỏ ra nữa”, Trần Phương Lan – 19 tuổi, SV trường ĐH Thương Mại nói.

Giá trị của một con người  được mọi người công nhận không đơn thuần chỉ qua giá trị đắt – rẻ của bộ quần áo.

Lệ Thu (20 tuổi, sinh viên HV BC & TT) chia sẻ: “Dùng đồ hàng hiệu rõ ràng là cách để nhiều bạn trẻ đẹp hơn, tự tin hơn, phong cách hơn. Thị hiếu là điều không nên tranh cãi. Nhất là nếu nó phù hợp với điều kiện tài chính cho phép. Với mình, hẳn nhiên hàng hiệu không bao giờ là con đường duy nhất có thể giúp bạn chứng tỏ giá trị của mình. Một người trẻ hiện đại rất cần tri thức và nhân cách sống. Đó mới là điều khiến người khác công nhận và tôn trọng bạn”.

Không cần phải chạy theo trào lưu sắm đồ hiệu, chỉ cần mua món đồ mà bạn thấy chất lượng tốt, thoải mái và vừa túi tiền là ổn. Giá tiền của trang phục không làm nên giá trị con người, mà nhân cách mới làm nên điều đó. Vì vậy, tại sao bạn không thử tin dùng những thương hiệu bình dân hay thương hiệu trong nước? 

Thay vì đánh đổi vài thứ, thậm chí lòng tự trọng, nhân cách để sở hữu một món đồ xa xỉ hay mua sắm đồ “fake”, thay vì chạy theo “đồ hiệu” để tạo  đẳng cấp bản thân qua giá trị món đồ tại sao bạn không đầu tư cho giá trị thực của chính bạn?

Ngọc Lan
Báo mạng điện tử K.31.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN