Giới trẻ Việt phản ứng gay gắt trước nghi vấn "đường lưỡi bò" của Baby Three
(Sóng trẻ) - Baby Three - món đồ chơi từng được giới trẻ yêu thích, nay gây xôn xao dư luận vì nghi vấn có hình ảnh "đường lưỡi bò". Trước vấn đề này, nhiều người đã ngừng mua, lên án mạnh mẽ để thể hiện quan điểm về chủ quyền lãnh thổ.
Baby Three gây tranh cãi vì hình ảnh nhạy cảm
Baby Three (món đồ chơi độc đáo từ Trung Quốc) từng tạo nên một trào lưu mạnh mẽ trong giới trẻ nhờ thiết kế những nhân vật bằng bông có khuôn mặt tròn, với biểu cảm phong phú, ngoại hình ngây thơ và thân thiện, gây hấp dẫn về mặt thị giác, thường được thiết kế theo nhiều chủ đề đa dạng. Tuy nhiên mới đây, Baby Three đã gây xôn xao dư luận vì xuất hiện một hình vẽ nghi là “đường lưỡi bò”.
Vụ việc xuất phát từ bài đăng ngày 5/3/2025 của streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng), trong đó anh thông báo dừng nhập khẩu và bán sản phẩm này do phát hiện phiên bản mới có hình ảnh nhạy cảm trên mắt nhân vật. Ngay sau đó, làn sóng tẩy chay Baby Three lan rộng. Một số thương hiệu lớn đã quyết định ngừng bán sản phẩm này dù trước đó đã ký hợp đồng sản xuất.
Công ty Da PiaoLiang (Trung Quốc) – đơn vị sản xuất Baby Three, khẳng định hình ảnh trên chỉ là một bức vẽ graffiti theo phong cách Gothic và không liên quan đến bản đồ địa lý. Họ tuyên bố sẽ thu hồi, tiêu hủy và ngừng sản xuất toàn bộ sản phẩm có biểu cảm gây tranh cãi.
Tuy nhiên, lời giải thích này không làm dịu dư luận Việt Nam. Nhiều người tiêu dùng vẫn bày tỏ sự nghi ngờ và cho rằng đây là một hành động mang tính đối phó. Làn sóng tẩy chay không có dấu hiệu hạ nhiệt khi hàng loạt cửa hàng tuyên bố ngừng bán Baby Three, nhiều người mua trước đó cũng nhanh chóng “bán tháo” sản phẩm.
Trước vấn đề này, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, đã nhanh chóng dừng mua và loại bỏ sản phẩm khỏi bộ sưu tập của mình. Hành động này không chỉ thể hiện sự nhạy bén trong tiêu dùng mà còn cho thấy ý thức mạnh mẽ đối với liên quan đến lợi ích quốc gia.
Ngay khi biết Baby Three có liên quan đến vấn đề chủ quyền, chị Mai Phương (22 tuổi, Hà Nội) không ngừng hối tiếc vì số tiền đã bỏ ra. “Mình đã bán rẻ, cho, thậm chí vứt bỏ toàn bộ búp bê mình có. Chủ quyền Việt Nam, người Việt cần có ý thức đấu tranh bảo vệ, không thể để các thế lực bên ngoài chi phối nhận thức người Việt”, chị Phương chia sẻ.
Giống như chị Phương, vợ chồng anh Bùi Văn Hưng (28 tuổi, Hà Nội) cũng dừng việc sưu tầm và cất hơn 20 con Baby Three vào kho. Suy nghĩ về vấn đề này, anh Hưng chia sẻ: “Dù chỉ là một món đồ chơi bình thường, nhưng khi nó liên quan đến vấn đề chủ quyền, chúng ta không thể xem nhẹ. Nếu không có sự cảnh giác, những hình ảnh hay thông điệp sai lệch có thể tác động đến nhận thức của chúng ta theo cách không ngờ tới”.
Từ sản phẩm hot hit đến món hàng bị “rớt giá thảm”
Chỉ trong thời gian ngắn, từ một món đồ chơi được săn đón, Baby Three trở thành sản phẩm "tồn kho" dù được thanh lý với giá rẻ. Hiện tại, nhiều người chấp nhận "bán tháo" Baby Three với mức giá chỉ từ vài chục ngàn nhưng vẫn không có người hỏi mua.
Theo dữ liệu từ YouNet ECI – nền tảng phân tích số liệu thương mại điện tử, trong 10 tuần đầu năm 2025, giá bán trung bình của Baby Three trên Shopee và TikTok Shop giảm mạnh, từ 591.553 đồng xuống còn 305.746 đồng, tương đương mức giảm 48,3%. Đáng chú ý, trong tuần đầu tháng 3 – thời điểm sản phẩm vướng tranh cãi về thiết kế – giá giảm sâu nhất, trong khi lượng tiêu thụ chỉ đạt 5.500 sản phẩm, giảm 37% so với tuần trước và sụt tới 53,5% so với cao điểm Tết Nguyên đán.
Anh Minh Vương (24 tuổi, Hà Nội) cho biết đã mua Baby Three ver 3 với giá gần 700.000 đồng, nhưng khi đăng bán lại trên các hội nhóm Facebook với giá 450.000 đồng vẫn không có người hỏi mua. Theo anh Vương chia sẻ: “Mức giá này đã thấp hơn đáng kể so với lúc mới ra mắt, nhưng đã 3 ngày sau khi rao bán vẫn không có người hỏi mua. Theo tôi, do nghi vấn về thiết kế có phần nhạy cảm đây chính là lý do mọi người không còn hứng thú với sản phẩm này nữa”.
Không chỉ người tiêu dùng, một số cửa hàng kinh doanh Baby Three cũng đã nhanh chóng đưa ra động thái nhằm thể hiện trách nhiệm với vấn đề này. Anh Lâm Hoàng (34 tuổi, Hà Nội), chủ một cửa hàng bán dòng "hộp mù" Baby Three trên đường Nguyễn Khánh Toàn cho biết: "Ngay sau khi có thông tin về nghi vấn hình ảnh trên sản phẩm, cửa hàng đã dừng nhập khẩu Baby Three. Những sản phẩm còn tồn kho, tôi đang giảm giá để thu hồi vốn, sau đó sẽ chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác”.
Câu chuyện xoay quanh Baby Three không còn đơn thuần là việc một sản phẩm chứa hình ảnh gây tranh cãi, mà còn cho thấy ý thức ngày càng cao về chủ quyền quốc gia của giới trẻ Việt Nam. Sự cứng rắn trong lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng buộc các thương hiệu phải thận trọng hơn, tôn trọng văn hóa và lịch sử từng quốc gia.