Google Doodle vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử
(Sóng trẻ) - Tròn 10 năm (5/12/2013 - 5/12/2023) UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đúng 0h ngày 5/12, để kỷ niệm 10 năm đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại", Google Doodle đổi biểu tượng trang chủ Tiếng Việt thành hình ảnh của loại hình nghệ thuật này. Tranh vẽ được thực hiện bởi nghệ sĩ Camelia Phạm.
Theo Google Doodle: “Đây là thời điểm tuyệt vời để thưởng thức đờn ca tài tử ở Việt Nam. Loại hình nghệ thuật này là một phần quan trọng của những ngày kỷ niệm, đám cưới, Tết nguyên đán, sinh nhật hay chỉ đơn giản là những buổi tụ tập. Nghệ thuật đờn ca tài tử kết nối cộng đồng qua văn hoá, nghệ thuật, âm nhạc chúng ta cùng chia sẻ và sẽ tiếp nối như thế đến các thế hệ mai sau".
Đờn ca tài tử chủ yếu được biểu diễn theo nhóm. Ngoài ca sĩ chính, dàn nhạc bao gồm các nghệ sĩ chơi nhạc cụ như đàn tam thập lục, đàn cò, sáo, đàn tỳ bà... Những nghệ sĩ không ngừng sáng tác bài hát mới khi tìm thấy nguồn cảm hứng, tạo nên kho tàng gần 100 bài hát truyền thống, trong đó có cả những bài hát cổ.
Theo Wikipedia, đờn ca tài tử xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nghi lễ và nhã nhạc cung đình Huế. Dù vậy, nghệ thuật đờn ca tài tử lại phát triển mạnh ở các tỉnh, thành Nam Bộ.
Do đó, khi nhắc đến đờn ca tài tử, nhiều người hình dung các nghệ sĩ mặc áo bà ba, đội khăn rằn và diễn trên các sân khấu dân gian, thay vì áo dài và khăn đóng như bức vẽ của Google Doodle.
Hiện nay, nước ta có 21 tỉnh, thành hoạt động mạnh về đờn ca tài tử như: Tây Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,… Qua thời gian, nghệ thuật đờn ca tài tử càng chứng tỏ sức sống bền lâu, thể hiện tâm hồn phóng khoáng, tình yêu quê hương đất nước, con người đất phương Nam.