Hà Nội - nét đẹp cổ xưa với những di tích lịch sử
(Sóng trẻ) - Hà Nội được biết đến không những là thủ đô của đất nước với sự phát triển vượt bậc về kinh tế chính trị, văn hóa xã hội mà còn là một điểm đến du lịch sôi động cực kì hấp dẫn, cuốn hút du khách với những di tích lịch sử độc đáo, mang nhiều giá trị nhân văn và ý nghĩa sâu sắc.
Tháp rùa hồ Hoàn Kiếm
Tháp Rùa Hồ Hoàn Kiếm là một trong những di tích lịch sử thu hút khách tham quan du lịch bậc nhất ở Hà Nội. Hồ Tả Vọng, hồ Hữu Vọng, hồ Thủy Quân, hồ Lục Thủy, hay hồ Gươm là những tên gọi khác của hồ Hoàn Kiếm, theo thăng trầm đổi thay của lịch sử, cho đến nay hồ được thống nhất được gọi cùng tên với tên một quận của Hà Nội là Hoàn Kiếm.
Tháp rùa hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: Internet)
Tháp Rùa nằm ở giữa trung tâm của hồ, được xây dựng khoảng từ giữa những năm 1884 đến năm 1886 theo kiến trúc Pháp, tháp có ba tầng được xây dựng bằng kiến trúc nhiều cửa mở độc đáo, các cửa đều được xây cuốn đỉnh thon gọn tạo nên nét đẹp cổ xưa cuốn hút giữa lòng thành phố hiện đại.
Đền Ngọc Sơn
Đền Ngọc Sơn cũng là một di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng, đó là một ngôi đền thờ nằm trên đảo Ngọc của hồ Hoàn Kiếm.
Đền Ngọc Sơn (Ảnh: Internet)
Quần thể kiến trúc của đền Ngọc Sơn có vẻ đẹp rất cổ kính, hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên, khu đền được tách riêng nằm trọn một góc của hồ Hoàn Kiếm mang đậm dấu ấn lịch sử. Tương truyền đền được xây dựng từ thế kỷ XIX, trong đền thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Đức đại Vương Trần Hưng Đạo - vị anh hùng dân tộc.
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long
Tiếp đến là khu di tích Hoàng thành Thăng Long, một trong những điểm đến thú vị, khu di tích thuộc địa bàn Phường Điện Biên và Phường Quán Thánh của thành phố Hà Nội. Đây chính là kinh đô của Việt Nam qua ba đời là thời Lý, Trần và Lê. Bên trong khu hoàng thành có chứa đựng nhiều tích chứng lịch sử văn hóa vô giá, được thể hiện rất rõ qua những kiến trúc từ thời xa xưa.
Khu di tích hoàng thành Thăng Long (Ảnh: Internet)
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đến nay công trình Hoàng thành Thăng Long đồ sộ vẫn sừng sững phơi mình dưới trời thủ đô, thể hiện được sự giao thoa văn hóa, truyền thống của người Việt Nam qua các thời kì lịch sử và gắn bó với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đó là lí do vì sao khu di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.
Chùa Một Cột.
Là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia, được vinh danh là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất theo tổ chức Kỷ lục Châu Á vào năm 2012, chùa Một Cột cũng là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đã bước chân đến Hà Nội.
Chùa Một Cột (Ảnh: Internet)
Theo ghi chép của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chùa được xây dựng vào năm 1049 dưới đời vua Lý Thái Tông, trải qua nhiều năm chùa được tu sửa nhiều lần cùng chứng kiến những thăng trầm của lịch sử của dân tộc.
Chùa có đài liên hoa kết cấu hình vuông, mái lợp ngói thời xưa, bốn mái đắp hình rồng cong vút uốn lên và điều độc đáo nhất là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột trụ bằng đá, nhìn như một đóa sen đang nở đã tạo nên vẻ đẹp cuốn hút sự hiếu kì của du khách tham quan.
Nhà Thờ Lớn
Với địa chỉ số 40 nhà Chung, cũng thộc quận Hoàn Kiếm, Nhà Thờ Lớn là một công trình kiến trúc cổ phương Tây đầu tiên ở Hà Nội không thể bỏ qua.
Nhà Thờ Lớn (Ảnh: Internet)
Nhà Thờ Lớn trước kia có tên là Nhà Thờ Thánh Guise, nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc trung cổ, thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời phục hưng ở Châu Âu. Nhà thờ được làm theo mẫu nhà thờ Đức Bà Paris với những vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời với cây thánh giá bằng đá ở trên đỉnh.
Chính lối kiến trúc cổ Châu Âu trên một đất nước Châu Á là Việt Nam đã tạo nên điều kì thú cho những ai đam mê nghệ thuật kiến trúc và cho những ai thích khám phá nét văn hóa tinh hoa của nhân loại.
Cầu Long Biên.
Do Pháp xây dựng vào thế kỉ XIX, từng được mệnh danh là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và là cây cầu tiêu biểu nhất ở Viễn Đông ở thời đó, cho đến nay cây cầu vẫn được sử dụng và là chứng tích lịch sử quý giá của nước ta.
Cầu Long Biên (Ảnh: Internet)
Là cây cầu thép bắc qua sông Hồng, cũng như nhiều công trình kiến trúc khác, cầu Long Biên đã chứng kiến biết bao đổi thay của đất nước, chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ ác liệt của dân tộc ta. Cây cầu không những là di tích mà còn là nhân chứng lịch sử quý báu.
Cho đến nay vẻ đẹp của cây cầu mặc dù đã mai một đi theo thời gian nhưng nó vẫn đủ sức làm say lòng những người đam mê công trình kiến trúc cổ xưa, tuy chưa chính thức được xếp hạng di tích quốc gia nhưng trong lòng mỗi người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung cầu Long Biên từ lâu đã rất xứng đáng là di tích lịch sử văn hóa!
Nguyễn Tuyết
Truyền Hình K31A2
Nguồn ảnh: Internet
Cùng chuyên mục
Bình luận