Hà Nội: Ngày càng khó vào các trường trung học phổ thông top đầu
(Sóng Trẻ) – Tuy không mang tính quốc gia như kì thi tuyển sinh đại học, nhưng kì thi vào 10 tổ chức vào tháng 6 ở thành phố Hà Nội vẫn luôn căng thẳng và ngày càng có độ cạnh tranh cao.
Tháng 12/2012 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra dự thảo Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh trung học phổ thông, theo đó có hình thức thi tuyển: thi viết 3 môn, bên cạnh hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ Văn thì môn thi thứ 3 sẽ được công bố sớm nhất là 15 ngày trước khi kết thúc năm học. Các em học sinh ở Hà Nội hiện hoang mang trước thông tin này dù vài năm nay thành phố vẫn tuyển sinh vào 10 dưới hình thức kết hợp xét tuyển và thi tuyển (thi viết 2 môn). Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức kì thi tới Hà Nội sẽ giữ nguyên hình thức tuyển sinh cũ hay bổ sung thêm môn thi thứ 3.
Trong những năm gần đây, điểm chuẩn ở các trường cấp ba trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có xu hướng tăng, tạo nên sức ép không nhỏ lên các em học sinh lớp 9 cũng như các bậc phụ huynh.
2009 | 2010 | 2011 |
2012 |
|
Chu Văn An |
54,5 | 55 | 56 | 56 |
Thăng Long |
53 | 53,5 | 53,5 | 54,5 |
Kim Liên |
52,5 | 54,5 | 53,5 | 54 |
Phan Đình Phùng |
50 | 52 | 53 | 54 |
Trần Phú | 50 | 52,5 | 52 | 53 |
Việt Đức |
49 | 52 | 52,5 | 52,5 |
Điểm chuẩn một số trường trung học phổ thông chất lượng cao của Hà Nội từ năm 2009 đến 2012
Cách tính điểm chuẩn thi vào 10 ở trường không chuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội đên năm 2012 là kết hợp xét tuyển và thi tuyển: Điểm rèn luyện 4 năm học (Tối đa 20) + Điểm nghề (Tối đa 1,5) + Điểm ưu tiên/khuyến khích + Điểm thi nhân đôi hai môn Toán, Văn
Giả sử như một học sinh có 8 học kì trong cấp 2 đạt học lực giỏi, hạnh kiểm tốt; có điểm nghề loại giỏi sẽ nắm được 21,5 điểm cơ sở cho kì thi vào 10. Tuy thế, ngay cả khi có được bước đầu tiên thuận lợi như vậy, học sinh đó vẫn phải cần đạt trung bình gần 9 điểm hai môn Toán và Văn để vào Chu Văn An hay gần 8 điểm để vào Việt Đức trong kì thi 2012 vừa qua. Kể cả cho có sức học tốt, không phải ai cũng có thể chắc chắn đạt được điểm số cao như vậy trong một kì thi diễn ra trong đúng một ngày.
Đối với đa phần phụ huynh ở Hà Nội, nhất là khi họ có con cái học ở những trường cấp 2 được đánh giá là chất lượng, kỳ vọng bố mẹ đặt lên các học sinh 14-15 tuổi thường không hề thấp. Một số em học sinh có năng khiếu cố gắng rèn luyện vào trường chuyên, phần đa số sẽ chạy đua vào các trường top đầu của thành phố Hà Nội với điểm chuẩn thường xuyên trên 50, hoặc ít ra phải vào được một trường công lập. Nhưng năm 2012 vừa rồi, theo thống kê chính thức thì thành phố Hà Nội giảm đến gần 7000 chỉ tiêu vào 10 ở các trường công lập so với năm 2011, làm kì thi diễn ra giữa tháng 6 đổ lửa càng thêm phần khó thở.
Kiến thức không bớt đi nhưng điểm thi lại ngày càng tăng và chỉ tiêu tuyển sinh giảm khiến việc học tập của học sinh lớp 9 chiếm trọn thời gian biểu của các em. Gia Linh (THCS Trưng Vương) nói: “Em đi học thêm kín tất cả các buổi trong tuần, nhưng vẫn còn đỡ hơn nhiều bạn vì em được gia đình đưa đón”. Thực chất, dành thời gian cho việc học là quan trọng, nhưng điều cốt yếu nhất là phương pháp học như thế nào cho hiệu quả. Điều ấy phụ thuộc một phần không nhỏ vào sự hướng dẫn của giáo viên. Có một điều đáng buồn rằng có những cô giáo dạy Văn lại đọc những đoạn văn mẫu cho học sinh chép và học thuộc chứ không hướng cho các em hiểu bài và tự viết nên câu văn của mình. Không ít em cho rằng học thêm bây giờ mới đích thực là học chính.
Thi vào 10 được đánh giá là kì thi căng thẳng và có tính cạnh tranh cao
Còn 5 tháng nữa là tới kì thi vào lớp 10, các em học sinh phải gấp rút luyện tập kiến thức và các kĩ năng ngay từ bây giờ để có thể tự tin đăng ký vào ngôi trường cấp 3 mình mong muốn. Thầy cô giáo và cha mẹ cần đốc thúc nhưng cũng nên ủng hộ các em một cách tâm lý, để các em vừa có thể học tốt, giảm thiểu áp lực và vừa tạo nên được những kỉ niệm cuối cấp đáng trân trọng.
Hạnh Dung
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận