Hà Nội: Vi phạm PCCC, hàng loạt quán karaoke bị đình chỉ hoạt động
(Sóng trẻ) - Nhằm ngăn chặn các quán karaoke không đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) hoạt động chui, cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội đã lập rào chắn, treo biển cảnh báo trước quán vi phạm.
Sau thảm họa cháy quán karaoke tại số 231 phố Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) và karaoke An Phú (Thuận An, Bình Dương) cướp đi sinh mạng của nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu siết chặt dịch vụ karaoke, chỉ đạo Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố tổng kiểm tra rà soát phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.
Tại Hà Nội, theo Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, địa bàn Hà Nội có 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke. Qua đợt rà soát từ ngày 1.8 – 20.9, có 58% cơ sở không đạt yêu cầu về công tác an toàn PCCC. Trong đó, có 425 cơ sở có khả năng khắc phục nhưng chưa thực hiện nên đã bị xử lý vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.
Ngoài ra, còn 326 cơ sở không đạt yêu cầu về công tác PCCC nhưng không có khả năng khắc phục, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH đã ra quyết định đình chỉ 100% các cơ sở này.
Ghi nhận của PV Lao Động, hàng loạt cơ sở kinh doanh karaoke tại các tuyến phố như Trần Thái Tông, Nguyễn Khang, Nguyễn Hoàng… bị cơ quan chức năng lập rào chắn barie chuyên dụng, cắm biển thông báo cấm hoạt động do không đảm bảo điều kiện về PCCC, thậm chí có phường cử cả lực lượng dân phòng đứng ở cửa các quán.
Được biết, đa phần các chủ cơ sở kinh doanh bị đình chỉ với các lỗi như: bố trí, sắp xếp các vật tư, vật dụng cản trở lối thoát hiểm; thiết bị PCCC chưa đảm bảo an toàn; chưa trang bị bổ sung máy bơm chữa cháy dự phòng, máy bơm chữa cháy hoạt động không đảm bảo, không bơm được nước; lắp đặt bảng quảng cáo che kín mặt tiền… Thậm chí, nhiều cơ sở chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC mà đã đưa vào hoạt động.
“Do không làm được lối thoát nạn thứ 2 vì các ngôi nhà liền kề đều có kết cấu nhà ống, không có không gian để làm cầu thang thoát hiểm phía ngoài nhà nên cơ sở của tôi bị đình chỉ. Tôi đang tìm cách khắc phục, nếu không được chắc phải tìm đối tác để sang nhượng lại quán”, anh Hoàng Việt – chủ cơ sở karaoke trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Tương tự, tại quán karaoke trên đường Tăng Thiết Giáp (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do lối thoát hiểm chỉ là một cầu thang sắt thẳng đứng, gắn cố định bên hông toà nhà, chiều rộng vừa 1 người và toàn bộ hệ thống đèn chỉ dẫn lối thoát hiểm đều đã hư hỏng nên cơ sở này đã bị đình chỉ cách đây vài ngày.
“Quán được đầu tư quá nhiều nên nếu phải dừng hoạt động trong thời gian dài thì gia đình tôi bị ảnh hưởng lớn về kinh tế bởi không có nguồn thu khác để trả tiền mặt bằng và các chi phí khác như lãi ngân hàng, bảo dưỡng máy móc”, anh Tâm nói.
Trong khi đó, quán karaoke của anh Văn Thái trên đường Nguyễn Hoàng đã chi hơn vài trăm triệu để tu sửa, nâng cấp đường điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn PCCC. Thế nhưng, lãi chưa thấy đâu mà doanh thu của quán bị sụt giảm hơn một nửa do vắng khách.
“Các cơ quan kiểm tra liên tục, quán tôi cũng đảm bảo phòng cháy nổ nhưng khách ít, thời gian ngồi lại quán cũng giảm. Hiện lượng khách chưa bằng 50% trước thời điểm các vụ hỏa hoạn xảy ra. Nếu được chọn phòng, nhiều người yêu cầu ở tầng thấp hoặc phòng sát lối thoát hiểm ngoài trời”, anh Thái nói.