Hai số phận nhỏ - Một nỗ lực lớ
(Sóng trẻ) - "Hai số phận" là một cuốn tiểu thuyết được sáng tác vào năm 1979 bởi nhà văn người Anh Jeffrey Archer. Tựa đề gốc của sách là "Kane and Abel" - một phép chơi chữ dựa trên hai cái tên xuất hiện trong Kinh Thánh Cựu Ước là Cain và Abel.
Bìa sách "Hai số phận"
Cuốn sách là một câu chuyện kể về hai người có số phận khác nhau. Họ không có điểm gì giống nhau cả nại trừ việc sinh ra vào cùng một thời điểm (18/04/1906) và có một lòng quyết tâm để đạt được thành công trong cuộc sống. William Lowell Kane là một người mạnh mẽ và giàu có trong khi đó Abel Rosnovski (tên ban đầu là Wladek Koskiewicz) là một người gốc Ba Lan phải đấu tranh từ lúc sinh ra và lớn lên cùng với những người nghèo khổ, cuối cùng di cư đến Hoa Kỳ. Cuộc đời của hai con người này đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố để cuối cùng nhận ra sự tồn tại của nhau.
“Hai số phận” biến hóa qua ngòi bút của Archer
Jeffrey Archer đã hấp dẫn người đọc "Hai số phận" bằng câu chuyện chân thực như biên bản cuộc đời, được thuật lại bằng một giọng kể biến hóa tài hoa. Ông kể lại các sự việc một cách tuần tự, nối tiếp từng trang giấy hiện lên câu chuyện về hai con người hoàn toàn xa lạ. Các biến cố cuộc đời nối tiếp nhau gần như theo một mạch chảy xuyên suốt, khiến người đọc bắt gặp một thứ ma lực kiểu khác - cái thôi thúc của sự tò mò, muốn biết nữa, muốn theo dõi, nó là cái cảm giác trí não vô cùng tỉnh trong một niềm hân hoan.
Từng bước đường đời của hai con người - khi lớn lên, khi về già, khi đau khổ, lúc hạnh phúc, nhà văn đều dành cho họ những câu văn tương xứng, ẩn chứa khi thì nụ cười hóm hỉnh, lúc thì một tiếng thở dài hay giọt nước mắt đắng cay. Archer khiến độc giả kinh ngạc về sự am hiểu diễn biến tâm lý của ông.
Trong “Hai số phận” có nhiều tình yêu, nhưng không tình yêu nào giống tình yêu nào, dù các “quy trình“ có vẻ là tương tự. Nhà văn rất cân nhắc chọn lựa chi tiết và từ ngữ để dựng lên những tình yêu muôn hình vạn trạng: từ tình yêu trong giới quý tộc đến tình yêu của những người nhập cư, từ tình yêu trong sáng của đôi trẻ đến tình yêu vụ lợi và những cuộc truy hoan – một thứ gần với “tình” hơn là “yêu”… Đối với người đọc đến từ những nền văn hóa khác, nơi tình yêu được quan niệm một cách nghiêm khắc, “Hai số phận” mở ra một chân trời phong phú, mới mẻ. Giống như “Rừng Na-uy” của Haruki Murakami, cuốn sách gợi cho người đọc cảm nhận và suy nghĩ đến tính nhân bản của tình dục, tình yêu nguyên thủy.
Thành phố New York – phần lớn bối cảnh của câu chuyện (nguồn: Internet)
Cách Archer kể những câu chuyện kinh doanh, câu chuyện làm giàu trong cuộc đời hai nhân vật chính cũng mang đến nhiều hứng thú cho người đọc. Từ những vụ trao đổi nhãn diêm và đầu tư "cổ phiếu ma" của chú bé William đến việc lèo lái ngân hàng qua cuộc khủng hoảng kinh tế, hay quá trình Abel khôi phục từ 12 khách sạn làm ăn thua lỗ thành một thương hiệu lớn với 70 khách sạn trên toàn cầu, người đọc hồi hộp theo dõi từng bước đi của hai con người có ý chí và nghị lực phi thường này. Sự căng thẳng có lúc đến nghẹt thở do những thủ pháp mô tả của tác giả. Đọc "Hai số phận", người đọc hiểu hơn đôi phần về những nhà doanh nghiệp, qua đó kính trọng và cảm phục họ. Có lúc thành công, có khi thất bại, điều duy nhất không thay đổi trong họ là việc không bao giờ đánh mất niềm tin vào bản thân mình cũng như không bao giờ cho phép mình tự thỏa mãn.
Có thể nói, yếu tố lớn nhất chi phối bút pháp "Hai số phận“ là kết cấu song đôi. Tên gọi của bản gốc tiếng Anh đã thể hiện điều đó: "Kane and Abel“ - nhà ngân hàng và nhà khách sạn, một người Mỹ và một người Ba Lan.
Vòng tròn định mệnh của Kane và Abel
Cuộc đời của cặp nhân vật chính trong "Hai số phận" song hành cùng nhau mà họ không hề biết, từ cái ngày hai người cùng chào đời, một ở Boston và một ở Slonim. Đến khi con đường đời của họ giao vào nhau, số phận của họ phụ thuộc vào nhau thì hai người lại trở thành hai kẻ thâm thù, ai cũng chỉ muốn người kia phải chết mà không hề biết rằng, chính họ lại nợ ơn cứu mạng của nhau.
Khi William qua đời, có thể nói ông đã hiểu hết tất cả, nhờ ơn chiếc vòng bạc. Nhưng Abel có biết rằng người đại tá đầu quấn kín băng mà ông cố cứu trong chiến tranh lại chính là William không? “Hiểu biết khác nhau” – một yếu tố của nghệ thuật kịch ý chỉ mỗi nhân vật biết những sự kiện này và không biết những sự kiện khác – được Archer vận dụng thành công tạo nên những nghi hoặc thú vị không chỉ cho nhân vật mà còn cho cả người đọc nữa. Dù thế nào đi nữa, khi câu chuyện về hai cuộc đời khép lại, hai con người cũng đã nhận ra nhau, hiểu được nhau. Ánh mắt cuối cùng họ chạm nhau ngắn ngủi giữa đêm mùa đông buốt giá, dù không ai nói một lời nào, tin rằng đã là ánh mắt của tha thứ và thông cảm.
Hai đứa con đã kéo họ đến cùng một chỗ. Hai ông già kiêu hành đều giấu mình trước tất cả mọi người, để rồi bắt gặp mình giống nhau đến thế trước cái lạnh, trước thời gian, trước đoạn cuối cuộc đời, tưởng như chỉ có chính họ mới có thể chia sẻ được với nhau mà thôi. Đây là một kết thúc ấn tượng mà Archer chọn để kết thúc “Hai số phận”.
Jeffrey Archer sinh ngày 15/4/1940 tại London, Anh. Trước tác phẩm "Hai số phận", ông có viết cuốn tiểu thuyết "Không hơn một xu, không kém một xu" (Not A Penny More, Not A Penny Less). Tiểu thuyết kể câu chuyện về một món nợ mà bốn nhà đầu tư cần phải đòi từ một kẻ lừa đảo và cuộc phiêu lưu của họ để đòi lại món nợ đó chính xác đến từng xu, đúng như tên gọi của tiểu thuyết. Tiểu thuyết đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Tác phẩm "Hai số phận" là tiểu thuyết mở đầu cho một bộ ba tiểu thuyết của Jeffrey Archer. Hai quyển tiếp theo hiện chưa có bản dịch ở Việt Nam là "The Prodigal Daughter" (tạm dịch: Đứa con gái hoang đàng; viết năm 1982) và "Shall We Tell The President?" (tạm dịch: Có nên báo tổng thống?, 1983). Thông tin sách: - Tác giả: Jeffrey Archer - Độ dày: 638 trang - NXB: NXB Văn học - Thời điểm ra mắt: tháng 2/2011
|
Hà Thu
Lớp Báo mạng Điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận