Hậu ngày nhà giáo bàn chuyện vui buồn nghề gia sư
(Sóng Trẻ) - Có một bộ phận dù được học trò gọi bằng "cô","thầy" nhưng họ hầu như chưa bao giờ đứng trên bục giảng, đó là những gia sư.
Ngày nhà giáo đã trôi qua, mọi giáo viên đều được tôn vinh
và nhận những lời chúc mừng chân thành nhất. "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ
cũng là thầy" nhưng dường như chúng ta quên lãng đi một bộ phận không nhỏ,
hàng ngày truyền đạt lại kiến thức, luôn tận tuỵ với học sinh của mình. Dù được
học trò gọi thân thương bằng tiếng "cô","thầy" nhưng họ hầu
như chưa bao giờ là giáo viên đứng trên bục giảng, đó là những gia sư.
Trong thời đại hiện nay, khối lượng kiến thức dành cho học
sinh có thể nói rằng quá rộng lớn. Chính vì vậy 45 phút một môn học dường như
là không kịp để học sinh tiếp thu được đầy đủ. Cha mẹ thường lo lắng khi thấy
con mình không hoàn thành bài tập, nhận một, hai điểm kém. Vì vậy mời gia sư là
giải pháp tối ưu, gia sư vừa củng cố kiến thức cho học sinh, vừa có thể cùng
nhau tâm sự chuyện trò những vấn đề của lứa tuổi.
Học sinh học theo nhóm tại nhà qua hình thức gia sư
Khi học sinh nằng nặc
đòi "cô" lên lớp dạy.
"Năm 3 đại học, em có đi dạy gia sư cho một bé học lớp
4. Bé rất chịu khó hợp tác học tập và thậm chí nằng nặc đòi mẹ bé mời em lên lớp
dạy thay cô giáo hiện tại" bạn Thu Hương sinh viên học viện Ngân Hàng kể lại.
Ở trường học, một cô giáo có trách nhiệm dạy cả một lớp hàng
chục học sinh, các cô giáo bộ môn thì sẽ phải dạy nhiều lớp hơn, số lượng học
sinh sẽ càng nhiều, đôi khi việc nhớ tên học sinh còn khó khắn, cho nên việc
quan tâm đặc biệt đến từng học sinh là điều không thể. Chính vì điều này, khi học
sinh được tiếp xúc với gia sư riêng của mình, các em có thể tha hồ hỏi đáp những
vấn đề mình thắc mắc, hay tâm sự những chuyện trong gia đình, chuyện ở trường học.
"Chị đi làm từ sáng đến tối, công việc của chị bận rộn,
đêm về mệt chỉ muốn nghỉ nhưng con còn nhiều bài tập quá nên mẹ lại phải giúp.
Từ ngày có cô gia sư đến dạy, cháu nan hẳn, điểm cao hẳn lên chị cũng đỡ
lo." Phụ huynh Lê Giang chia sẻ.
Làm việc dạy học, niềm vui lớn nhất là có thể thấy học sinh
tiến bộ từng ngày. Gia sư cũng vui chung niềm vui của những giáo viên đứng lớp
khi những điểm 9 điểm 10 được học sinh hào hứng cầm về khoe.
"Ngày 20/11 vừa rồi mình còn được học sinh tặng quà cảm giác vui và có chút tự hào, y như mình là cô giáo thật vậy" bạn Phương Thảo sinh viên học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.
Những giờ dạy đủ để
trang trải cho một gia đình.
Dạo quanh "thị trường" gia sư Hà Nội, có thể thấy
chiếm đến 90% trong bộ phận gia sư là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng,
với mỗi buổi học 2 tiếng, gia sư thường được nhận từ 150.000 đến 200.000. Nếu
chỉ dạy 2 buổi 1 tuần, một sinh viên cũng có thể kiếm được gần 2 triệu đồng
ngang bằng việc bán hàng hoặc phục vụ quán cà phê mà không cần tốn nhiều thời
gian, sức lực.
"Mình qua người quen nên được mời đi dạy cho một em học
sinh lớp 5, sau đó phụ huynh giới thiệu mình với các phụ huynh khác, hiện tại
mình có 6 học sinh, một tháng thu nhập của mình khoảng trên 10 triệu đồng"
bạn Đặng Phúc chia sẻ.
Đối với những sinh viện từ tỉnh lẻ, hoặc gia đình khó khăn,
với thu nhập từ nghề gia sư họ hoàn toàn có thể trang trải học phí và tiền sinh
hoạt, thậm chí có thể gửi về phụ giúp gia đình.
"Gia đình em không khó khăn nhưng em vẫn muốn đi làm,
nhờ vào công việc làm gia sư, mỗi tháng em kiếm được 12 triệu đồng, hiện tại em
đã để dành được một khoản kha khá" Mỹ Linh sinh viện đại học RMIT cho biết.
Có thể thấy, gia sư là một nghề tạo thu nhập tốt cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với những người có năng lực, số tiền có thể nhận được từ công việc này không hề nhỏ.
Nhóm Facebook trao đổi các phiên giao dịch giữa lớp - trung tâm - gia sư
"Bố của học sinh mình liên tục nhắn tin"
Tưởng rằng đây là một nghề dễ dàng thậm chí là nhàn hạ trong
mắt nhiều người, nhưng gia sư cũng là nghề gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Nhu cầu sinh viên tìm việc làm gia sư cao đã xảy ra tình trạng
nhiều trung tâm gia sư lập ra để lừa đảo. Những sinh viên ngây thơ đến nhận lớp,
tin rằng sẽ có việc làm như mong muốn. Cuối cùng mất tiền phí nhận lớp mà lại
chẳng được đi dạy, thậm chí còn bị chửi đánh khi đến kiến nghị với trung tâm
gia sư.
Cho đến khi có lớp đi dạy, cũng chưa phải là xong chuyện, nhiều sinh viên cần mẫn đi dạy rồi cả thời gian dài không lấy được tiền lương. Phụ huynh luôn vắng nhà, nhắn tin không trả lời, gọi điện thoại lại không nghe máy. Có người đi năm lần bảy lượt để đòi lại công sức mình bỏ ra. Có người ngậm ngùi cho không số tiền dạy.
Những chia sẻ chân thực trên mạng xã hội về nghề gia sư
Việc gây sợ hãi và cũng gây khó xử nhất cho gia sư, đó là phụ huynh có những biểu hiện lạ đối với mình. "Mình nhận lớp này mỗi lần đến dạy chỉ thấy bố của học sinh ở nhà, bố của học sinh tỏ ý đặc biệt quan tâm tới mình và liên tục nhắn tin cho mình, sợ quá mình bỏ lớp đó luôn" một sinh viên chia sẻ.
Những nỗi buồn còn đến với nghề này khi gia sư bị mắc kẹt giữa phụ huynh và học sinh. Học sinh lười học, lười làm bài tập nên kết quả học tập kém. Phụ huynh luôn thắc mắc và đổ lỗi cho gia sư, đổ lỗi cho giáo viên trên lớp, thậm chí còn nói thẳng rằng gia sư không đủ trình độ để dạy con mình.
Là một chuyên gia tâm lý, Th.S Đinh Thái Sơn cho rằng "Áp lực từ cha mẹ mang lại cho học sinh là không nhỏ, cha mẹ luôn kì vọng con phải học giỏi tất cả các môn điều này vô hình chung gây áp lực cho cả học sinh và giáo viên"
Kết
Đừng quá coi trọng việc bạn đã dạy được bao nhiêu năm, bao
nhiêu học sinh. Để có thể tự tin trên con đường làm gia sư, thứ bạn cần là cách
làm việc, cách truyền đạt kiến thức, cách nắm bắt tâm lý học sinh và kể cả là
tâm lý phụ huynh. Đương nhiên hãy luôn giữ sự tỉnh táo nhất định để không bị vướng
vào những chuyện "cười không được
mà khóc cũng chẳng xong".
Trần Thị Mai Trang