Hoạ sĩ Trần Thiệu Nam: “Sáng tạo sơn mài cũng như một cách tự giác ngộ bản thân”
(Sóng trẻ) - Trong xu hướng phát triển và hội nhập của nền Mỹ thuật Việt Nam, hoạ sĩ Trần Thiệu Nam vẫn miệt mài theo đuổi dòng tranh sơn mài, để rồi ghi dấu ấn với phong cách riêng, một cá tính lạ và độc đáo, thể hiện niềm tự hào dân tộc thông qua câu chuyện cá nhân và tâm niệm mang sơn mài đến gần hơn với mọi người.
Bản ngã cá nhân trong nét sơn mài độc đáo
Một trong những điểm đặc biệt, ta có thể tìm thấy ở tranh của hoạ sĩ Thiệu Nam chính là sự xuất hiện liên tục và nhất quán của các chất liệu dân gian như làng quê Việt Nam, trò chơi dân gian, các bài đồng dao, hình tượng hoa sen… Kể về khởi nguồn này, ông cho biết “Cơ duyên đến, khi tôi lần đầu được nhìn thấy tranh Đông Dương và cảm thấy khá ấn tượng với những hình tượng gần gũi. Vào thời điểm đó, trên thị trường rất ít người khai thác đề tài truyền thống hay đưa đồng dao vào tranh, hầu như chưa từng được sáng tạo bởi bất kỳ ai. Đây cũng chính là cột mốc đánh dấu hành trình tôi xây dựng và phát triển chủ đề riêng, phong cách cá nhân".
Đề tài dân gian, hình tượng hoa sen trở thành người bạn đồng hành của họa sĩ Thiệu Nam trong mọi bức tranh sơn mài, đồng thời cũng là nơi để ông đắm chìm trong những ký ức tuổi thơ đầy tinh nghịch và thể hiện những suy nghĩ, cái tôi đầy khác biệt khi vẽ. Lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian nhưng không vì thế mà bị giới hạn và lẩn quẩn trong cái hồn của bức tranh, bản thân ông trong quá trình sáng tạo luôn ý thức rõ phải tạo nên những câu chuyện khác nhau.
Xem tranh của hoạ sĩ Thiệu Nam, người thưởng tranh dễ dàng nhận ra phong cách mạnh mẽ, rắn rỏi bởi những đường nét, tạo hình rõ ràng trong bố cục mảng khối, nhưng lại uyển chuyển, tinh tế trong từng chi tiết. Ông đã khéo léo khi sử dụng chất liệu vỏ trứng cùng kỹ thuật ghép đa dạng. Sự kết hợp giữa ánh vàng lấp lánh, màu then, màu cánh gián của sơn ta, cùng sắc đỏ của son tạo ra hiệu quả thị giác vừa mộc mạc giản dị nhưng vẫn giữ được nét sang trọng và chiều sâu vốn có của tranh sơn mài.
Tầm nhìn của một hoạ sĩ có chiến lược
Bản năng trong phong cách sáng tạo là thế, nhưng họa sĩ Trần Thiệu Nam không hề “bản năng” với chính hành trình sự nghiệp của mình. Từ sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đến “bước ngoặt” rẽ ngang và nghiêm túc với hội hoạ khi quyết định theo học tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Ông đã sớm xác định mong muốn lâu dài với nghệ thuật, từ đó vạch ra chiến lược phát triển sự nghiệp sau này.
Hoạ sĩ Trần Thiệu Nam là số ít hoạ sĩ ở Việt Nam đã tạo dựng được phong cách riêng với hình tượng hoa sen. Ông đến với sen không phải cuộc dạo chơi tình cờ mà là con đường có tính toán. Suốt những năm 1997, ông luôn đau đáu về một hình ảnh gắn với con người Việt Nam từ thành thị đến nông thôn, từ thơ ca đến đời thực. Thông qua từng nét vẽ của mình, hoạ sĩ thể hiện sự quyết tâm để hoa sen sớm được công nhận là quốc hoa, đại diện cho đất nước và tâm hồn Việt.
Với Trần Thiệu Nam, sen trên sơn mài là đi tìm một khả năng khác, một thể nghiệm khác trong tranh. Sen trên sơn mài sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn các dòng tranh khác, đem đến cảm giác đằm sâu, sang trọng, hợp với không gian sống của người Việt. Tranh ông không chỉ thuần thục kỹ thuật truyền thống mài mặt tranh nhẵn mịn, bóng láng mà còn tạo sự xù xì có thể trực tiếp gắn thêm chất liệu khác (vàng, bạc) lên mặt tranh, tạo ra những xuân sắc rực rỡ nhưng có thể hòa cùng nhạc điệu tâm hồn thánh thót khi có sự cộng hưởng tâm giao.
Sáng tạo cũng cần quy củ
Từ việc chăm chút cho từng nét vẽ, từng mảng màu hay từng chi tiết phức tạp trong mỗi bức tranh đến việc lập kế hoạch lâu dài cho hành trình gắn bó với nghề vẽ. Có thể thấy, hoạ sĩ Thiệu Nam đã thay đổi cách nhiều người định nghĩa về một người hoạ sĩ chuyên nghiệp.
Không phải hình tượng một hoạ sĩ phóng khoáng trong tưởng tượng của mọi người, đối với ông, sáng tạo phải có quy củ “Tôi tin rằng nghệ thuật phải hình thành từ những thói quen. Mỗi ngày tôi đều làm việc như một người thợ, nếu cứ ngồi đợi “cảm hứng" mới sáng tạo thì bao lâu mới mới có tác phẩm chỉn chu", ông bày tỏ.
Ông cho rằng sáng tạo chỉ hiệu quả nếu nhà sáng tạo thật sự nghiêm túc với các tác phẩm của mình, hoạ sĩ cho biết bản thân luôn dành thời gian mỗi ngày để vẽ và nghĩ về vẽ. Đôi khi, trong một tháng, ông chỉ cho ra mắt 1-2 sản phẩm, nhưng đằng sau những tác phẩm ít ỏi đó là chuỗi ngày liên tục sáng tạo đến khi có bức tranh ưng ý.
Đối với những bạn trẻ đang trên hành trình tìm kiếm phong cách cá nhân, đặc biệt theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo, ông đưa ra lời khuyên: “Bản thân mỗi người khi đã xác định xây dựng sự nghiệp, dù là sáng tạo hay bất cứ lĩnh vực nào khác, đều cần phải nghiêm túc với chính mình và hiểu rõ bản thân muốn gì. Không phải cứ ‘nghệ sĩ’ là có thể tự cho mình cái quyền sống thơ thẩn hay tâm hồn trên mây, hãy suy nghĩ thật kĩ về con đường mình đi và lên chiến lược thật kĩ cho con đường đó”.
Hoạ sĩ Trần Thiệu Nam là một trong số ít hoạ sĩ thành danh từ Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội gắn bó và phát triển với dòng tranh sơn mài truyền thống. Trần Thiệu Nam chọn cho mình con đường sáng tạo nghệ thuật riêng và gặt hái nhiều thành công: liên tục có tranh tham dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc, tổ chức các triển lãm cá nhân tại Hà Nội... Năm 2001, ông được mời tham gia trưng bày tác phẩm tại thủ đô Bắc Kinh và 3 thành phố khác, nhân dịp quốc khánh lần thứ 52 CHND Trung Hoa. |