Họa sĩ Vũ Xuân Đông - người hồi sinh cuộc sống mới cho rác thải nhựa

(Sóng trẻ) - Gọi anh là “người hồi sinh”, bởi nhờ đôi bàn tay khéo léo và tài hoa của anh, những phế phẩm bỏ đi, đồ nhựa đã có thêm một vòng đời ý nghĩa.

Tôi hẹn gặp anh Đông ở cầu đi bộ Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi được anh cùng nhóm nghệ sĩ khác tô điểm và hô biến thành “thủy cung trên cạn” từ những vật liệu tái chế, với mục đích vừa để thắp sáng cầu vào buổi tối cho khách bộ hành qua cầu, vừa để lan tỏa ý thức về tái chế rác thải, truyền cảm hứng về lối sống xanh trong cộng đồng.

Một đại dương trên cầu cạn. (Ảnh: Phương Chi)
Một đại dương trên cầu cạn. (Ảnh: Phương Chi)

Phía sau tác phẩm là bao điều chưa nói

Dưới mái vòm xanh mát của cầu đi bộ với đủ loại mô hình các loài cá đại dương đang bơi lội phía trên vòm cầu, tất cả nhịp điệu của sự sống nơi biển khơi dường như đã lấn át những ngày hè oi ả.

Từ ngày xưa, bên kia bờ đê chính là bờ sông, là bến bãi, là những làng chài nghèo. Duy nhất có cây cầu này là cầu đi bộ cho người dân lao động “gồng gánh” sang bên phố cổ để kiếm sống, mưu sinh. Cứ thế ý tưởng chợt lóe lên, anh Đông chia sẻ: “Tôi muốn cây cầu này sẽ trở thành cầu nối, thành dòng chảy để kết nối giữa hai vùng sống và truyền tải văn hóa của sông Hồng sang bên phố cổ - vùng lõi trung tâm”.

Khi được hỏi về lý do chọn đề tài “nước” là chủ đạo, anh thoáng chút đăm chiêu: “Nước là nguồn tài nguyên rất lớn của trái đất nhưng đang bị ô nhiễm, bị xâm hại. Ô nhiễm môi trường nước đang có xu hướng gia tăng và là vấn đề đáng báo động trên toàn cầu. Vì vậy tôi chọn chủ đề “nước” để truyền tải thông điệp tới mọi người”. Nước có nhiều yếu tố nhưng “thủy cung” được lựa chọn là bởi họa sĩ mong muốn có một cái nhìn độc đáo và thú vị hơn: Một thủy cung trên cạn.

2-3.png
Tác giả lựa chọn “thủy cung” là bởi mong muốn mang đến một cái nhìn độc đáo và thú vị hơn tới mọi người. (Ảnh: Phương Chi)

Nhìn lại sản phẩm của mình, anh Đông nhớ lại những vất vả đã trải qua. Không đơn giản chỉ là một cây cầu hay chuyện tái chế, đằng sau đó là mồ hôi, là chai sần, là cay đắng, thậm chí là ô nhiễm, là bệnh tật. Ý tưởng phác thảo này đã có từ ba năm trước với biết bao kỳ vọng, mong mỏi. Thế nhưng suốt từng ấy năm, anh đối diện với vô vàn thách thức. 

“Việc triển khai không hề dễ dàng vì khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí. Với kinh phí hạn chế thì phải làm sao để vừa đáp ứng được tiêu chí bền vì treo ngoài trời, vừa phải mang tới những giá trị và ý nghĩa thiết thực. Khó khăn tiếp theo là phải triển khai thế nào? Biết bao thử nghiệm đã thất bại, nuốt vào lòng những tủi nhục và đắng cay. Bởi để tạo ra “thủy cung trên cạn” ấy, trông thì rất đơn giản nhưng thật ra lại vô cùng phức tạp và đòi hỏi nhiều yếu tố. Nếu kể ra chắc chuyện dài như tiểu thuyết”, họa sĩ bồi hồi nhớ lại.

3-3.png
Người họa sĩ đã trải qua biết bao khó khăn để đổi lấy thành quả. (Ảnh: NVCC)

Khi rác bị bỏ đi cũng là một nguồn tài nguyên quý giá

Tùy vào tính chất của dự án mà sẽ cần chọn vật liệu phù hợp. Các vật liệu mới có lợi thế là thích hợp với các sự kiện diễn ra nhanh chóng. Nhưng đối với các dự án nghệ thuật công cộng, các vật liệu mới có lẽ không hoàn toàn hợp lý vì đòi hỏi phải sơn và vẽ kỳ công chứ không thể để “trần” được.

Sau nhiều lần thử nghiệm và nghiên cứu tỉ mỉ, anh tìm ra phương án để hiện thực hóa tác phẩm này, đó là kết hợp giữa vật liệu hiện đại và vật liệu tái chế. Đúng, phải là sự kết hợp: “Với tôi, đồ tái chế cũng rất đẹp, bởi nó chất chứa nhiều tình cảm, phản chiếu màu thời gian và dư vị tháng năm. Rác bị bỏ đi cũng là một nguồn tài nguyên quý, cái đẹp được “sinh ra” từ rác, bởi nó mang ý nghĩa bảo vệ môi trường, tạo dựng một cộng đồng sống xanh”.

Khi lựa chọn phương án hoàn tất, công việc tiếp theo chính là thu gom vật liệu tái chế. Nghe anh Đông chia sẻ, tôi cảm phục và ngưỡng mộ về hành trình ấy. Thay vì vào những chỗ “sạch sẽ” thì anh phải lặn lội tìm nguyên liệu ở bãi rác - nơi bủa vây bởi biết bao ô nhiễm, hôi thối và dịch bệnh. Anh tìm đến các làng nghề tái chế để khảo sát xem lượng rác đến đâu, màu sắc thế nào, lọ mọ gom rồi mang về làm thử. Nhiều khi để lấy được mấy chai nhựa anh cũng phải mất cả nửa ngày mới tới nơi.

“Tôi chủ yếu lựa chọn chai lọ nhựa vì tôi quan sát thấy nắp của nó vặn đi vặn lại, dễ dàng thay lắp chai nhựa khác. Hành động tháo lắp rất thuận tiện, rất cơ động”, anh giải thích tại sao ưu tiên sử dụng chai lọ nhựa.

Không chỉ có vậy, anh còn kêu gọi quyên góp từ gia đình, bạn bè hay các trường học. Nhờ sự chân thành và nhiệt huyết, anh đã được đáp lại bằng sự hồ hởi, hỗ trợ chung tay thu gom phế thải từ mọi người. “Bên cạnh giá trị nghệ thuật, dự án nghệ thuật công cộng còn mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng, người dân cảm thấy mình được đóng góp và thấy được lợi ích từ dự án”, anh nói với ánh mắt ánh lên vẻ hạnh phúc. 

4-3.png
Với anh, mỗi một chai nhựa là một tấm lòng. (Ảnh: NVCC)

Anh Đông tâm sự, mọi công đoạn để hoàn thành tác phẩm đều quan trọng và yêu cầu kỹ thuật cao. Ở công đoạn nghiên cứu phác thảo, đòi hỏi phải hiểu biết về vật liệu, từ đó chọn cái phù hợp, rồi cân nhắc kích cỡ bao nhiêu thì hợp lý để đưa vào bản phác thảo. Ở công đoạn tạo hình, cũng phải đầu tư dụng cụ thì mới làm được, bởi với những chai nhựa to buộc phải sử dụng máy nhiệt mới có thể cắt gọt tạo hình. Ở công đoạn lắp ghép, đối với loại nhựa này để tìm được loại keo gắn rất khó, nếu có thì giá cũng cao nên phải tìm một phương án khác tiết kiệm hơn, đó là luồn dây thép hoặc hàn chúng với nhau.

5-2.png
Biến hóa rác thải thành nghệ thuật. (Ảnh: Phương Chi)

Vì một Việt Nam xanh

Khám phá phế thải, thu thập và tái tạo cho chúng một đời sống mới là công việc đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì và bền bỉ của người nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ như anh Đông vẫn luôn miệt mài trong hành trình ấy, với mong muốn chuyển tải thông điệp về một hành tinh xanh, thức tỉnh con người trước các vấn đề về môi trường. 

Vừa trò chuyện vừa ngắm nhìn lại thành quả của mình, anh Đông nhấn mạnh: “Có thể thấy rác thải nhựa là tác nhân gây ô nhiễm môi trường biển và trở thành mối đe dọa của toàn nhân loại. Mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, ảnh hưởng và hệ lụy nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Chính vì những hậu quả như vậy, tôi quyết định sáng tác trên các nguyên vật liệu tái chế, để những người dân khi đi qua sẽ cảm nhận được thông điệp, một lời nhắn nhủ về ý nghĩa của việc sử dụng vật liệu thải bỏ để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, từ đó thay đổi hành vi, ứng xử của cả cộng đồng đối với rác thải nhựa. Hơn hết, để họ cảm thấy việc sử dụng nguyên liệu tái chế vào các dự án văn hóa nghệ thuật là vô cùng giá trị”.

6-1.png
“Các tác phẩm giá trị vật chất có thể nhỏ, nhưng giá trị tinh thần lại rất lớn”, anh nói thêm

Nghệ thuật đúng là một liệu pháp để cân bằng, để tái tạo cuộc sống. Nghệ thuật cũng chính là ánh sáng, ánh sáng soi rọi con đường cho người dân qua cầu, “soi rọi” tư tưởng, đánh thức nhân loại cần quan tâm hơn nữa đến những hành vi và tác động của mình đối với môi trường nói riêng và sự sống nói chung.

Các tác phẩm của anh Đông cũng chính là minh chứng sống cho khẳng định: Phế thải, rác hay vật liệu rẻ tiền - tất cả đều có thể thành “vàng mười” dưới cái nhìn của những người nghệ sĩ sáng tạo. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Khói bụi bao trùm Taj Mahal, Ấn Độ siết chặt kiểm soát ô nhiễm

Khói bụi bao trùm Taj Mahal, Ấn Độ siết chặt kiểm soát ô nhiễm

Tin nổi bật1 giờ trước

(Sóng trẻ) - Theo bảng xếp hạng trực tiếp của tập đoàn IQAir, Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) có mức chất lượng không khí là 424, cao nhất trong số các thủ đô trên thế giới. Ngay lập tức, Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp chống ô nhiễm nghiêm ngặt.

Trà Quế Hội An nhận giải Làng du lịch tốt nhất năm 2024

Trà Quế Hội An nhận giải Làng du lịch tốt nhất năm 2024

Tin nổi bật1 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sáng 15/11, tại lễ trao giải tổ chức ở Cartagena de Indias (Colombia), làng rau Trà Quế (Hội An) đã chính thức được ghi danh vào mạng lưới các Làng du lịch bền vững xuất sắc nhất thế giới năm 2024 do Tổ chức Du lịch Thế giới UNESCO bình chọn.

VNG sẽ đóng các game bài trên ZingPlay trong thời gian tới

VNG sẽ đóng các game bài trên ZingPlay trong thời gian tới

Tin nổi bật3 giờ trước

(Sóng trẻ) - Theo quy định từ Nghị định 147/2024/NĐ-CP, các game sử dụng hình ảnh lá bài trên ZingPlay sẽ không còn được cấp phép hoạt động.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN