Học phí Đại học tăng, thí sinh loay hoay đăng kí nguyện vọng
(Sóng trẻ) - Thí sinh cả nước đang trải qua những ngày cuối cùng đăng ký nguyện vọng xét tuyển Đại học. Bên cạnh sở thích, học phí cũng là một trong những yếu tố khiến các sĩ tử đắn đo khi điều chỉnh và sắp xếp các nguyện vọng.
Theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tao, từ ngày 22/7/2022 đến 17 giờ ngày 20/8/2022, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
Kẻ loay hoay, người lo lắng
Nguyễn Thu Anh, thí sinh tại tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Em và các bạn cứ loay hoay sửa các nguyện vọng. Vì đăng kí nguyện vọng không chỉ dựa trên đam mê hay sở thích, mà còn chọn ngành, trường có mức học phí phù hợp với hoàn cảnh của gia đình để theo học”.
Thu Anh dự định sẽ đăng ký ngành Luật của trường Đại học Luật Hà Nội, nhưng học phí là 2.000.000 đồng/tháng, tăng 2.04 lần so với mức 980.000 đồng/tháng của năm học 2021 - 2022. "Điều này gây khó khăn đối với điều kiện gia đình em và nhiều bạn khác có điều kiện gia đình tương tự muốn theo học tại trường", Thu Anh tâm sự.
Trong khi đó, bạn Nguyễn Quỳnh Châm, cựu học sinh lớp 12 trường THPT Hồng Thái cho biết: “Em đăng ký nguyện vọng vào ngành Thiết kế đồ họa, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, vì xác định ngay từ ban đầu là học phí của trường không quá cao. Theo tìm hiểu của em, học phí năm nay tăng thêm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung các trường Đại học. Vì vậy, vấn đề học phí không ảnh hưởng quá nhiều đến việc điều chỉnh các nguyện vọng, em chỉ lo điểm thi của mình không đủ để trúng tuyển”.
Gác lại đam mê, ưu tiên ngành học có học phí thấp
Sau nhiều ngày băn khoăn cân nhắc và xem xét kĩ lưỡng về việc sắp xếp các nguyện vọng, em Phạm Văn Cương (Đan Phượng, Hà Nội) cũng đã có một bản đăng ký xét tuyển Đại học hoàn chỉnh.
Em có dự định đăng kí ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc của trường Đại học Hà Nội và 2 nhóm ngành Báo chí – Truyền thông tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trước đó, bằng việc xét tuyển ưu tiên, Cương đã trúng tuyển ngành ngôn ngữ Hàn Quốc CLC, trường Đại học Hà Nội. Đây cũng là ước mơ của em và rất nhiều bạn khác. Tuy nhiên, nếu theo học tại trường với học phí khoảng 133 triệu/ 4 năm cùng những chi phí nhà trọ và các loại sinh hoạt phí khác, sẽ không phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Cho nên, Cương quyết định gác lại đam mê của mình, chọn đặt các ngành Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí Tuyên truyền lên làm những nguyện vọng đầu tiên.
“Gia đình em ở vùng ngoại thành, bố mẹ làm nông nên cũng không dư giả. Mặc dù bố mẹ luôn cố gắng tạo điều kiện học tập đầy đủ nhất cho em, tuy nhiên khi chọn trường Đại học, học phí giữa các trường cũng trở thành mối quan tâm hàng đầu của em”. Cương tâm sự.
Ngoài ra, chia sẻ về những mong muốn khi đăng kí xét tuyển vào trường Đại học, Cương cho biết: “Vì tình hình kinh tế chung, việc học phí tăng là không thể tránh khỏi. Em mong rằng học phí tăng lên, đồng nghĩa với cơ sở vật chất cũng như chất lượng giảng dạy được nâng cáo. Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều học bổng để khuyến học, hỗ trợ sinh viên nghèo có thể giảm bớt gánh nặng vật chất cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Nghị định 81/2021/NĐ-CP về Học phí đối với giáo dục đại học: Mức trần học phí đại học năm học 2021-2022 từ 980.000 đến 1.430.000 đồng/sinh viên/tháng. Mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đối với các ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học công lập được áp dụng bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước quy định áp dụng cho năm học 2020-2021, mức cụ thể như sau: Từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1.200.000 đến 3.500.000 đồng/sinh viên/tháng. |