Kỳ thi THPT Quốc gia 2021: Nỗi lòng cha mẹ mùa thi
(Sóng trẻ) - “Hồi hộp và lo lắng” - Đây là tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh có con năm nay thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021 trong diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid – 19.
Hôm nay (8/7), gần 1 triệu thí sinh bước vào ngày thi THPT Quốc gia 2021 thứ 2. Thí sinh làm 2 bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH) thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan và ngoại ngữ.
Trước cửa ải khó khăn đầu đời, khép lại 12 năm đèn sách của đời học sinh, Nhiều học sinh và cả phụ huynh học sinh cũng âu lo, mệt mỏi với việc học và thi trong mùa dịch. Xã hội hiện đại, “nghiệp học” vốn đã gian nan, nay càng thêm chật vật vì COVID-19. Người ta vẫn thường nói rằng nếu ai muốn hiểu lòng cha mẹ thì hãy đến cổng trường những ngày con thi. Chờ đợi, trông ngóng, trò chuyện về đề thi khó dễ, chuyện ăn gì, mặc gì đi thi cho may mắn, an toàn,… Tất cả hình ảnh “đời thường” của các bậc phụ huynh rất dễ dàng bắt gặp trước cổng trường thi.
Tất cả vì sĩ tử
Bất chấp mưa gió, đường xa, Bà Đặng Thị Quý (Xã Nậm Mường – Mộc Châu) cùng cháu đi quãng đường 45km để đến được điểm thi trường THPT Mộc Lỵ - Thị trấn Mộc Châu. Trước cửa ải khó khăn đầu đời, khép lại 12 năm đèn sách của cháu, mỗi phụ huynh như bà lại có cách riêng giúp đỡ song đều chung mục tiêu là trở thành hậu phương vững chắc, hỗ trợ con đạt kết quả tốt nhất. Bà Quý chia sẻ: “Hôm nay tôi thay bố cháu đưa cháu đi thi. Tôi cũng lo lắng, dù không biết gì những đưa cháu lên, đón cháu về để động viên cho cháu, để cho cháu có tinh thần, cố gắng bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời mình. Được đưa cháu đi thi là rất vui rồi".
Giữa thời tiết khi nắng nóng, lúc lại rầm rì đổ mưa của tiết trời vào hạ, là những bậc phụ huynh thấp thỏm, lo lắng, ngồi chờ các con hoàn thành bài thi. Cha mẹ nào cũng muốn các con mình có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào phòng thi. Cô Đỗ Thị Loan (Thị trấn Nông Trường – Mộc Châu) cho biết: “Hàng trang đi thi của con được mình chuẩn bị từ những năm trước nữa. Sự động viên, khuyến khích thậm chí là khiêu khích để cho con phấn đấu và nỗ lực vươn lên. Tất cả cũng chỉ vì con. Cha mẹ nào cũng mong muốn con đạt được những cái con mong muốn, chỉ mong thành quả đạt được xứng đáng với những công sức con bỏ ra. Tâm trạng của người mẹ đưa con đi thi thì ai cũng lo lắng. Đưa con đi và ngồi đợi con để con có động lực thi và hơn hết để con yên tâm và vững tin khi làm bài thi vì có người luôn đợi mình và sẵn sàng chia sẻ với mình mọi thứ. Nếu như con không đạt được những gì con thực sự mong muốn thì mẹ vẫn luôn ở đây và đồng hành cùng con”.
Nỗi lòng của cha mẹ mùa thi
“Các con lo lắng bao nhiêu thì phụ huynh chúng tôi lo gấp bội phần”. Đó là tâm lý chung của những người làm bố, làm mẹ khi con mình bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Giống như cô Loan, tâm lý lo lắng cũng được những “đồng cảnh” khác chi sẻ và thông cảm. “Trước khi thi, cô chú chỉ biết động viên cháu về tinh thần, chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt cho con đi thi. Còn lại sự nỗ lực, tự vươn lên của con là chính. Ngoài ra con có sự quan tâm, giúp đỡ của các thầy cô. Tâm trạng bây giờ của cô chú lúc này chỉ có sự hồi hộp, sau là thấp thỏm, mong chờ sau 12 năm nuôi cháu ăn học thì đến ngày này chỉ biết tự động viên, trấn an mình để các cháu có sự yên tâm, tin tưởng để con có thể hoàn thành tốt nhất bài thi của mình, đạt được những ước mơ, mong muốn của con sau này” - Chú Châu (Yên Châu – Sơn La) vừa cười vừa kể.
Chờ đợi con từ sáng ở ngoài khu vực thi, Cô Lê Hồng Thuý (Tiểu Khu 12 – Thị Trấn Mộc Châu) cũng không nén được cảm xúc của mình: “Các bậc phụ huynh ai cũng có tâm trạng lo lắng khi đưa con đi thi. Cha mẹ mà, ai chả muốn con có được những gì tốt nhất. 12 năm ăn học chỉ chi trong vòng hai ngày, áp lực của các con cũng như gia đình rất lớn. Ngồi chờ con thi mà cô cũng cảm thấy hồi hộp, lo lắng hơn cả sĩ tử trong phòng thi.Trước khi con thi, gia đình cũng chỉ tạo tâm lý thoải mái nhất cho con, chỉ mong con có thể tập trung vào việc ôn tập 3 môn thi chính. Ăn uống, thể dục thể thao, ngủ nghỉ cũng chú trọng để con có một sức khoẻ tốt khi bước vào phòng thi".
Muôn vàn sự lo lắng, nhọc nhằn và cả những yêu thương gom góp cho con hiện lên gương mặt phụ huynh khi họ không ngại chùng chân, đứng mưa trước cổng trường. Quả thật, phải trực tiếp chứng kiến cảnh phụ huynh học sinh đứng trước các điểm thi mới phần nào cảm nhận được nỗi lòng, sự kỳ vọng cùng bao lo toan của các bậc sinh thành đối với con cái mình. Kỳ thi chỉ diễn ra trong vòng 2 ngày nhưng đó là sự chuẩn bị suốt 12 năm của cả phụ huynh và học sinh. Tất cả cũng vì sĩ tử mùa thi.