Hội thảo khoa học: “Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI - Cơ hội và thách thức với báo chí”
(Sóng trẻ) - Sáng ngày 30/9, Viện Báo chí và Truyền thông trực thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học: “Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI - Cơ hội và thách thức với báo chí”. Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia và giảng viên có chuyên môn trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn báo chí.
Tham dự hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia về báo chí và nội dung số: Nhà báo Hoàng Quốc Lê - Phụ trách Công nghệ và chuyển đổi số - Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số - Đài truyền hình Việt Nam; Nhà báo Ngô Trần Thịnh - Trưởng Bộ phận nội dung số - Trung tâm Tin tức - Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh; Nhà báo Nguyễn Văn Thắng - Trưởng Phòng quay phim - ảnh, Trung tâm Truyền thông đa phương tiện, báo Lao động; Chuyên gia Nguyễn Duy Tùng - Chuyên gia nghiên cứu ứng dụng AI trong nội bộ doanh nghiệp (Trung tâm BIM & AI).
Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chủ trì hội thảo khoa học có PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, TS. Đinh Thị Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông. Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham dự của TS. Nguyễn Thúy Hà - Trưởng ban Quản lý khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng các giảng viên, sinh viên thuộc Viện Báo chí - Truyền thông.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đinh Thị Xuân Hòa bày tỏ: “Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những lợi ích mà AI mang lại thì nền báo chí cũng chịu nhiều thách thức khác. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí, các nhà báo và người làm báo cần có sự nhận thức, sự đào tạo và chuẩn bị kỹ lưỡng để sử dụng AI một cách hiệu quả, đồng thời bảo đảm tính chính xác, tin cậy và đạo đức trong sản xuất và truyền tải thông tin".
Hội thảo mong muốn tạo ra một diễn đàn để chúng ta có cơ hội được trao đổi, thảo luận về thực trạng, cơ hội, thách thức đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm sử dụng AI hiệu quả từ các cơ quan báo chí. Hội thảo cũng là cơ hội để chúng ta tìm kiếm những ý tưởng mới, những giải pháp trong việc sử dụng AI, vừa tận dụng được lợi thế của AI mà vẫn giữ vững đạo đức nghề nghiệp và tính trung thực của thông tin.
Tại hội thảo, nhà báo Hoàng Quốc Lê phát biểu tham luận làm rõ bản chất của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống hiện nay và chỉ ra sự cạnh tranh giữa AI và người làm báo. Nhà báo nhấn mạnh: “Trước đây, AI chưa đủ khả năng để cạnh tranh với những người sáng tạo nội dung, nhưng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tạo sinh hiện nay, các nhà báo sẽ đối mặt với sự cạnh tranh trong tương lai”.
Trí tuệ nhân tạo AI được ví như “con dao hai lưỡi”, vừa hỗ trợ hiệu quả cho các nhà báo, giúp họ thoát khỏi những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, song cũng có thể làm hạn chế khả năng sáng tạo của nhà báo. Anh Quốc Lê nhấn mạnh, người làm báo cần biết sử dụng những công cụ AI hiệu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng không nên lạm dụng, quá phụ thuộc vào công nghệ. Nếu nhà báo không tự trau dồi, phát triển bản thân thì chúng ta có thể sẽ dần bị "đào thải”.
Bên cạnh đó, hội thảo còn lắng nghe tham luận của nhà báo Ngô Trần Thịnh với chủ đề: “Chuyện chưa kể Phóng sự viết bởi AI đầu tiên tại Việt Nam”. Nhà báo Nguyễn Văn Thắng - Trưởng phòng quay phim - ảnh, Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện, Báo Lao động chia sẻ về thực tiễn tại tòa soạn. Nhà báo cho biết, Báo Lao động thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ cho phóng viên được học tập, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng về trí tuệ nhân tạo, từ đó áp dụng trực tiếp vào công việc.
Hội thảo khoa học: “Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI - Cơ hội và thách thức với báo chí” đã làm rõ bản chất của trí tuệ nhân tạo và việc ứng dụng nó trong hoạt động báo chí. Đồng thời, nêu bật xu hướng phát triển của AI, cùng những cơ hội và thách thức cho người làm báo trong thời gian tới. Qua đó, đặt ra yêu cầu đối với Viện Báo chí - Truyền thông nói riêng và Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung trong việc nghiên cứu, cập nhật các chuyên đề đào tạo về công nghệ trí tuệ nhân tạo AI nhằm cung cấp nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.