Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng giảng dạy báo chí” trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0
(Sóng trẻ) – Sáng ngày 10/09, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra Hội thảo khoa học chủ đề “Nâng cao chất lượng giảng dạy báo chí” trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Hội thảo là cơ hội để các giảng viên, sinh viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ và đưa ra những phương pháp giảng dạy tốt nhất nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy trong xu thế hội nhập toàn diện hiện nay.
Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang – Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình (PTTH), PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng – Phó trưởng khoa PTTH, TS Đinh Thị Xuân Hòa – Phó trưởng khoa PTTH, ThS Đinh Ngọc Sơn – Phó trưởng khoa PTTH, cùng sự tham gia của đông đảo các giảng viên, sinh viên của khoa PTTH.
Nài ra, buổi Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện đến từ nhiều cơ quan báo chí như: Nhà báo Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng ban Thanh thiếu niên VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam; Nhà báo Lương Xuân Trường - Kênh Truyền hình Nhân Dân; Nhà báo Hoàng Nhật – Phó Tổng biên tập Báo VietNamPlus; Nhà báo Nguyễn Trần Anh Thư – Đài Tiếng nói Việt Nam VOV; Nhà báo Phạm Quý Trọng – Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà báo Tiến Hoàng – Hiệp hội Internet,...
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo khoa PTTH cùng đông đảo các nhà báo, giảng viên, sinh viên
Để đáp ứng được xu thế hội nhập mạnh mẽ, hội thảo chú trọng đến những vấn đề của Báo chí trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, đó là sự phát triển của truyền thông mới, là những sức ép cạnh tranh từ mạng xã hội. Nhận thức đây vừa là cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức đối với những người làm báo Việt Nam, tại hội thảo, các sinh viên, giảng viên cũng trực tiếp được trao đổi, bày tỏ những góp ý, mong muốn của mình trong việc học tập, giảng dạy để được bàn luận và đưa ra những giải pháp giảng dạy chất lượng nhất.
Phát biểu tại buổi hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang đã chia sẻ rất nhiều những việc làm mà khoa PTTH nói riêng cũng như Học viện Báo chí nói chung đã và đang thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Cụ thể như: Đầu tư cập nhật nội dung bài giảng; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật (hệ thống trường quay, studio, các loại máy móc,…); tạo điều kiện tối đa cho giảng viên đi thực tế tại các cơ quan báo chí,... Bên cạnh đó, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra “do số lượng sinh viên quá đông, chính vì vậy việc đầu tư đổi mới cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được tối ưu nhu cầu sử dụng trong việc giảng dạy và thực hành”.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang chia sẻ công tác giảng dạy và những vấn đề đặt ra đối với báo chí trong bối cảnh cách mạng 4.0
Tham dự hội thảo còn có những đại diện của các lớp K39 – là tân sinh viên của khoa PTTH, tại đây, nhiều sinh viên đã cởi mở bày tỏ những suy nghĩ, mong muốn trong quá trình học tập tại Học viện. Bạn Văn Hiền – lớp Báo mạng điện tử K39 chia sẻ: “Em hy vọng ở các môn lý luận sẽ được học theo nhiều phương pháp sáng tạo hơn, được trải nghiệm thực tế, làm việc nhóm nhiều hơn để chúng em có thể nắm bắt tốt nội dung môn học thay vì nghe lý thuyết quá nhiều sẽ rất trừu tượng. Các môn lý luận là nền tảng cho các môn chuyên ngành của bọn em, em mong sẽ được tích lũy kiến thức đúng trọng tâm, để bọn em có thể hoàn thiện môn học tốt nhất”.
Tân sinh viên đến từ lớp Báo mạng điện tử k39 bày tỏ những mong muốn trong quá trình tiếp cận các môn lý luận
Sau khi nghe chia sẻ của bạn, nhiều giảng viên, nhà báo có mặt bày tỏ sự đồng cảm với tâm trạng lo lắng, hồi hộp của những tân sinh viên khi vừa mới thay đổi môi trường học tập. Nhà báo Nguyễn Đức Hòa – Phó trưởng ban Thanh thiếu niên VTV6 - Đài Truyền hình Việt Nam, bày tỏ: “Nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ là công việc của giảng viên mà cần phải nhận thức rõ đó là công việc của chúng ta, sinh viên cần nâng cao tính chủ động của mình, tăng cường tương tác giữa sinh viên và giảng viên”.
Có khoảng 12 ý kiến đến từ các nhà báo, giảng viên, sinh viên được góp ý trực tiếp tại Hội thảo, tập trung vào một số các chủ đề chính như: Các yếu tố tác động đến chất lượng giảng dạy, vấn đề học tập các môn lý luận; Thực trạng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; Nâng cao trình độ tin học, công nghệ; Nhận thức đúng về các vấn đề liên quan đến báo chí trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0,… Bên cạnh việc phản ánh, phân tích thực trạng, các nhà báo, đội ngũ giảng viên cũng đề xuất rất nhiều ý kiến mang tính sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Các nhà báo chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong công tác làm nghề nhằm định hướng chất lượng đào tạo phù hợp nhất với bối cảnh chung
Các bạn sinh viên lắng nghe ý kiến từ các thầy cô giáo và các nhà báo nhằm định hướng phương pháp học tập hiệu quả
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy” được khoa PTTH tổ chức thường niên, đây là dịp quan trọng để cùng nhau giải quyết những vấn đề thực tế trong công tác giáo dục, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của khoa trong những năm tiếp theo.
Phan Cúc
Cùng chuyên mục
Bình luận