Hội thảo tổng kết "Đi và kể - mùa 2" - truyền tải bài học về bảo vệ động vật hoang dã
(Sóng trẻ) - Ngày 28/6, tổ chức bảo tồn động vật và sinh cảnh hoang dã Wildlife Conservation Society (WCS) kết hợp với khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức buổi hội thảo tổng kết chương trình "Đi và kể - mùa 2".
Sự kiện có sự tham gia của bà Hoàng Bích Thủy (Giám đốc quốc gia Tổ chức Wildlife Conservation Society); TS. Đinh Thị Thu Hằng (Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền); nhà báo Hoàng Văn Chiên (đang công tác tại báo Nông thôn ngày nay); BTV Nguyễn Trường Sơn (công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam) và các sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sinh viên trường Đại học Huế.
Buổi hội thảo gồm hai phần: Phần 1, tổng kết từng giai đoạn chính trong chương trình "Đi và kể - mùa 2"; Phần 2, Tham vấn thiết kế hoạt động cho sinh viên báo chí và truyền thông tham gia vào công tác phòng, chống buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD).
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đinh Thu Hằng bày tỏ sự vui vẻ, phấn khởi với những thành quả mà các học viên mùa 2 đã đạt được. Đồng thời, cô tỏ rõ niềm hân hoan và biết ơn khi WCS tổ chức một chương trình để các bạn sinh viên báo chí có thể thỏa sức sáng tạo, sản xuất những sản phẩm báo chí để góp phần bảo vệ ĐVHD.
Tại đây, nhà báo Hoàng Chiên cũng có chia sẻ cảm nghĩ của bản thân. Anh cho biết: "Những sinh viên báo chí hiện tại rất năng động và sáng tạo, các em tiếp cận với các thiết bị điện tử, có kỹ năng thiết kế ảnh và dựng video đẹp. Nhiều vấn đề tôi chỉ gợi ý cho các em những các em đã biết vận dụng và làm một cách tốt hơn tôi nghĩ".
Bạn Nguyễn Huyền Trang - sinh viên trường Đại học Huế cảm thấy dự án "Đi và kể - mùa 2" là một môi trường rèn luyện tuyệt vời. Bạn chia sẻ: "Đây là cơ hội quý báu để em có thể tiếp xúc, làm việc với các nhà báo nổi tiếng về đề tài ĐVHD và có những tác nghiệp thực tế. Điều mà những sinh viên báo chí ở Huế hiện tại có rất ít cơ hội để tham gia. Chính vì thế, thông qua chương trình "Đi và kể", em được mở mang nhiều kiến thức về bảo vệ các loại ĐVHD, quý hiếm, được trải nghiệp làm báo và hơn hết là được giao lưu, học hỏi kết bạn với nhiều người. Mặc dù, ở Huế và kết nối trực tuyến với ban tổ chức chương trình ở Hà Nội nhưng em không hề thấy một khoảng cách nào giữa cả hai, chúng em được hỗ trợ hết sức nhiệt tình."
Tại phần 2 của buổi hội thảo, các nhà báo cùng sinh viên được ra nhiệm vụ thiết kế hoạt động cho những chủ đề liên quan đến bảo vệ ĐVHD. Những chủ đề đưa ra đảm bảo tính gần gũi với mọi lứa tuổi. Trong đó nhấn mạnh: Động vật hoang dã không phải là thú cưng và tập trung thuyết phục thanh thiếu niên giao nộp các loài ĐVHD hay các sản phẩm từ chúng cho cơ quan chức năng có thẩm quyền;...
Tại đây, bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc quốc gia Tổ chức Wildlife Conservation Society – Chương trình Việt Nam (WCS Việt Nam) có lời phát biểu tổng kết, thể hiện niềm biết ơn đối với các học viên, các nhà báo là cố vấn tham gia chương trình. Bà chia sẻ: "Cảm ơn các bạn sinh viên đã tham gia vào chương trình. Bên cạnh đó, tôi còn gửi lời cảm ơn đến những người thầy - chính là các nhà báo tham gia vào chương trình. Tham gia chương trình, ngoài việc các bạn được học tập, tiếp thu những kiến thức về nhận diện loài, kiến thức pháp luận liên quan đến ĐVHD, tập huấn và đi thực địa thì tôi tin chắc rằng các bạn đã có những trải nghiệm quý báu trong quá trình làm nghề. Các bạn học được cách làm việc với cơ quan chức năng thông qua những người thầy cô, là các nhà báo đã có nhiều năm kinh nghiệm, một việc mà chưa hẳn là ngôi trường nào cũng có thể dạy cho các em".
Kết thúc buổi lễ là phần trao quà và giấy chứng nhận cho các nhà báo, giảng viên và các sinh viên tham gia.