Hồi ức không bao giờ quên của một người lính 

(Sóng trẻ) - Những thanh niên trẻ năm ấy với tinh thần yêu nước nồng nàn đã sẵn sàng đứng lên đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong số đó, biết bao người lính đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, nhưng cũng có người may mắn được trở về với quê hương. Hơn 40 năm qua đi, thân xác họ dù đang ở thời bình nhưng trái tim, tâm hồn vẫn luôn nhớ về những năm tháng oanh liệt mà hào hùng trong quá khứ. 

Khi tìm tới căn cấp bốn cũ nằm ở xóm 3, xã Cù Vân, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, từ xa đã thấy một người đàn ông lớn tuổi đang tỉ mỉ pha tách trà nóng, hơi khói tỏa ra nghi ngút, hương trà thơm lan tận ngoài cửa. Đó là hình ảnh của ông Vương Ngọc Lợi, nguyên là lính của tiểu đoàn 6 - Sư 304B. Ông là thương binh đã từng tham gia quân tình nguyện hữu nghị giúp Cách mạng Lào và tham gia chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở chiến trường B. Đôi mắt hiền từ mà nghiêm túc hướng cái nhìn đăm chiêu ra mảnh vườn nhỏ trước nhà. Những nếp nhăn trên khuôn mặt là minh chứng cho dấu vết thời gian hằn in trên khuôn mặt một người đã chinh chiến nhiều năm trong quá khứ. 

kho-kha-n-gian-kho-trong-qua-khu-nay-go-i-go-n-trong-nhu-ng-ta-m-huy-chu-o-ng-tre-n-ngu-c-a-o-ngu-o-i-chie-n-si.jpg
Khó khăn, gian khó trong quá khứ giờ gói gọn trong những tấm huy chương trên ngực áo người chiến sĩ

 

Vợ ông mất cách đây vài năm, hai người con trai sớm lập ra gia đình và chuyển ra ở riêng. Một mình sống trong căn nhà nhỏ, vui nhất là những dịp họp cựu chiến binh, ông cùng mọi người hàn huyên chuyện cũ. Những con người từng sống trong mưa bom bão đạn, chỉ có họ mới hiểu rõ thời lâm nguy của đất nước. Những khoảnh khắc, sự kiện trong quá khứ nay chỉ còn là câu chuyện kỷ niệm qua lời người chiến sĩ. 

46 năm chiến tranh đã đi qua, nhưng những ký ức về một thời bom lửa dường như không hề phai nhạt trong tâm trí của ông Lợi. Giống như những người anh em đồng đội, trong năm tháng tuổi trẻ ấy, ông đã sống một cuộc đời thật đẹp và ý nghĩa, mặc bom rơi, mặc gian khổ. May mắn hơn những chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, ông Lợi có thể sống sót sau bao lần vượt hiểm nguy để rồi ngày hôm nay, tôi mới được gặp người chiến sĩ dũng cảm năm nào và lắng nghe câu chuyện của ông. 

Gác lại chuyện học để làm anh lính cụ Hồ

Nhớ lại khoảng thời gian tháng 8 năm 1969, cựu chiến binh Vương Ngọc Lợi nhập ngũ đúng thời điểm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn chi viện vào miền Nam. Thời điểm đó, anh thanh niên trẻ phải đưa ra quyết định giữa việc nhập học trường Đại học Thủy Lợi hoặc lên đường nhập ngũ đánh giặc. Sau cùng, ông Lợi chọn đi lính cứu nước trong khi các bạn cùng trang lứa đang phấn khởi đi nhập học ở các trường lớn, nhỏ. 

Trong qua 3 tháng huấn luyện tân binh, anh lính trẻ ngày tập xạ kích, đêm đến luyện hành quân mang vác nặng, rèn luyện đủ mọi tình huống trong chiến đấu. Ngày 11/9/1969, anh thanh niên ấy chính thức lên đường đi chiến đấu, trên vai nặng trĩu lương thực, thực phẩm, súng đạn lên tới 45kg nhưng có một thứ nặng hơn tất cả, đó là trách nhiệm của một người lính, một người con Việt Nam. 

sau-nhu-ng-chie-n-ti-ch-li-ch-su-o-ng-vu-o-ng-ngo-c-lo-i-du-o-c-da-ng-va-nha-nu-o-c-trao-ta-ng-nhie-u-hua-n-chu-o-ng-cao-quy.jpg
Sau những chiến tích lịch sử, ông được Đảng nhà Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý

Trong bài hát “Hát mãi khúc quân hành”, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền có viết: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng - Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người, ông Vương Ngọc Lợi đã tự nguyện gác lại bút nghiên đi theo tiếng gọi của non sông, lên đường nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam khốc liệt với nhiệm vụ bộ đội bộ binh. Ông đã từng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Tây Nguyên - giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, góp phần quan trọng tạo đột biến về chiến dịch, chuyển hóa nhanh chóng thành chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam ngày 30/4/1975. 

Dấu ấn về trận đánh khét tiếng “Trâu điên”

Ông Lợi vẫn nhớ như in ngày gia nhập vào trận chiến: "Nhiệm vụ chính của tôi ở chiến trường B là trinh sát bộ binh, đánh điểm; xác định tư tưởng hoặc là chiến đấu tốt còn sống đánh thắng địch, hoặc là hy sinh; bởi vì vào chiến trường là không có ranh giới". Khi được tuyển chọn vào vị trí lính bộ binh, dẫu biết sẽ nhiều hiểm nguy, nhưng với ông, đây là vinh dự và trọng trách cao cả vô cùng. Nhiệm vụ của người lính bộ binh là luồn sâu vào những nơi khó khăn nhất. Ông không thể nào quên ngày đơn vị của ông nhận lệnh xuất kích, tiêu diệt tiểu đoàn “Trâu điên” của quân lực Việt Nam Cộng hòa tại căn cứ phía Bắc đường 9 Nam Lào. 

tuo-i-da-cao-ma-i-to-c-da-ba-c-tra-ng-song-nhu-ng-ky-nie-m-ve-ha-nh-tri-nh-chie-n-da-u-va-n-co-n-nguye-n-ve-n-trong-ky-u-c-cu-u-chie-n-binh-vu-o-ng-ngo-c-lo-i.jpg
Tuổi cao, mái tóc đã bạc nhưng trong ký ức về thời chiến đấu vẫn vẹn nguyên trong ông

Do sức khỏe tuổi già có thể quên đi nhiều thứ nhưng dấu ấn về trận chiến khốc liệt ngày hôm ấy trong tâm trí của cựu chiến binh Vương Ngọc Lợi như chưa từng phai. Rạng sáng một ngày tháng 2/1971, ông Lợi cùng 2 đồng đội nữa đi trinh sát. Sau khi về báo cáo tình hình chỉ huy thì ông được lệnh cùng cả binh đoàn tiến lên bước vào trận đánh, địch tăng cường nhiều máy bay và lính dù nhằm bao vây đơn vị tăng thiết giáp, chúng lượn lờ đảo điên trên bầu trời, chúng sẵn sàng nã đạn vào bất cứ chỗ nào nghi là có bộ đội ẩn nấp. Chiếc xe của ông Vương Ngọc Lợi cùng đồng đội vẫn tiếp tục kiên trì chiến đấu, phá vỡ vòng vây của địch, thừa thế xông lên, binh đoàn tiếp tục thu phục nhiều đỉnh đồi khác của địch.

Nhưng chỉ ngay sau đó mấy ngày, quân lực Việt Nam Cộng hòa huy động toàn bộ lực lượng để giải vây. Trận này lực lượng của ta mỏng nên bộ đội thương vong nhiều, khi ấy, ông Lợi cũng bị thương, phải lui về tuyến sau để điều trị. Trong quá trình chiến đấu, quân ta không chỉ chịu sức ép nặng nề của quân địch mà còn phải đối mặt với cảnh thiếu lương thực, sức khỏe cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng rất nhiều. Vũ khí chiến đấu cũng vô cùng thiếu thốn, nếu có cũng chỉ là vũ khí trang thiết bị thô sơ, còn địch được trang bị toàn vũ khí tối tân hiện đại. Đơn vị đã chiến đấu hết sức mình, nhưng lực lượng ta so với địch quá chênh lệch nên buộc phải rút vào rừng sâu ẩn náu chờ cơ hội xông lên chiến đấu. Tới khi vào rừng, sức đã cạn kiệt nay còn bị cơn đói hành hạ. Có người tiện tay bứt phải lá rừng độc ăn mà chết. Kể tới đây, giọng người lính năm xưa bỗng chốc run lên, ông nhấp nhẹ tách trà để che đi thứ cảm xúc dâng lên trong lòng.

Sau bao nhiêu cố gắng và sự đoàn kết của cả một đại đội trong các trận chiến ác liệt ở chiến trường phía Nam nước Lào, đơn vị của ông Lợi đã lập nhiều chiến công và tiêu diệt được nhiều tiểu đoàn “Trâu điên” của địch, buộc địch phải rút quân vào chiến trường miền Nam Việt Nam.

Nhớ về chiến công lịch sử mà mình cùng các đồng đội đã làm được, ông Lợi xúc động chia sẻ: “Chúng tôi tự hào vì đất nước được giải phóng, nhưng trong những lúc tự hào đó cũng phải chứng kiến không ít những chiến sĩ đã ngã xuống để góp phần vào thành công của một chiến dịch". Trực tiếp tham gia chiến đấu, chứng kiến đại thắng mùa xuân năm 1975, với ông Lợi, niềm hạnh phúc trong những giây phút lịch sử đó ông không bao giờ quên.

ba-ng-khen-gia-y-chu-ng-nha-n-luo-n-du-o-c-o-ng-lo-i-giu-gi-n-ca-n-tha-n.JPG
Bằng khen, giấy chứng nhận luôn được ông giữ gìn cẩn thận

Với những chiến tích, công lao trong suốt cuộc kháng chiến, ông Vương Ngọc Lợi được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương chiến công hạng 3, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 3. Đồng thời ông cũng được Đảng và Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Itxala Lượt 1.

Cuộc trò chuyện với cựu chiến binh Vương Ngọc Lợi kết thúc cũng là lúc tia nắng cuối cùng le lói trên vách tường tắt. Chén trà nguội còn lưu hương nhè nhẹ, ông Lợi chậm rãi đứng dậy chuẩn bị vào bếp thổi cơm. Bước vào căn bếp nhỏ, ông tiếp tục kể về những bữa ăn thời chinh chiến, khi ấy, tôi biết rằng thời gian sẽ không bao giờ làm mờ đi vệt ký ức mạnh mẽ trong lòng người chiến sĩ năm xưa…

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN