Khán giả bức xúc vì chương trình 'Vua tiếng Việt' sai lỗi chính tả khó chấp nhận
(Sóng trẻ) - Nhiều khán giả đánh giá sự cố Ban tổ chức chương trình Vua Tiếng Việt sai chính tả từ “chậm trễ” thành "chậm chễ" là "khó chấp nhận" trong một gameshow nhằm tôn vinh tiếng Việt.
Vừa qua, chương trình Vua tiếng Việt phát sóng trên VTV3 gây tranh cãi khi mắc phải một lỗi sai chính tả cơ bản. Cụ thể trong tập 28, chương trình đặt câu hỏi cho người chơi chọn phương án đúng giữa hai phương án "trậm trễ" hay "chậm chễ". Sau khi người chơi chọn đáp án "chậm chễ", MC Xuân Bắc khẳng định đáp án của người chơi là đúng.
Một số người xem đã chụp màn hình đáp án sai sót này và khiến netizen bàn tán xôn xao vì một lỗi sai chính tả khó tin trong một chương trình vốn nhằm mục đích tôn vinh tiếng Việt. Ông Hoàng Tuấn Công - một nhà nghiên cứu về tiếng Việt đã có những chia sẻ khá bức xúc về lỗi sai cơ bản của chương trình.
"Có thể nói là những người làm VTV đã sai ngay từ câu hỏi. Trong tiếng Việt không có từ nào viết là 'trậm trễ' hay 'chậm chễ', mà chỉ có từ chậm trễ. Chậm trễ là từ ghép đẳng lập, trong đó chậm nghĩa là muộn, trễ (so với yêu cầu hoặc thời hạn quy định), như “đến chậm nên tàu chạy mất rồi”, “đi chậm 30 phút”; Trễ cũng có nghĩa là chậm, muộn. Ví dụ: “trễ hẹn đến cả tiếng đồng hồ”, “tàu lại về trễ rồi”,…Như vậy, nghĩa đẳng lập của “chậm” và “trễ” rất rõ ràng. Thế nhưng VTV lại biến 'trễ' thành 'chễ' một cách rất vô nghĩa", ông giải thích.
Lỗi sai này đã khiến khán giả bàn tán xôn xao. Nhiều người còn cho rằng đây là một sự nhầm lẫn, cẩu thả khó chấp nhận trong một chương trình nhằm mục đích tôn vinh tiếng Việt - ngôn ngữ dân tộc của Việt Nam.
Trước những tranh cãi, một cố vấn của chương trình Vua Tiếng Việt tập 28 thừa nhận lỗi sai đáng tiếc mà người xem truyền hình đã phát hiện. Người này cho biết ban cố vấn đã góp ý để sửa chữa nhưng có lẽ vì một vấn đề kỹ thuật nào đó mà lỗi chính tả vẫn không được khắc phục khi phát sóng.
Đây cũng không phải lần đầu Vua Tiếng Việt gặp phải những tranh cãi. Trước đó với câu hỏi: "Càn rỡ là tính từ hay động từ?". Thành viên ban cố vấn của chương trình đã chia sẻ rằng "càn rỡ" là từ bổ ngữ cho một động từ nào đó rồi lấy ví dụ: hành động càn rỡ, thái độ càn rỡ... Cuối cùng, ban cố vấn khẳng định "càn rỡ" là một "tính từ bổ ngữ cho động từ". Tuy nhiên, người xem lại cảm thấy lấn cấn vì những ví dụ mà chương trình đưa ra.