Kiểm tra, đánh giá trực tuyến: Khó khăn lớn của giáo viên và học sinh
(Sóng trẻ) - Trong thời điểm dịch Covid 19 chưa có dấu hiệu suy giảm, học trực tuyến là giải pháp tốt nhất không chỉ cho giáo viên mà còn cả học sinh. Thế nhưng, vấn đề kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh trực tuyến đã và đang bộc lộ không ít bất cập.
Một số trường trên cả nước đang bước vào giai đoạn kết thúc của học kỳ, thế nhưng rất nhiều trường học ở thời điềm hiện tại vẫn chưa thể đón học sinh quay trở lại vì diễn biến phức tạp của dịch Covid. Chính vì vậy, hình thức kiểm tra và đánh giá chất lượng học sinh, sinh viên qua hình thức trực tuyến đang là biện pháp được các trường đưa ra và thực hiện. Thể nhưng một bộ phận giáo viên, phụ huynh hay cả học sinh cũng không tránh khỏi lo ngại về tính công bằng, trung thực, và chất lượng bài thi của con em mình khi các điều kiện để thực hiện thi trực tuyến chưa được bảo đảm.
Còn nhiều trục trặc
Vừa qua, Sở GD&ĐT Đắk Lắk vừa yêu cầu Trường THPT Chu Văn An (TP Buôn Ma Thuột) hủy bỏ kết quả thi lại lần 2 theo hình thức trực tuyến và tổ chức thi lần 3 cho 32 em.
Trước đó, Trường THPT Chu Văn An tổ chức kiểm tra lại cho những học sinh chưa đủ điều kiện lên lớp vào các ngày 24 và 25/8. Tuy nhiên, có 32 em nằm trong khu vực phong tỏa để phòng, chống Covid-19 nên không thể tham gia. Sau đó, ngày 3/9, nhà trường tổ chức kiểm tra đợt 2 theo hình thức trực tuyến, dành cho những học sinh chưa thể tham gia đợt 1. Điều đáng nói, đề kiểm tra chỉ có 10 câu hỏi, học sinh làm bài trong 15 phút.
Trước đó, trường THPT Chu Văn An đã liên tiếp bị phụ huynh, giáo viên, học sinh phản ánh sai phạm đến sở và UBND tỉnh.
Cô Trần Thị Kim Liên, giáo viên trường THPT tại Nghệ An cho biết: “Khi tổ chức kiểm tra trực tuyến cho học sinh, phần lớn gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân cô khi gửi đề lên phần mềm học trực tuyến cho các em học làm bài cũng gặp nhiều bấn đề. Trong lớp có những em ở những vùng xa xôi, mạng rất là kém, bản thân cô rất khó để theo dõi quá trình làm bài của các em, và cũng gặp khó khăn trong quá trình thu nhận bài làm từ học sinh”.
Trong thời điểm này, rất nhiều trường lựa chọn thi trực truyến để có thể đảm bảo được đúng với tiến trình dạy học như đã đặt ra, thế nhưng có lẽ là do khá mới mẻ, nên một số giáo viên và học sinh còn lúng túng trước vấn đề này.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Đông La (Hà Nội), nếu tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến, để đảm bảo kế hoạch năm học, thì nhà trường sẽ chọn hình thức trắc nghiệm trực tuyến với một số bộ môn ở các bài kiểm tra thường xuyên. Còn một số môn có thể kiểm tra trực tiếp hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo tính chính xác, minh bạch cho kết quả dạy học. Đặc biệt, trong áp dụng hình thức kiểm tra trực tuyến, việc giám sát phải đảm bảo khách quan, công bằng cho học sinh là rất quan trọng. Theo đó, trước hết phải tuyên truyền giáo dục để học sinh có ý thức tự giác, giáo viên xây dựng đề và thời gian làm bài phù hợp.
Những băn khoăn của học sinh, sinh viên
Không chỉ gặp khó khăn trong việc tiếp cận hình thức thi mới lạ, mà một số học sinh, sinh viên còn có những băn khoăn và lo lắng trong việc đảm bảo tính công bằng và chất lượng trong bài thi của mình.
Bạn Nguyễn Thị Hằng, sinh viên trường đại học Kinh doanh và Công nghệ cho biết: “Với mình, thi trực tuyến là biện pháp tốt nhất trong thời điểm hiện này, vì có thể đảm bảo được tiến trình học tập cho mọi người. Nhưng bên cạnh đó, bản thân mình còn gặp không ít khó khăn trong việc thi trực tuyến. Cụ thể là về đường truyền mạng, nhiều lúc gặp sự cố về mạng mà không gửi được bài thi, điều này rất ảnh hưởng đến kết quả bài thi của mình”.
Đường truyền là một tác động không nhỏ đến bài thi của các em. Hiện nay, không phải nơi nào cũng có thể đảm bảo được một đường truyền internet tốt nhất. Một số tình huống bất ngờ sẽ xảy ra trong quá trình chúng ta làm bài thi.
Bạn Nguyễn Thị Nga, sinh viên trường Đại học Lao động xã hội chia sẻ: “Có hôm mình đang làm thi giữa kỳ, thì mình đã bị thoát ra khỏi một cách bất ngờ, mình đã phải liên hệ lại với giáo viên để có thể tham gia lại”.
Hiện nay, một số trường tổ chức thi trực tuyến đều phải yêu cầu thí sinh sử dụng hai thiết bị để có thể ghi hình lại quá trình làm bài của học sinh. Thế nhưng ở một số gia đình học sinh hay sinh viên thì việc phải có hai thiết bị để dám sát lại quá trình làm bài lại không đủ. Điều này rất gây khó khăn đến quá trình theo dõi của giáo viên.
Thế nhưng, khi có hai thiết bị ghi hình trong thực hiện thi trực tuyến không phải lúc nào cũng đảm bảo được tính công bằng. Bằng một cách nào đó, những đáp án đã được truyền tay nhau và gửi đến người cần chúng. Nhiều bộ phận cho rằng, phần lớn điểm thi trực tuyến cao hơn rất nhiều với năng lực của một số học sinh, sinh viên so với quá trình học trực tiếp ở trường trước đó.
Câu hỏi đặt ra: “Vậy làm thể nào có thể đảm bảo được sự công bằng cho bài thi của thí sinh trong quá trình làm bài trực tuyến?” Có lẽ, đây sẽ không là một câu hỏi khó cho bất kỳ giáo viên, phụ huynh hay học sinh nào. Bởi lẽ điều quan trọng nhất trong đáp án của câu hỏi nằm ở tính trung thực, tự giác của mỗi cá nhân.
Có lẽ không chỉ ở hiện tại mà sau này khi dịch Covid 19 vẫn tiếp tục tái diễn, các nhà trường hoàn toàn có thể làm tốt bây giờ, bởi học sinh sẽ phải được rèn tính trung thực, học thật thi thật. Và mỗi nhà trường cũng đều có nội quy, quy định để học sinh phải thực hiện nghiêm túc qui chế thi, kiểm tra.
Không chỉ trực tuyến mà trực tiếp, khi học sinh không trung thực thì cũng vẫn có nhiều cách để gian lận thi cử. Vì vậy việc học trực tuyến và kiểm tra trực tuyến có thể có nhiều khó khăn nhưng nó là điều hoàn toàn phù hợp khi học sinh chưa được đến trường.