Kỹ năng "xanh" mở rộng cơ hội việc làm cho thanh niên Việt Nam

(Sóng trẻ) - Trong bối cảnh chuyển đổi "xanh" đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam, việc nâng cao kỹ năng “xanh” cho thế hệ trẻ trở thành yếu tố quan trọng để nắm bắt cơ hội nghề nghiệp và đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động. 

 

Trao đổi với Sóng Trẻ, bà Nguyễn Ngọc Duyên, Điều phối viên quốc gia về mảng phát triển kỹ năng của ILO sẽ làm rõ về cơ hội việc làm "xanh" tại Việt Nam và những thách thức mà thanh niên đang đối mặt.

Bà Nguyễn Ngọc Duyên - Điều phối viên Phát triển kỹ năng của ILO tại Việt Nam (Ảnh: NVCC)
Bà Nguyễn Ngọc Duyên - Điều phối viên Phát triển kỹ năng của ILO tại Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, bà đánh giá như thế nào về cơ hội việc làm "xanh" tại nước ta? Những ngành nghề nào đang có nhu cầu cao? 

Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững để phù hợp với những cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết như EVFTA, CPTPP. Điều này thúc đẩy doanh nghiệp tạo ra nhiều công việc "xanh" hơn, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi chiếm 41% hoạt động kinh tế "xanh" của nước ta. 

Ngoài ra, cơ hội việc làm "xanh" cũng có rất nhiều trong các lĩnh vực kinh tế truyền thống như ngành nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, du lịch sinh thái. Từ đó, tôi đánh giá Việt Nam cũng như các nước trong khu vực có một tiềm năng phát triển việc làm "xanh" rất lớn. 

 

Nguồn lao động của nước ta đang tạo ra những thuận lợi như thế nào để phát triển việc làm "xanh"?

Đất nước chúng ta vẫn đang ở trong thời kỳ dân số "vàng", có nguồn lao động (từ 15 tuổi trở lên theo Luật lao động) dồi dào với 52,5 triệu lao động và tiếp tục tăng hằng năm. Đây là lợi thế lớn để cung cấp nhân lực cho nền kinh tế xanh đang phát triển. 

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, các công việc "xanh" có tỷ lệ lao động sở hữu kỹ năng trung bình và kỹ năng cao lớn hơn tỷ lệ này ở các công việc không "xanh". Như vậy, có vẻ như việc làm "xanh" yêu cầu trình độ giáo dục cao hơn ở người lao động. Các bạn trẻ Việt Nam nên nắm bắt điều này trong quá trình chuyển đổi xanh. 

Đâu là những rào cản chính mà người trẻ Việt Nam gặp phải khi tìm kiếm việc làm "xanh"?  

Tôi cho rằng rào cản lớn nhất là do tính mới của xu hướng nghề nghiệp này, dẫn đến nhận thức xã hội chưa đầy đủ. Nhiều người hiểu sai rằng việc làm "xanh" chỉ giới hạn trong lĩnh vực môi trường với điều kiện làm việc và mức lương không hấp dẫn. Trong khi thực tế, nó trải rộng từ năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ đến giao thông vận tải xanh, du lịch sinh thái… Và nhiều ngành công nghiệp "nâu" khác cũng có khả năng để "xanh hóa". 

Bên cạnh đó, sự phát triển của việc làm "xanh" còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chính sách của Nhà nước, sự đầu tư của doanh nghiệp và sự sẵn sàng của cơ sở hạ tầng… Chẳng hạn, phát triển năng lượng tái tạo cần nguồn vốn lớn và nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, dù có tiềm năng lớn nhưng hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng 1,7 triệu việc làm "xanh", chiếm 3,6% tổng số việc làm.

Ngoài ra, theo Tổng cục thống kê, hơn 70% lao động Việt Nam chưa qua đào tạo chính thức, trong khi tỷ lệ lao động phi chính thức chiếm đến 65%. Các con số này phản ánh chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế trong đào tạo, chính sách với người lao động. Điều này cũng là khó khăn của nhiều bạn trẻ khi chưa thể đáp ứng các yêu cầu của công việc mà họ mong muốn. 

Một vấn đề khác là sự mất cân bằng giới tính trong lĩnh vực STEM - nền tảng của nhiều công việc "xanh". Theo Ngân hàng Thế giới, nam giới chiếm 80% lao động trong các ngành này. Nguyên nhân chủ yếu là do định kiến xã hội cho rằng phụ nữ không phù hợp với công việc kỹ thuật. Điều này khiến nhiều lao động nữ bỏ lỡ cơ hội tham gia việc làm "xanh".

Nhiều chuyên gia cho rằng kỹ năng “xanh” là chìa khóa quan trọng để giúp lực lượng lao động sẵn sàng thích ứng với xu hướng nghề nghiệp mới. Vậy kỹ năng “xanh” là gì và khác gì so với các loại kỹ năng khác? 

Có rất nhiều tổ chức đã đưa ra định nghĩa về kỹ năng "xanh". Ví dụ như khái niệm của Linkedin định nghĩa đây là những kiến thức, khả năng, giá trị cụ thể, cần thiết để thúc đẩy tính bền vững của môi trường và làm giảm tác động tiêu cực tại nơi làm việc. Tổ chức này chỉ rõ 10 kỹ năng "xanh" mà người lao động hiện nay cần có: 

Còn đối với ILo, chúng tôi nhấn mạnh các công việc, nghề nghiệp trong nền kinh tế "xanh" đòi hỏi 2 nhóm kỹ năng chính. Nhóm thứ nhất là kỹ năng chuyên môn, bao gồm những kiến thức cụ thể cho từng ngành nghề. Nhóm kỹ năng thứ hai là các kỹ năng việc làm cốt lõi hay kỹ năng mềm. Trong nhóm này được chia thành nhiều kỹ năng nhỏ như quản lý rác thải, sống xanh…, kỹ năng về công nghệ thông tin, kỹ năng sẵn sàng học hỏi về phát triển bền vững, kỹ năng quản lý và giám sát. Kỹ năng "xanh" không tồn tại đơn lẻ mà là một bộ kỹ năng kết hợp với nhau.

Để đáp ứng những yêu cầu của công việc “xanh”, người trẻ nên rèn luyện các kỹ năng này như thế nào, thưa chuyên gia?

Các bạn trẻ cần tích cực trang bị cho mình một hành trang kiến thức vững chắc. Bên cạnh việc trau dồi chuyên sâu vào ngành học của mình, các bạn nên chủ động tìm hiểu về các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và các giải pháp phát triển bền vững.

Thế hệ trẻ hiện nay rất năng động. Các bạn có thể học tập qua trải nghiệm, ứng tuyển tham gia vào những chương trình của các tổ chức như Liên hợp quốc hoặc các tổ chức khác mà họ có thể đầu tư để chúng ta sáng tạo, xây dựng những dự án của riêng mình về môi trường, biến đổi khí hậu. Thông qua những dự án thực tế như vậy, các bạn sẽ học hỏi được rất nhiều kiến thức từ các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm hay rèn luyện tốt những kỹ năng mềm, mở rộng mối quan hệ để có thêm nhiều cơ hội việc làm "xanh". 

Đặc biệt, người trẻ nên sớm xác định rõ định hướng nghề nghiệp của mình. Việc xây dựng một kế hoạch phát triển sự nghiệp rõ ràng sẽ giúp các bạn chủ động hơn trong việc lựa chọn các khóa học, kỹ năng cần thiết và các công việc "xanh" phù hợp.

image1.png
Recycle Dalat - một dự án của những người trẻ Đà Lạt nhằm tái chế rác thải nhựa (Ảnh: Internet) 

Giáo dục Việt Nam cần làm gì để nâng cao kỹ năng "xanh" cho người trẻ và đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động?

Hệ thống giáo dục nước ta cần bổ sung nhiều hơn các môn học liên quan đến môi trường, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững vào chương trình đào tạo các cấp phổ thông, các ngành nghề để thế hệ trẻ sớm hình thành nhận thức về kinh tế "xanh". Đồng thời, nhà trường nên tăng cường các chương trình chia sẻ, cuộc thi về lĩnh vực này để tạo điều kiện cho các bạn trẻ phát triển sự sáng tạo trong làm việc nhằm bảo vệ môi trường và các kỹ năng mềm.

Bên cạnh đó, dù chúng ta có nhiều ngành nghề đào tạo chuyên sâu về các công việc liên quan đến môi trường nhưng chưa theo kịp nhu cầu thực tế. Khi ILo làm việc với các đối tác, họ nói rằng hiện nay ở Việt Nam thiếu rất nhiều nhân lực chất lượng cao cho các ngành mới như năng lượng tái tạo. Vì vậy, bản thân các trường đại học và các cơ sở đào tạo nghề nghiệp cần thường xuyên cập nhật thêm những kiến thức mới về những ngành nghề xanh. 

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên cũng cần được trang bị kiến thức về môi trường, việc làm "xanh" để truyền đạt kiến thức hiệu quả cho học sinh, sinh viên. Công tác hướng nghiệp cần được tăng cường để giúp các bạn thay đổi nhận thức, hiểu rõ hơn về các cơ hội việc làm "xanh" là rất lớn. Từ đó, các bạn chủ động xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp.

ILO đang triển khai những hoạt động cụ thể nào để hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực và cung cấp các kỹ năng xanh cho người trẻ?

Đối với việc làm "xanh", kỹ năng "xanh", ILO đã thực hiện nhiều dự án và đưa ra những báo cáo nghiên cứu cũng như các công cụ để hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho thanh niên về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển kỹ năng chuyên môn. 

Các bạn trẻ có thể theo dõi các kênh thông tin của ILO để tiếp cận được những báo cáo về việc làm. Bởi vì khi thanh niên nắm bắt được các xu hướng mới, các bạn sẽ chủ động rèn luyện được các kỹ năng cần thiết để sẵn sàng cho công việc. Ngoài ra, ILO còn phối hợp với cả các tổ chức Liên hợp quốc khác như UNDP tổ chức những hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho thanh niên và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ để các bạn có thể xây dựng những cái kế hoạch hoặc các dự án liên quan đến kỹ năng "xanh".

Trân trọng cảm ơn bà vì những chia sẻ quý báu trên!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN