Lắng nghe những câu chuyện về đồ ăn tại Workshop “FOODTOGRAPHY”
(Sóng trẻ) – Sáng ngày 14/5, workshop đặc biệt về ngành Nhiếp ảnh Ẩm thực - F&B Visual production “FOODTOGRAPHY” diễn ra với những chia sẻ thú vị đến từ các vị diễn giả là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.
Nhận thấy được tầm quan trọng của Nhiếp ảnh Ẩm thực trong thời đại phát triển, khi các thương hiệu đồ ăn có nhu cầu cao hơn trong việc quảng bá sản phẩm của mình, nâng tầm món ăn theo hướng nghệ thuật và sáng tạo, nhóm sinh viên khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức workshop về ngành F&B Visual production mang tên "Foodtography". "Foodtography" mang ý nghĩa tập trung vào 2 mảng đang có xu hướng phát triển trong tương lai của ngành là Food Stylist (Người tạo mẫu Ẩm thực) và Food Photographer (Nhiếp ảnh gia ẩm thực).
Đặc biệt, buổi workshop có sự tham dự và chia sẻ của hai vị diễn giả là chị Phương Bích Phạm – Founder/Food Stylist tại Foodtalk Creator và anh Vũ Hà – Photographer/Founder tại MCC Production. Đây là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Nhiếp ảnh Ẩm thực tại Hà Nội, đã có hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhiếp ảnh ẩm thực thương mại và chụp ảnh sản phẩm.
Mở đầu buổi workshop, Trưởng ban tổ chức – chị Ngô Thu Hường chia sẻ: “Chúng mình hy vọng buổi workshop ngày hôm nay sẽ mang đến cho các bạn cái nhìn mới mẻ nhất về ngành F&B cũng như tiềm năng phát triển của nghề nghiệp này trong tương lai”. Chị cũng cho biết thêm, buổi workshop này sẽ không chỉ dừng lại ở một sự kiện do sinh viên tổ chức, mà nó còn đem lại cho mọi người nhiều những giá trị và cái nhìn xa hơn, bao quát hơn về ngành Nhiếp ảnh Ẩm thực.
Chủ đề chính của buổi workshop là F&B Visual production – sản xuất hình ảnh ẩm thực phục vụ cho nhu cầu quảng cáo thương hiệu. Chính vì vậy, sự cân bằng giữa nghệ thuật và kinh doanh, đáp ứng yêu cầu truyền thông marketing giúp quảng bá sản phẩm luôn là mối quan tâm lớn đối với người làm trong ngành Nhiếp ảnh Ẩm thực hiện nay.
Anh Vũ Hà cho hay, để làm nghệ thuật một cách truyền thống, trong sáng nhất, nhiếp ảnh gia cần không suy nghĩ quá nhiều về mặt tài chính. Niềm đam mê nghệ thuật nằm ở bên trong và công việc của mỗi photographer là mang nó ra ngoài và đặt vào trong từng sản phẩm.
Các diễn giả cũng chia sẻ thêm về cách để bản thân luôn giữ được ngọn lửa đam mê với nghệ thuật chính là sau một thời gian làm hợp tác cùng các đối tác, họ quay về thực hiện những dự án cá nhân để tìm nguồn cảm hứng sáng tạo mới.
Hành trình trở thành một Food Stylist mỗi người sẽ có những câu chuyện khác nhau, riêng với chị Phương Bích Phạm, chị chia sẻ rằng niềm yêu thích công việc Nhiếp ảnh Ẩm thực bắt đầu bằng sự yêu thích đồ ăn. Từ yêu thích trở thành đam mê, chị đi sâu vào việc quan sát, tìm hiểu và bắt đầu lắng nghe và khai thác những câu chuyện về chúng. Cũng từ đó, chị biết đến ngành F&B và cùng các Food Photographer tạo nên các bức ảnh kể lại câu chuyện đằng sau đồ ăn.
Để có được một sản phẩm Nhiếp ảnh Ẩm thực thành công cần trải qua rất nhiều khâu chuẩn bị và sự kết nối giữa nhân sự ở các vị trí khác nhau. Diễn giả Vũ Hà chia sẻ: “Người đồng hành của một food photographer chính là Food Stylist, và đó cũng chính là hai vị trí quan trọng nhất khi nhắc đến Nhiếp ảnh Ẩm thực”.
Cả hai vị diễn giả đều là những người có xuất phát điểm sớm từ khi nghề F&B chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, F&B vẫn chưa được đào tạo cụ thể bởi bất cứ trường lớp nào, và mọi lý thuyết được tiếp cận đều đến từ internet và những người có kinh nghiệm đi trước. Theo anh Vũ Hà, đối với các bạn mới tiếp cận với ngành này, tất cả những gì cần làm là học hỏi một cách chủ động từ các nguồn khác nhau, từ trong nước đến quốc tế, có thể qua các trang mạng xã hội như Pinterest, Instagram, tạp chí ẩm thực,...
Trả lời cho câu hỏi của khán giả trong phần Q&A về việc làm thế nào để sản xuất một sản phẩm không bị trùng lặp concept, diễn giả Vũ Hà chia sẻ: “Bản thân mỗi photographer đều có một phong cách cá nhân riêng. Việc tìm kiếm ý tưởng để tránh đạo concept trước hết thông qua việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm trong nghề, làm giàu trí tưởng tượng của bản thân để nói lên tiếng nói cá nhân qua mỗi sản phẩm”.
Trước khi kết thúc buổi workshop, hai vị diễn giả đã trực tiếp thực hiện một buổi chụp hình Editorial với phong cách tối giản, giúp người tham dự có cái nhìn chân thực và gần gũi hơn về công việc Nhiếp ảnh Ẩm thực cũng như sự phối hợp giữa một Food Stylist và Food photographer trong buổi chụp hình với đồ ăn.
Bạn Bạch Thùy Chi, sinh viên lớp Truyền thông Marketing chia sẻ sau khi được trải nghiệm quy trình sản xuất ra một sản phẩm của Food Stylist và Food photography: “Mình cảm thấy phần thực hành trực tiếp của hai vị diễn giả hôm nay rất thú vị, nó giúp mình nhận thấy những lỗi sai của bản thân khi chụp ảnh sản phẩm và học hỏi được rất điều mới từ anh chị là những người dày dặn kinh nghiệm”.