Làng rèn Đa Sỹ - giữ mãi ngọn lửa nghề truyền thống
(Sóng trẻ) - Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km về phía Tây, ngôi làng Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) nổi tiếng với nghề rèn dao kéo lâu đời. Chẳng ai còn nhớ chính xác công việc này có từ bao giờ, chỉ biết từ khi sinh ra, rồi lớn lên đã được ông bà, bố mẹ truyền nghề cho.
“Thức khuya, dậy sớm” để giữ lửa nghề
5h sáng, tiếng búa đe, máy mài,... cứ liên tục vang lên inh ỏi khắp các con ngõ nhỏ trong làng. Nó dường như đã trở thành đặc trưng ở nơi đây.
Ghé vào nhà cô Hoa khi trời vẫn còn nhá nhem trong tiết trời mùa đông lạnh, chúng tôi thấy bếp lửa đã cháy đỏ rực cả một góc sân, ngay sau đó là những tiếng búa gối nhau đập lên xuống liên hồi, nhịp nhàng bởi bàn tay của cô Hoa và con trai. Không chỉ riêng gia đình cô Hoa, nhiều gia đình khác trong làng cũng bắt đầu công việc sớm như vậy. Chẳng ai trong làng phàn nàn, kêu ca hay cảm thấy khó chịu vì mất giấc ngủ lúc sáng sớm. Có lẽ, điều này cũng đã quá quen thuộc trong cuộc sống của họ.
Bếp lửa được nhóm từ sáng sớm
Công việc làm dao có nhiều công đoạn, đòi hỏi phải có sự tỉ mẩn và khéo léo mới có thể làm được. Những miếng sắt sau khi cắt ra, được anh Tuấn, con trai cô Hoa dùng kìm kẹp, gắp từng miếng vùi vào bếp lửa đang cháy đỏ rực, sau đó đặt lên đe rồi vung búa cả đập mạnh xuống. Búa cả đập đến đâu, cô Hoa lại vung búa đập vào đó nhịp nhàng. Khi màu lửa đỏ rực trên thanh sắt nguội bớt cũng là lúc miếng sắt phôi đã được định hình theo nhịp búa. Công đoạn rèn cần phải nhanh và có sức mạnh, bởi vậy mà công việc này thường do đàn ông hoặc những người có kinh nghiệm phụ trách.
“Búa cả đập đến đâu, cô Hoa lại vung búa đập vào đó nhịp nhàng”
Cô Hoa kể, trong làng bây giờ chỉ còn một số gia đình thực hiện việc rèn truyền thống, bởi máy móc bây giờ đã tác động khá nhiều giúp năng suất cao hơn nên nhiều gia đình bỏ qua công đoạn rèn mà thường mua lưỡi dao đã được rút sẵn bằng máy rồi về mài lại. Tuy nhiên, việc rèn dao truyền thống vẫn được gia đình cô duy trì vì những chiếc dao do chính thợ rèn ra luôn sắc và bền hơn, bởi vậy mà nó cũng luôn đắt hàng hơn.
Công việc rèn dao được cô Hoa làm từ những năm cô mới nài 20 tuổi, đến nay cũng được hơn 30 năm. Và anh Tuấn - con trai cô mới nài 30 tuổi nhưng đã tiếp nối nghề rèn của gia đình từ sau khi học xong phổ thông.
Theo lời cô Hoa, chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng chú Cường, cô Thúy – một gia đình cũng có truyền thống làm dao kéo thủ công hoàn toàn. Công việc rèn được cô chú thực hiện vào 5h sáng mỗi ngày. Khi chúng tôi đến, chú Cường đã rèn xong và đang thực hiện công đoạn uốn tay cầm cho dao. Bàn tay khéo léo, nhịp nhàng của chú hết vùi sắt vào bếp lửa lại lấy ra, gõ gõ, uốn uốn sao cho đều và đẹp. Chú Cường luôn tự hào là người chủ lò lâu năm có kinh nghiệm, vợ chú cũng phụ việc làm dao với chú lâu năm nhưng những công đoạn khó chỉ chú mới có thể làm được. Mỗi ngày, cô chú thường dậy từ 4h sáng để chuẩn bị cho công việc và kết thúc vào 5h chiều cùng ngày. Công việc khó khăn, vất vả, nhiều lúc còn bị lửa bắn bỏng tay thành sẹo, thế nhưng cô chú vẫn gắn bó với nó suốt mấy chục năm nay.
Những chiếc dao đang trong quá trình hoàn thiện
Cô Thúy lạc quan chia sẻ: “Đây là công việc lâu đời, là thu nhập chính của cả gia đình nên khó mà bỏ được. Công việc nào cũng có cái khó khăn, so với việc làm thuê hay làm nông nghiệp thì cô chú vẫn sung sướng hơn vì được tự làm chủ mà không phải đội nắng mưa, chỉ có điều phải hít khói than độc hại suốt ngày”. Ngay đối diện nhà chú Cường, tiếng búa máy bắt đầu vang lên, khi chúng tôi hỏi về việc tại sao gia đình chú không áp dụng máy móc vào sản xuất để tăng năng suất và tiết kiệm sức lao động như thế, chú Cường nói: “Gia đình chú làm ít nhưng chất lượng, chủ yếu lấy thương hiệu chứ bây giờ nhà nào cũng làm máy thì sao còn gọi là làng nghề truyền thống được nữa”.
Phát huy danh tiếng “Làng nghề truyền thống”
Làng Đa Sỹ hiện giờ còn khoảng trên dưới 700 hộ làm nghề rèn. Nài công đoạn rèn khó nhất dành cho những người có kinh nghiệm thì những khâu còn lại như cắt thép, xạc, khoan tán cán dao, mài, đánh bóng, bôi dầu,... phụ nữ hoặc con cái đều có thể phụ làm được.
Cô Lan vui vẻ khoe một ngày đẽo được 300 chiếc cán dao
Anh Hoàng Xuân Trường mới chỉ 35 tuổi nhưng đã có 20 năm làm nghề rèn
Với sự phát triển của máy móc như hiện nay, người dân làng Đa Sỹ đã tiết kiệm được khá nhiều sức lao động trong sản xuất. Tuy nhiên phần lớn vẫn phải nhờ đến bàn tay của người làm nghề nơi đây mới có thể cho ra được thành phẩm mang thương hiệu dao kéo làng Đa Sỹ. Trung bình mỗi ngày, mỗi hộ sản xuất được 80 – 100 con dao, mang lại thu nhập ổn định 7 – 10 triệu đồng mỗi tháng, với những hộ sản xuất có búa máy thì năng suất cao hơn và thu nhập thường trên 15 triệu đồng. Số lượng dao kéo trong làng chủ yếu được thu mua và vận chuyển vào miền Nam để buôn bán, hoặc xuất khẩu sang một số nước như Lào, Campuchia,...
Những chiếc dao thành phẩm được đóng gói, dán tem mác cẩn thận
Là một làng nghề truyền thống của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Đa Sỹ vẫn luôn tồn tại và đang phát triển dù trải qua biết bao thăng trầm. Quá trình đô thị hóa đã khiến làng Đa Sỹ thay đổi và phát triển, những ngôi nhà khang trang được xây dựng ngày càng nhiều mà thu nhập chủ yếu lại từ chính công việc rèn dao kéo.
Làng rèn Đa Sỹ đang ngày càng phát triển, dao kéo sản xuất tại làng không chỉ mang đi buôn bán khắp mọi nơi mà còn được bày bán cho những khách du lịch tới thăm làng
Có thể thấy, nghề rèn đã và đang mang lại nguồn sống ổn định cho người dân nơi đây. Thế nhưng, đứng trước sự cạnh tranh thị trường dao kéo từ nhiều nơi khác nhau, Đa Sỹ đang có vẻ yếu thế hơn bởi mẫu mã không được đẹp và phong phú, sử dụng lâu lại bị hoen gỉ do chất liệu dao được làm từ sắt. Tuy nhiên hy vọng rằng, với chất lượng dao kéo như hiện nay, cùng với sự tâm huyết của những người thợ rèn, Đa Sỹ vẫn sẽ giữ vững và phát huy được phong độ của một làng nghề truyền thống mà cha ông đi trước đã tạo dựng, những bếp than vẫn sẽ rực cháy đỏ lửa và tiếng búa, tiếng đe vẫn mãi rộn ràng nơi nại thành Hà Nội.
Bài & Ảnh: Thu Phượng – Thùy Trang
Cùng chuyên mục
Bình luận