Lạng Sơn: Vất vả nghề buôn hồi khô
(Sóng Trẻ) - Văn Quan là một huyện miền núi nằm ở phía tây tỉnh Lạng Sơn, nằm trên trục đường quốc lộ 1B từ Lạng Sơn đi Thái Nguyên. Tại đây có tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng với những rừng hồi bạt ngàn.
Lạng Sơn hiện nay là nơi có diện tích và sản lượng hồi lớn nhất nhì cả nước. Tính đến nay tổng diện tích hồi tại tỉnh đạt khoảng 35 nghìn ha, phân bố hầu hết ở các huyện, nhưng tập trung chủ yếu nhiều nhất tại các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Cao Lộc… Trong đó riêng hai huyện Văn Quan và Bình Gia chiếm tới 56% diện tích cây hồi toàn tỉnh.
Hồi tươi mới được người dân hái từ trên cây xuống.
Với lợi thế địa phương nhiều rừng hồi nên đã có rất nhiều các hộ gia đình tiến hành thu mua và đem phơi nhằm thu lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, để có thể phơi được 1kg hồi khô người phơi hồi phải trải qua không ít giai đoạn cực nhọc.
Sau khi thu mua về, hồi sẽ được đưa lên những chiếc lò sấy thủ công được dựng lên đơn sơ bằng cách xếp những viên gạch tạm bợ và dùng ni-lông quây kín lại để giữ nhiệt.
Một chiếc lò thủ công dùng để sấy hồi trực tiếp bằng củi.
Để có được một mẻ hồi sấy thật đẹp và đều màu, cần phải đảm bảo nhóm củi đều tay và ủ trong khoảng thời gian thích hợp. Bác Hà Thị Đào thôn Cốc Phường, xã Chu Túc, huyện Văn Quan chia sẻ: “Để ra được một mẻ hồi đẹp, vợ chồng tôi bác phải thức đêm để canh lò, có những hôm thức đến 1,2h sáng. Sáng lại phải tranh thủ dậy sớm để mang hồi ra bãi phơi cho kịp trời nắng. Vất vả lắm.”
Một trong những bãi phơi nhà bác Đào, hai vợ chồng phải dậy từ sớm để cào hồi ra phơi.
Cô Hoàng Thị Mai (xã Văn An, huyện Văn Quan) thở dài: “Năm nay hồi được mùa, nhà tôi thu mua được gần chục tấn, nhưng vì không có bãi rộng gần nhà, phải vận chuyển đi xa cách 3km nhờ bãi nhà người quen. Mỗi ngày dùng xe máy để vận chuyển đi đi về về cũng phải mấy chục chuyến. Còn chưa kể những hôm thời tiết bất ổn phải ra đó canh cả ngày. Dính mưa là lại phải mang về lò để sấy lại từ đầu.”
Bãi phơi nhà cô Mai khi gặp trời mưa chỉ kịp gập vội tấm bạt vào che mưa cho hồi,
đất vườn trở nên lầy lội rất khó để di chuyển.
Mùa này hồi bắt đầu được thu mua từ tháng 7 (âm lịch), thường họ thu mua với khối lượng rất lớn, từ 5 – 6 tấn trở lên. Và để phơi được khối lượng hồi lớn sau khi đã mua về thì phải mất rất nhiều thời gian, thường kéo dài trong vài tháng. Hồi tươi lúc mua vào có giá 11.000 đồng/kg, sau khi phơi khô có giá khoảng 49.000 – 50.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ hồi khô chủ yếu là Trung Quốc.
Khối lượng hồi mỗi lần mang tiêu thụ rất nhiều nên cần phải thuê cả nhân công phụ bốc vác,
chất đầy trên những chiếc xe tải lớn.
Mặc dù vất vả nhưng nhờ vào việc bỏ vốn mua hồi về phơi đã có rất nhiều hộ gia đình đi lên, phát triển kinh tế rất tốt, phục vụ cho đời sống được ổn định hơn. Tuy vậy, giá cả phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hết sức bấp bênh, phơi hồi đã vất vả, người dân còn phải đối đầu với không ít nỗi lo về giá cả.
Hà Chuyên
Cùng chuyên mục
Bình luận