Lễ giới thiệu Chương trình hợp tác sản xuất “Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số”

(Sóng trẻ) - Sáng 5/9, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ giới thiệu Chương trình hợp tác sản xuất “Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số”.

Chương trình hợp tác sản xuất “Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số” nằm trong khuôn khổ Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 do Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp tổ chức.

Lễ giới thiệu có sự góp mặt của các đại diện ban tổ chức cuộc thi gồm: PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng”; nhà báo Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Chương trình; bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cùng các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Kinh tế & Đô thị.

Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền có sự tham dự của PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, TS. Đinh Thị Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông cùng giảng viên, sinh viên trong Học viện. 

thiet-ke-chua-co-ten-1.png
Toàn cảnh Lễ giới thiệu Chương trình hợp tác sản xuất “Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số”. (Ảnh: Hà Linh)

Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn tôn vinh những doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức thực hiện bảo trợ xã hội cho những lao động nữ không có hợp đồng chính thức. Đồng thời, tìm kiếm và tôn vinh các sáng kiến của cộng đồng, doanh nghiệp về đảm bảo việc làm thỏa đáng cho người lao động nữ. 

Phát biểu tại Lễ giới thiệu chương trình, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ: “Cuộc thi đề cập đến quyền của các nữ công nhân lao động, người khuyết tật, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, nhắm tới đối tượng yếu thế trong xã hội với mong muốn cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của họ. Ngoài ra, Ban Tổ chức tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện dành cho sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau khi hoàn thành lớp tập huấn vào tháng 4 vừa qua, với những kiến thức và kỹ năng đã được trang bị, Ban Tổ chức kỳ vọng sinh viên Học viện sẽ tích cực tham gia sản xuất các tác phẩm Podcast với chủ đề 'Tác phẩm truyền thông số góp phần nâng cao khả năng tiếp cận an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế số'".

thiet-ke-chua-co-ten-2.png
PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nhấn mạnh Ban tổ chức đã phát triển cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” thành Chương trình truyền thông cùng tên, hứa hẹn những hoạt động gợi mở và đột phá. (Ảnh: Hà Linh)

Tại buổi lễ, PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, nhóm lao động nữ, người lao động khuyết tật là những đối tượng cần nhiều sự quan tâm của xã hội, các doanh nghiệp và cơ quan báo chí, truyền thông. Thông qua các tác phẩm báo chí, truyền thông, đời sống của người lao động sẽ được phản ánh nhanh chóng, kịp thời; đây là cơ sở để cơ quan chức năng có những chính sách phù hợp hơn.

thiet-ke-chua-co-ten-3.png
PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Hà Linh)

Cuộc thi là sân chơi giúp sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền rèn luyện sự tự tin, tăng kỹ năng lựa chọn đề tài và triển khai các vấn đề bằng hình thức sản xuất các tác phẩm Podcast - một thể loại báo chí hiện đại đang được công chúng quan tâm hiện nay. Thông qua các sản phẩm chất lượng, thông điệp của Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 sẽ được lan tỏa nhằm hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.

thiet-ke-chua-co-ten-4.png
TS. Đinh Thị Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông công bố thể lệ chương trình. (Ảnh: Hà Linh)

TS. Đinh Thị Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông công bố các tiêu chí bình chọn. Theo đó, "Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số" là các tác phẩm Podcast (1 kỳ hoặc nhiều kỳ, nhưng không quá 5 kỳ/loạt bài). Các tác phẩm được thực hiện dưới dạng phóng sự, phản ánh, ghi chép, bút ký, ký sự, chân dung nhân vật (gửi kèm bản text),… Các tác phẩm đã được đăng tải trên các diễn đàn, trang thông tin cá nhân (chứng minh được thời gian đăng tải) từ ngày 15/8 đến ngày 15/10. Không hạn chế số lượng tác phẩm của mỗi tác giả/nhóm tác giả. Đối tượng tham gia là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền; không phân biệt dân tộc, tôn giáo. 

Bên cạnh đó, các tác phẩm Podcast với chủ đề "Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số" sau khi tham gia chương trình bình chọn có thể tiếp tục được gửi tham dự Cuộc thi viết "Những cống hiến thầm lặng" năm 2024 dành cho đối tượng không chuyên.

thiet-ke-chua-co-ten-5.png
Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia trao đổi trong lễ giới thiệu. (Ảnh: Hà Linh)

Trước đề xuất tổ chức thêm lớp tập huấn xây dựng tác phẩm Podcast, Nhà báo Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam cho biết: “Ý tưởng tổ chức khóa tập huấn sản xuất Podcast cho sinh viên là sáng kiến của Báo Kinh tế & Đô thị. Chúng tôi cho rằng đây là một hoạt động thiết thực, giúp sinh viên áp dụng kiến thức đã học vào thực tế và sản xuất các sản phẩm báo chí số”.

Đối với các tác phẩm xuất sắc đoạt giải sẽ được sử dụng để phục vụ những hoạt động truyền thông của Ban tổ chức và báo Kinh tế & Đô thị. Đồng thời, các tác phẩm sẽ được Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam sử dụng trong mục đích trích dẫn số liệu, thông tin. Đặc biệt, cuộc thi yêu cầu các tác giả không được sao chép tài liệu của người khác, trừ trường hợp tác giả sử dụng với mục đích trích dẫn để minh hoạ nội dung và phải có chú thích đi kèm. 

Theo Ban tổ chức, chương trình về an sinh xã hội sẽ sớm được đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận và tham gia. Nội dung sẽ tập trung vào tuyên truyền pháp luật về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội cho lao động nữ, đồng bào dân tộc thiểu số cùng các góp ý về sửa đổi Luật bảo hiểm và chính sách đãi ngộ dành cho lao động nữ.

Cuộc thi gồm có 2 vòng thi:

- Vòng 1: Vòng thi tự do dành cho tất cả các thí sinh. Ban Tổ chức sẽ chọn ra những tác phẩm có chất lượng nhất để chấm vòng 2.

- Vòng 2: Ban Tổ chức chọn ra 7/12 tác phẩm xuất sắc, để tặng thưởng từ cao xuống thấp. Các tác phẩm được lọt vào vòng 2 sẽ được Ban Tổ chức chọn ra bài đạt điểm cao để đăng tải trên website và tài khoản mạng xã hội của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội tại Việt Nam và Báo Kinh tế & Đô thị.

Cơ cấu và giá trị tặng thưởng “Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số” như sau: 
- Tác phẩm xuất sắc Nhất (1 tác phẩm): 10 triệu đồng/tác phẩm;
- Tác phẩm xuất sắc Nhì (1 tác phẩm): 7 triệu đồng/tác phẩm;
- Tác phẩm xuất sắc Ba (2 tác phẩm): 4 triệu đồng/tác phẩm;
- Tác phẩm triển vọng (3 tác phẩm): 2 triệu đồng/tác phẩm.

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN