Liệu có phải các câu lạc bộ trong trường đại học chỉ “lòe” được sinh viên năm nhất?
(Sóng trẻ) - Câu chuyện nên hay không nên tham gia các câu lạc bộ (CLB) trong trường đại học luôn là đề tài muôn thuở của sinh viên. Có ý kiến cho rằng, nếu không góp mặt trong một CLB nào sẽ là phí hoài tuổi trẻ nhưng cũng không ít người bày tỏ sự băn khoan về hiệu quả thực sự của những hội nhóm này. Để làm rõ hơn về vấn đề, PV Sóng trẻ đã có cuộc trò chuyện với bạn Nguyễn Thị Thu Hoài, sinh viên năm 3 khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thu Hoài là một trong những sinh viên tham gia rất nhiều CLB và để lại dấu ấn trong các hoạt động đoàn, hội.
PV: Chào Thu Hoài, trước tiên xin cảm ơn bạn đã đồng ý tham gia cuộc phỏng vấn này. Theo mình được biết, bạn đã có hơn 3 năm tham gia vào các CLB trong trường đại học. Vậy theo bạn, lý do gì khiến các CLB tại các trường đại học lại có được sức hút lớn với sinh viên đến vậy?
Thu Hoài: Theo ý kiến cá nhân của mình, chủ yếu là do môi trường mới khiến các bạn hứng thú và một phần mình thấy truyền thông của các CLB khá sôi nổi để thu hút các bạn tân sinh viên. Ví dụ, ngay khi vừa vào trường thì các bạn tân sinh viên đã được “chiêu đãi” bởi những sự kiện chào tân sinh viên rất hoành tráng và sôi động. Sau đó, các bạn sẽ được biết thêm nhiều anh chị sinh viên đi trước rất tài năng và cá tinh. Mong muốn được giống các anh chị ấy sẽ thôi thúc bạn gia nhập các CLB để học hỏi và rèn luyện.
PV: Thời gian gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các CLB trong các trường đại học, đã có rất nhiều những CLB nâng cao tiêu chí tuyển đầu vào của mình. Điều đó khiến cho nhiều người nghĩ rằng "thi vào các CLB còn khó hơn thi đại học". Với quan điểm này, bạn có ý kiến như thế nào?
Thu Hoài: Mình thấy hoàn toàn sai. Thường thì các CLB đội nhóm có số lượng thành viên khá ít, trong khi số lượng sinh viên muốn thi vào đông, đương nhiên là tỉ lệ chọi sẽ gắt gao. Ví dụ, thường thì mức thành viên mỗi CLB sẽ dao động khoảng trên dưới 100 thành viên. Vậy nên nếu có 200 người ứng tuyển, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng và dễ thở hơn. Nhưng khi có tới 400 người ứng tuyển, CLB đó sẽ phải nâng cao tiêu chí tuyển của mình lên. Đó là điều hoàn bình thường!
Thu Hoài (bên trái) là thành viên của rất nhiều CLB khác nhau trong trường
PV: Với vai trò là một người đã tham gia rất nhiều các CLB trong trường đại học, cũng như đã từng trải qua nhiều cuộc tuyển thành viên ở cả vị trí ứng tuyển cũng như giám khảo thì bạn có nghĩ việc tuyển thành viên của các CLB hiện nay đang ngày càng biến tướng và đôi khi còn là chiêu trò để các CLB tự đánh bóng tên tuổi của mình?
Thu Hoài: Theo mình thấy dùng từ chiêu trò thì hơi quá, nhưng không thể phủ nhận là các CLB đều muốn thể hiện mình chuyên nghiệp để thu hút thành viên. Thường khi vào đầu năm học, các CLB sẽ đồng loạt tuyển thành viên và sự cạnh tranh thí sinh giữa các CLB cũng trở nên “gay cấn” nên muốn thu hút nhiều thí sinh, họ buộc phải khiến CLB mình trở nên “bóng bẩy”. Cho nên, mình cho rằng đó chỉ đơn giản là một thủ thuật truyền thông của CLB thôi chứ không đến mức là một chiêu trò đánh bóng tên tuổi gì đó.
PV: Theo mình tìm hiểu thì đa số các cuộc thi tuyển vào các CLB chủ yếu là do các sinh viên đi trước làm giám khảo. Vậy bạn có cho rằng chỉ với 1-2 năm kinh nghiệm đi trước thì các bạn sinh viên này đã hoàn toàn có thể có đủ khả năng để đánh giá những người em hoặc những người bạn khác của mình?
Thu Hoài: Với quy mô các CLB đội nhóm trong trường, hoạt động phạm vi nhỏ thì mình thấy việc ban giám khải là các bạn sinh viên khoá trước hoàn toàn hợp lí. Với 1-2 năm kinh nghiệm, tuy không quá nhiều nhưng hoàn toàn đủ để có thể xem xét tính phù hợp, khả năng chuyên môn của các bạn mới thi tuyển. Hơn nữa mình nghĩ rằng, các bạn nộp đơn ứng tuyển hầu hết là vì mong muốn được học hỏi các anh chị đi trước. Vì vậy, việc chính những người sẽ dẫn dắt mình sau này tham gia vào quá trình tuyển chọn thì không có gì là bất hợp lí cả nếu không muốn nói là hoàn toàn bình thường.
Thu Hoài (nài cùng bên phải) tham gia làm giám khảo cho các buổi tuyển thành viên
PV: Đã có rất nhiều bạn sinh viên sau khi trượt các CLB sinh ra tâm lý rằng bản thân là người rất kém cỏi. Bạn có nghĩ rằng việc muốn tham gia vào các CLB lại trở thành một con dao hai lưỡi và làm tổn thương đến chính những người đi ứng tuyển không?
Thu Hoài: Về chuyện này quả thực mình cũng nghĩ đó là một con dao 2 lưỡi. Mình đã từng thi trượt một CLB mà mình rất thích và điều đó ảnh hưởng đến tâm lí của mình rất nhiều. Khi đó, nhìn mọi người đỗ và sinh hoạt CLB, mình cảm thấy bản thân kém cỏi và thậm đã từng stress một khoảng thời gian. Cho nên mình hoàn toàn có thể hiểu được những bạn không đỗ vào các CLB mà mình thích sẽ có cảm giác buồn và tủi thân đến thế nào.
PV: Có một điều mà hầu hết chúng ta đều có thể nhận thấy đó là, khi các CLB tuyển thành viên thì chỉ thu hút được sự chú ý của các bạn tân sinh viên, còn với các bạn sinh viên năm 3, năm 4 hầu như không có tác động lớn. Lý do tại sao lại như vậy?
Thu Hoài: Mình từng nghe ai đó nói rằng “CLB chỉ lòe mấy đứa sinh viên năm nhất!” (cười). Khi bạn là sinh viên năm 3, năm 4 công việc học tập nhiều, bạn sẽ không đủ thời gian để có thể tích cực tham gia các CLB đội nhóm như sinh viên năm nhất. Hơn thế, khi đã là sinh viên năm 3-4, bạn đã biết về các CLB và tính chất hoạt động rồi, khi đó bạn sẽ quan tâm đến những thứ phù hợp với mình, thay vì CLB nào cũng tham gia như sinh viên năm nhất. Ý mình là, các bạn sinh viên năm 3, năm 4 ít quan tâm hơn đến các CLB không phải vì các CLB không phát huy tốt vai trò ban đầu của mình hay vì tham gia các CLB là một việc vô bổ nên các bạn ấy không tham gia. Lý do chính là bởi khi đó các bạn sẽ có nhiều mỗi bận tâm hơn việc giao lưu, kết bạn hay học hỏi kỹ năng mới như các bạn tân sinh viên vừa bước chân vào cánh cửa đại học.
Nói đến đây thì mình nghĩ đến rất nhiều thành viên của các CLB lớn, các bạn ấy đã có cho mình những thành công nho nhỏ từ khi còn là sinh viên, mình cho rằng một phần của thành công đó là nhờ vào bệ phóng rất vững chắc của các CLB. Hay nói cách khác là chính nhờ tham gia các CLB mà các bạn đã có cho mình những thành công đầu tiên. Ngay cả với những bạn như vậy thì khi đã là sinh viên năm 3, năm 4 các bạn ấy cũng không thể tập trung vào việc hoạt động CLB như lúc đầu nữa. Cho nên, việc CLB không thu hút được sự chú ý của sinh viên năm 3, năm 4 là tích hợp của rất nhiều lí do chứ không hoàn toàn là bởi cách sinh hoạt của các CLB này.
Thu Hoài tham gia rất nhiều hoạt động của CLB trong trường
PV: Nếu không tham gia các CLB trong các trường đại học thì các bạn sinh viên sẽ có những sự lựa chọn nào khác nữa không?
Thu Hoài: Có nhiều chứ. Có vô vàn những cơ hội tham gia các CLB nài trường và cộng tác viên cho các sự kiện. Mình còn thấy các bạn tham gia sự kiện nài có nhiều trải nghiệm thú vị hơn cơ. Môi trường để kết bạn và học hỏi không bao giờ thiếu và hạn chế. Bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm rất nhiều các cơ hội khác, thậm chí là bên nài trường học để phục vụ cho việc học của mình. Hơn nữa, chính những môi trường lớn đó còn có thể tạo cho các bạn những cơ hội nghề nghiệp lớn hơn khi các bạn ra trường. Mình có quen rất nhiều bạn cộng tác với các đơn vị nài trường học, và thấy rằng có nhiều bạn khi tìm được môi trường phù hợp để phát triển, các bạn ấy còn giỏi hơn cả những bạn tham gia các CLB trong trường nữa.
PV: Bạn có thể gửi một lời khuyên nào đó đến những bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn tân sinh viên đang muốn tham gia vào các CLB trong các trường đại học hiện nay được không?
Thu Hoài: Mình cũng chỉ là một người sinh viên như các bạn thôi. Tuy nhiên, với những gì mình đã được trải nghiệm thì có thể chia sẻ với các bạn vài điều mà mình thấy là quan trọng. Hãy hết mình và nhiệt tình tham gia các CLB trong cũng như các hoạt động nài trường. Bởi nó sẽ giúp quãng thời gian sinh viên của bạn thêm vui vẻ.
Nhưng cũng đừng buồn nếu bạn trượt CLB nào đó ở trường, bởi, đó không phải là tất cả. Tất cả tân sinh viên đều muốn vào CLB, nhưng CLB lớn nhất lại chính là ngôi trường bạn đang học. Nếu bạn có trượt CLB thì đừng buồn, bởi chẳng phải vì bạn kém cỏi hay bạn không may mắn đâu, chỉ đơn giản là bạn chưa phù hợp với môi trường đó thôi. Vấn còn rất nhiều cơ hội khác đang chờ bạn tìm đến mà!
PV: Một lần nữa cảm ơn Thu Hoài vì đã đồng ý tham gia buổi trò chuyện này. Chúc Hoài sẽ luôn thành công trên con đường của mình.
Mai Linh (t/h)
Ảnh:NVCC
Cùng chuyên mục
Bình luận