Lụa Vạn Phúc: Thay đổi để phát triển

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế về mọi mặt, đời sống xã hội có nhiều biến đổi, theo ông, thời cơ và thách thức đặt ra cho làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc- Hà Đông là gì?

- Có thể nói, thương hiệu lụa Vạn Phúc là một trong những điều mà người dân Vạn Phúc vô cùng tự hào. Tại Việt Nam cũng có rất nhiều nơi làm lụa, thế nhưng, nói về bề dày lịch sử thì lụa Vạn Phúc là lâu đời nhất, gần 1200 năm. Thời phong kiến, lụa Vạn Phúc chủ yếu phục vụ cho vua chúa và quan lại. Đến thời Pháp thuộc, lụa của làng tôi được tham gia các hội chợ đấu xảo quốc tế và từ đó được mệnh danh “Đệ nhất tinh xảo” vùng Đông Dương. 

Với đặc tính là dệt hoàn toàn bằng sợi tơ tằm tự nhiên, mềm mại, mịn óng, hoa văn trang trí đậm nét Việt Nam, lụa Vân của làng rất phù hợp cho may áo dài và phục vụ một số công trình tâm linh. Ví dụ như đến bây giờ tại làng vẫn giữ được một bộ long bào của nhà vua. Qua đó, tôi cho rằng giá trị văn hóa của lụa Vạn Phúc là rất ý nghĩa, nhờ vậy mà vẫn giữ một vị trí nhất định trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài 

Đồng thời, năm 2018, Ủy ban nhân dân thành phố đã định hướng Vạn Phúc trở thành một điểm du lịch làng nghề bền vững. Tôi cho rằng đây là cơ hội để làng nghề thúc đẩy mở rộng kinh doanh kết hợp du lịch. Vì vậy, trong những năm gần đây, Hội Làng nghề thường xuyên có những bài tham luận để đề xuất các giải pháp phát triển làng lụa. Ví dụ như mở những lớp đào tạo dạy nghề, lớp đào tạo thợ sửa chữa máy dệt, lớp cắt may tại chỗ để phục vụ khách du lịch hay bồi dưỡng các bạn trẻ có khả năng ngoại ngữ tham gia làm hướng dẫn viên tại địa phương…

Tuy nhiên, quá trình phát triển làng nghề Vạn Phúc hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, do sự phát triển của đô thị quá nhanh, giá trị đất cao hơn giá trị làm lụa, thu nhập người thợ bấp bênh nên nhiều hộ gia đình đã bỏ xưởng, bỏ nghề, để kinh doanh lĩnh vực khác hay xây nhà cho thuê. Thứ hai, đội ngũ kế cận cho nghề dệt lụa ngày càng giảm, thế hệ thanh niên gần như là quay lưng với nghề này. 

Thứ ba, là vấn đề cải tạo cơ sở hạ tầng của Vạn Phúc sao cho phù hợp, hài hòa giữa môi trường và dân sinh. Đặc biệt là việc xây nhà truyền thống để bảo tồn các mẫu lụa đang dần bị mai một. Dù đã có đề án quy hoạch từ chính quyền nhưng do tài chính hạn chế nên quá trình thực hiện rất chậm và đòi hỏi sự cống hiến rất lớn từ người dân. 

Đấy là những rào cản mà tôi cho rằng không chỉ riêng làng nghề Vạn Phúc mà gần như các làng nghề khác hiện nay đều phải đối mặt. 

Trước tình hình như trên, hoạt động sản xuất lụa tại làng nghề Vạn Phúc cũng đã thay đổi như thế nào, thưa ông? 

- Trước đây, việc làm lụa Vạn Phúc hoàn toàn thủ công. Sợi tơ to nhỏ như thế nào là do người thợ tự cảm nhận. Do đó, để kéo sợi tơ dài mấy trăm mét đều như nhau là rất mất thời gian. Nhưng đó là sự cần mẫn, sáng tạo đáng trân trọng của người làm lụa.

Còn bây giờ sản xuất không thể như thế nữa! Nhu cầu khách hàng ngày càng cao thì người ta phải chuyển qua ươm tơ tự động, kéo tơ tự động bằng máy móc Mọi công đoạn đều theo tiêu chuẩn rõ ràng do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định. Một khung dệt chỉ 2 người phục vụ thay vì 15 người như trước kia. Khi có năng suất thì mình mới giảm giá thành, phục vụ được đông đảo khách hàng hơn, đời sống người dân cũng theo đó cải thiện phần nào.

Mặc dù áp dụng công nghệ như vậy nhưng dệt lụa cũng không thể tách rời bàn tay con người. Những thứ thuộc về truyền thống, như hoa văn (thể hiện nét riêng của sản phẩm), phải được giữ gìn. Một số nơi họ vẽ, in màu lên lụa. Tuy nhiên, ở Vạn Phúc vẫn là dệt lên hoa tiết đó. Và người thợ của làng chỉ cần học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân đi trước là có thể làm được. Để làm ra những hoa văn đẹp, người thợ cũng cần có tư duy thẩm mỹ và biết vẽ một chút. Ngày xưa, làm một mẫu hoa thì phải đục hàng triệu lỗ trên khuôn dệt. Ngày nay, nhờ ứng dụng máy móc, việc làm hoa văn đã trở nên dễ dàng hơn.

                                                                         Công đoạn dệt lụa bằng máy tại làng Vạn Phúc
                                           Công đoạn dệt lụa bằng máy tại làng Vạn Phúc

Nhiều người cho rằng giá thành lụa Vạn Phúc đắt hơn nhiều so với các loại lụa khác trên thị trường. Vậy phải chăng giá thành là rào cản khiến người mua bớt mặn mà với lụa Vạn Phúc? 

- Tôi nghĩ quan điểm này là chưa đúng bởi vì nó còn phụ thuộc vào nhu cầu của người mua. Người mua bây giờ thích loại lụa dày, cứng cáp hơn. Yêu cầu này đi ngược lại với tính chất của lụa Vạn Phúc là ưu tiên mỏng, nhẹ để tạo độ bay và sự mềm mại. Thế cho nên dần dần cái tính chất của lụa nó cũng khác đi. Và thực tế lụa Vạn Phúc đang ngày càng đa dạng mẫu mã hơn để phục vụ nhiều đối tượng hơn.

Một vài năm gần đây, dư luận xôn xao về việc làng nghề ta nhập hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng lấy danh là lụa Vạn Phúc và bán giá cao. Trước vấn đề trên, ông và những người dân trong làng đã làm thế nào để tái khẳng định thương hiệu, chất lượng của sản phẩm chính hãng?

- Bởi vì Nhà nước quy định người dân có quyền tự do kinh doanh, nên họ mua hàng ở đâu để bán thì Hội làng nghề cũng không thể cấm. 

Để bảo vệ giá trị thương hiệu lụa của làng, năm 2004, chúng tôi đã đăng ký bản quyền lụa Vạn Phúc với Cục Sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đưa nhãn mác vào các sản phẩm và nhận thấy rằng rất nhiều khách khi đến tham quan, mua sắm đều nói là muốn mua lụa mà có chữ Lụa Vạn Phúc ở biên. Chữ này được dệt lên chứ không phải in.

Bên cạnh đó, địa phương cũng quy hoạch một số vùng có đủ điều kiện kinh doanh là chỉ được phép bán duy nhất lụa Vạn Phúc. Với những cơ sở khác do các hộ gia đình cho thuê thì Hội làng nghề có trách nhiệm khuyến cáo hộ kinh doanh phải công khai, minh bạch rõ nguồn gốc, xuất xứ và giá cả của từng loại sản phẩm. 

Chỉ có tích cực vận động các hộ kinh doanh buôn bán minh bạch thì giá trị của lụa Vạn Phúc, giá trị của làng nghề mới lên cao. Nhưng chỉ sợ là khách hàng họ không hiểu hoặc biết quá ít về lụa dẫn đến hiểu lầm về chất lượng.

Năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Phát triển du lịch tại làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc”, định hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn liền với du lịch. Thưa ông, làng nghề Vạn Phúc đã và đang phát triển mô hình tích hợp này như thế nào? 

- Theo tôi, mô hình kinh doanh kết hợp du lịch là rất tốt, bởi vì nó vừa đẩy mạnh sản xuất lại vừa tạo nên một môi trường du lịch rất hấp dẫn. Khi khách đến tham quan, mua sắm thì người ta vừa được trải nghiệm, vừa được làm thử một số công đoạn sản phẩm mà họ đang tìm hiểu. 

Điều quan trọng là triển khai du lịch thế nào để khách quay lại. Việc này đòi hỏi một số các chính sách, một số người trực tiếp tham gia công tác kinh doanh, một số doanh nghiệp làm công tác sản xuất là phải đầu tư, phải có những đổi mới sáng tạo hơn.

Ví dụ như xây dựng các địa điểm tham quan, chụp ảnh, chúng tôi thống nhất rằng phải có sự rõ ràng về phong cách. Nếu là hiện đại thì phải hiện đại hoàn toàn, nếu là truyền thống thì phải truyền thống hoàn toàn. Cảnh quan “nửa mùa”, lộn xộn sẽ khiến du khách cảm thấy nhàm chán, không có ý nghĩa, và sẽ chỉ đến một lần. Hiện nay, tôi quan sát nhiều địa phương cũng đang phát triển du lịch theo hướng này, vì vậy Vạn Phúc cần phải đầu tư hơn để tạo sự khác biệt.

Bên cạnh đó, hàng năm ở Vạn Phúc, những nghệ nhân giỏi phải tham gia những cuộc thi sáng tác thành phẩm của thành phố. Bởi vì có làm như thế thì mới có nhiều mẫu mã thu hút khách hàng. Nhiều năm qua Vạn Phúc đã làm rất tốt trong các cuộc thi sáng tác này, nhiều nhất là năm người thi được giải cả năm và phần lớn là năm nào cũng có giải. 

Sau dịch COVID - 19, bắt đầu từ cuối năm 2022 cho đến giờ thì lượng khách đến Vạn Phúc đã tăng lên. Đặc biệt, khoảng hơn một tháng nay là khách nước ngoài cũng bắt đầu ổn định. Đây là một  tín hiệu tích cực đối với làng nghề Vạn Phúc.

Bên cạnh đó, một số cơ sở lụa tại làng Vạn Phúc như Phúc Hưng, Phương Linh silk hay Thúy An silk cũng đã chuyển sang hình thức kinh doanh online song song với bán hàng truyền thống. Ông nghĩ gì về tiềm năng kinh doanh sản phẩm lụa Vạn Phúc trên các sàn thương mại điện tử hiện nay? 

- Cũng rất may là dịch Covid 19 đã tạo nên cho xã hội nói chung và ở Vạn Phúc nói riêng một cái nhìn khác về kinh doanh online, tức là kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số. Nếu không thì chúng tôi vẫn bán theo lối truyền thống, lúc nào cũng ở cửa hàng, khách trực tiếp sờ vào vải để mua. Nhưng khi bán online thì không cần thế. Tôi chỉ cần đưa hình ảnh lên, người mua chỉ mất khoảng mấy chục nghìn tiền vận chuyển. Dù người ta ở tận cùng của đất nước nhưng người ta vẫn có thể được sở hữu và sử dụng lụa Vạn Phúc chính hãng, không mất thêm chi phí nào khác. 

Chính thuận lợi lớn như vậy nên hiện nay chúng tôi cũng có rất nhiều các đơn vị muốn hợp tác để mở những khóa đào tạo về kinh doanh online. Hình thức này vừa mang lại lợi ích chung cho cả doanh nghiệp cũng như cả nhà nước, giúp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc sẽ có sự phát triển rất là thuận lợi. 

Nhiều cửa hàng tại làng Vạn Phúc đã áp dụng hình thức bán hàng trực tuyến, tiêu biểu là livestream
Nhiều cửa hàng tại làng Vạn Phúc đã áp dụng hình thức bán hàng trực tuyến, tiêu biểu là livestream

Để nghề dệt lụa Vạn Phúc được bảo tồn và phát triển hơn nữa, điều quan trọng nhất chính là việc “truyền lửa” cho các thế hệ sau. Ông có đề xuất những biện pháp gì để nghề dệt lụa truyền thống của làng mình có thể đến gần hơn với các bạn trẻ - thế hệ nòng cốt trong tương lai?

- Điều này chúng tôi đã nhấn mạnh rất nhiều trong các cuộc họp ở địa phương

Thứ nhất, tôi cho rằng thế hệ trẻ bây giờ có yêu nghề, muốn học nghề hay không là do chính cách truyền dạy từ gia đình. Nếu cha mẹ, ông bà yêu nghề thì sẽ truyền cảm hứng và niềm đam mê đó cho con cháu. Ngược lại, nếu thế hệ trước không nhiệt huyết với nghề thì làm sao bảo được con cháu là phải yêu nghề dệt. Hội Làng nghề chỉ có vai trò là cầu nối giữa nghệ nhân và thế hệ trẻ để hỗ trợ đào tạo, tổ chức các hoạt động giao lưu chia sẻ kinh nghiệm.

Thứ hai là tất cả các trường học trên địa bàn nên có những buổi ngoại khóa cho học sinh đi tham quan các xưởng, các cửa hàng; đi tham quan tất cả các danh lam thắng cảnh của địa phương…để cho các cháu hiểu được nghề dệt lụa Vạn Phúc có giá trị quan trọng như thế nào. Sau này, tôi chỉ cần 20 cháu yêu nghề thì là thành công rồi. 

Thứ ba là phải tổ chức, nhất là đối với tầng lớp thanh niên là phải có bước trải nghiệm về nghề. Khi có du khách đến hay mai sau các cháu đi ra ngoài làm việc, người ta hỏi về nghề dệt lụa Vạn Phúc thì mọi người còn biết mà chủ động giới thiệu, phân tích. 

Đó là ba điều mà tôi cho rằng vô cùng quan trọng, đặc biệt là phải tuyên truyền, vận động và phân tích cho mọi người hiểu thì họ mới làm được nghề. Bởi vì làm nghề này không giàu, chính vì không giàu nên mới dễ bị thất truyền. 

Ngoài ra, ông có những mong muốn hay đề xuất gì với chính quyền địa phương và thành phố để góp phần thúc đẩy du lịch cũng như bảo tồn, phát triển làng nghề Vạn Phúc? 

- Đối với địa phương thì tôi không có đề xuất gì bởi địa phương thì người ta lúc nào cũng mong muốn phát triển nghề dệt. Nhưng đối với thành phố và các cấp, thì còn nhiều vấn đề mà hiện nay tôi đang có một số bài tham luận trong các hội nghị như sau: 

Một là Ủy ban Nhân dân thành phố sớm có quyết định để đưa Vạn Phúc trở thành điểm du lịch làng nghề. 

Thứ hai, từ quyết định đó thì nhà đầu tư người ta mới chuyển giao hồ sơ để cải tạo cơ sở hạ tầng của Vạn Phúc, ví dụ như xây dựng nhà truyền thống, xây lại một số công trình kiến trúc xưa để vừa bảo tồn, vừa thu hút khách du lịch.

Thứ ba, về môi trường du lịch, muốn phát triển được tốt thì Vạn Phúc phải có một số nơi phát triển theo mô hình homestay để giữ chân khách lâu hơn.

Thứ tư, Hội Làng nghề cũng rất là mong các cơ quan chức năng như Sở Du lịch, Sở Văn hóa & Thể thao… hỗ trợ tạo nên những chuỗi du lịch trong khu vực Hà Đông hoặc là một số vùng lân cận như tour trải nghiệm Vạn Phúc, Sơn Tây… thì sẽ hấp dẫn khách hơn. 

Xin được cảm ông Phạm Khắc Hà với những chia sẻ trên!

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN