Mẹ già bất lực nhìn 5 con tâm thần sống lay lắt qua ngày
(Sóng Trẻ) - 78 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng bà Lực vẫn phải gồng mình nuôi 5 người con bị bệnh tâm thần. Trong lòng lúc nào cũng đau đáu nỗi lo khi bà chết đi, 5 đứa con ngây dại không biết bấu víu vào đâu mà sống?
Những bữa cơm quên mùi thịt
Thấp thoáng sau hàng cây rậm rạp, một căn nhà lá sập xệ hiện lên,nhưhút hết cả sự cô đơn, hiu quạnh của quả đồi. Chẳng ai nghĩ rằng, đây là nơi sinh sống của 6 mẹ con bà Lực suốt 50 năm nay.
Ngụ tại khu 3, xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Nhà bà Lực nằm lọt thỏm giữa khoảng không gian mênh mông của bốn bề cây cỏ
Căn nhà không một tiếng động, chỉ có những “chiếc bóng di động” đang ngồi lê lết dưới sàn nhà ẩm ướt sau cơn bão đêm qua. Tiếng nước mưa vẫn còn chảy tý tách bên góc giường. Phía xa, chị Hồng (53 tuổi) ngồi ôm dính lấy chiếc cột nhà mọt đã ăn gần hết; anh Quyết (40 tuổi) – con trai cả của bà Lực, đi mấy vòng quanh nhà chẳng biết mệt; còn cậu út, tên Toản (34 tuổi), chân sích chân không đứng yên như pho tượng.
Bà Lực lặng thinh ở góc nhà, thẫn thờ đưa mắt nhìn các conrồi khẽ thở dài: “Ngày nào cũng vậy”.
5 người con ngây dại ấy là kết quả đau thương mà chiến tranh đã để lại cho gia đình bà. Nhớ về chuyện năm xưa, bà Lực nghẹn ngào: “Vợ chồng lấy nhau được 3 năm thì ông theo cách mạng đi làm nhiệm vụ. Năm 1960, phong trào Đồng Khởi thắng lợi cũng là lúc ông trở về và phát hiện ra mình bị nhiễm chất độc màu da cam…”.
Dù vậy, vợ chồng bà vẫn nuôi hy vọng về những đứa con thơ sẽ làm vơi bớt gánh nặng nhọc nhằn trong cuộc sống. Nhưng niềm vui chưa kịp đến, những nỗi đau đã vội ùa về khi cả 5 người con bà dứt ruột đẻ ra đều bị chuẩn đoán mắc bệnh tâm thần.
Giữa lúc khó khăn chồng chất, ông Tảo đột ngột ra đi trong cơn bạo bệnh (năm 1993) để lại bà Lực một mình gánh vác cả gia đình. Với tay thắp nén hương cho chồng, bà bật khóc: “Lúc đó tôi suy sụp lắm, chẳng biết mình phải bấm víu vào đâu mà sống, rồi lấy gì để nuôi bọn trẻ? ...Ông ấy bỏ tôi đi sớm quá”.
Anh Chu Văn Toản (1982) là con trai út của bà Lực, cũng là người con khiến bà phải lo lắng nhiều nhất vì chẳng khi nào anh chịu ngồi yên một chỗ
Cả 5 người con của bà Lực đều không biết nói, không nhận thức được thế giới xung quanh và mất khả
Nhìn mẹ già rơi nước mắt trong cùng cực, những đứa con vẫn mỉm cười khờ dại. Bà Lực dường như đã quen với điều đó nên chẳng còn buồn nữa, chỉ quay lại đáp trả bằng nụ cười hiền từ của một người mẹ thương con vô bờ.
Bao nhiêu năm nay cuộc đời đẩy bà vào bế tắc, có những khoảnh khắc bà ước được chết đi để nỗi đau không còn bám riết lấy bà. Nhưng nhìn 5 người con có lớn mà chẳng có khôn, bà thấy lòng xót xa,lại gồng mình mưu sinh vì sự sống của 6 mẹ con.
Căn bếp tuềnh toàng, chẳng có vận dụng gì đáng giá
Ngày trước, bà Lực đi làm ruộng thuê cho hàng xóm cũng kiếm được vài đồng. Nhưng sau lần bị ngộ độc thuốc diệt cỏ, sức khỏe suy giảm, bà chỉ ở nhà nhổ sắn, trồng rau sống qua ngày. Đàn con mỗi ngày một lớn sức ăn cũng tốt hơn, một mình bà chạy vạy lo không xuể. Tất cả đều trông chờ vào 2 triệu đồng tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước.
Mâm cơm dọn ra bên hiên nhà, 6 mẹ con chụm đầu quanh đĩa rau luộc và bát nước mắm. Bà Lực bảo, bà khổ tâm lắm khi không thể cho đàn con dại ăn một bữa no, bà chẳng nhớ nổi lần cuối cùng bà và các con được ăn thịt là từ khi nào: “Lâu rồi, lâu lắm rồi…”.
“Tôi chỉ mong 5 đứa con biết gọi“Mẹ” một lần”
Bón xong cơm cho các con, chỉ còn mình bà với bát nước rau luộc. Chưa kịp và miếng cơm vào miệng, bỗng nghe có tiếng hú hét phía sau vườn, bà đứng bật gọi với theo: “Con ơi, về đi. Mẹ xin con” - Anh Toản (con trai út của bà) vừa tuột dây sích chạy ra nài.
Ngày nào cũng vậy, cứ một lúc bà lại phải chạy đi khắp làng để tìm con. Đôi chân già nay đã chẳng đủ sức để bước đi, đôi mắt cũng không còn tinh anh để nhìn rõ vạn vật. Nhưng con bà, cả 5 người chẳng ai hiểu được điều đó, cũng chỉ vì thứ chất độc quái ác ấy.
78 tuổi, người mẹ già vẫn tận tụy bón từng thìa cơm cho các con, vẫn hàng ngày tắm giặt, vệ sinh cho 5 người như những đứa trẻ vừa lọt lòng. Không kêu ca, không oán trách, bà Lực chỉ ước ao được nghe tiếng con gọi “Mẹ” một lần trong đời, hoặc bất chợt 1 giây phút nhỏ nhoi nào đó “Xin con hãy sà vào lòng mẹ, ôm ghì lấy mẹ như bao đứa con khác vẫn làm” - Nước mắt bà lại trực trào ra.
Những điều bình dị mà bao người mẹ vẫn hiển nhiên nhận được bổng trở thành một món quà sa xỉ với bà Lực
Theo lời bà Bản, một hàng xóm thân cận nhà bà Lực: “Hoàn cảnh của bà cả xóm này ai cũng biết. Tuổi già sức yếu lại đau ốm liên miên mà vẫn gượng dậy lo cho con cái. Tôi vừa thương xót lại vừa cảm phục cho tấm lòng và nghị lực sống phi thường của bà ấy”.
Hơn 50 năm nay, bà Lực vẫn luôn day dứt vì đã không làm tròn bổn phận của một người mẹ, không thể lo cho con cái 1 cuộc sống đủ đầy như bao người khác. Khi được hỏi về ước mơ cuối đời, bà chỉ mong muốn gửi được 5 người con vào trung tâm nuôi dưỡi để chúng có người chăm sóc, “Hãy cho chúng ăn một bữa thật no, thật nn” có như vậy bà mới yên tâm nhắm mắt xuôi tay về với đất mẹ.
Trời đã về chiều, căn nhà lá xác xơ trong khu đồi hoang vắng cùng những làn khói bếp dập dìu khiến không gian càng thêm hịu quạnh. Bóng người mẹ già nhỏ bé khuất dần sau hàng cây - bà Lực lại đi tìm con.
Thanh Thúy
Cùng chuyên mục
Bình luận