Một ngày đối diện tử thần ở xóm đường tàu giữa lòng Hà Nội
(Sóng trẻ) - Nhịp sống ở xóm đường tàu luôn nhộn nhịp, dù hiểm họa phía trên đường ray có thể xuất hiện để đe dọa người dân nơi đây bất cứ lúc nào.
Bản đồ Hà Nội của Sam, một khách du lịch đến từ New Zealand, được đánh dấu chi chít bằng những vết mực đỏ. Anh gạch lên những địa điểm cần đến khi tham quan Hà Nội. Từ hồ Gươm, lăng Chủ tịch, phố cổ, Hoàng Thành Thăng Long đến hồ Tây, cột cờ Hà Nội, tất cả những địa danh đó đều được người dân Thủ đô "thuộc nằm lòng".
Duy chỉ có những chấm đỏ ở hai bên ga Hà Nội là địa điểm lạ lẫm. Đó là xóm đường tàu ở Khâm Thiên và Trần Phú, nằm lặng lẽ trên trục đường Lê Duẩn. "Bạn tôi nói phải đến đây để hiểu hơn về Hà Nội" - Sam chia sẻ.
Xóm đường tàu Khâm Thiên
Niềm vui của "Tây" và nỗi âu lo của dân bản địa
“Hôm nay khách Tây đến đây là còn ít đấy. Những ngày đông nhất, họ xếp hàng dọc từ chỗ này đến gần hết con ngõ. Cả hàng người, ai cũng giơ điện thoại để chờ quay cảnh tàu qua" - chị Linh, một phụ nữ sống ở đường tàu Khâm Thiên, khẳng định. Gần cả cuộc đời sống tại nơi đây, chị Linh không lạ với những buổi chiều trước giờ tàu chạy qua, số khách Tây kéo đến xóm còn đông hơn số khách ta.
Khách nước nài hễ cứ tới đây là phải kéo nhau lên đường tàu tạo dáng chụp ảnh. Ở các nước phát triển, đường tàu thường nằm ở nại ô thành phố và biệt lập với khu dân sinh. Chỉ khi đặt chân đến Hà Nội và tìm đến địa điểm này, họ mới có cảm giác được "sống" gần đường ray đến thế.
Du khách thích thú khi được chứng kiến tàu hỏa tận mắt
4 giờ chiều, tiếng “Reng! Reng!” của cột đèn báo tàu vang lên inh ỏi. Một thanh niên chạy từ đầu ngõ hét lớn "Tàu đến!". Tất cả mọi người lập tức dạt sang hai bên, đứng sát tường nhà. Khi đoàn tàu xuất hiện, con ngõ nhỏ như reo lên một niềm vui bất chợt. Du khách Tây giơ cao chiếc máy ảnh, người dân lùi sâu vào nhà, hai tay bịt tai để tránh tiếng “Két!” đặc trưng khi bánh tàu mài vào đường ray.
Gần một phút trôi qua, khi đoàn tàu đã khuất sau đoạn đường quanh co, "Tôi chưa từng chứng kiến thứ gì thú vị và phiêu lưu hơn thế" - Sam khẳng định. Khách Tây vui sướng với lần hiếm hoi tận hưởng cảm giác đứng cách đoàn tàu chỉ khoảng vài chục xen-ti-mét. Còn với những người dân ở xóm đường tàu, khung cảnh này đã quá quen thuộc.
Từ Khâm Thiên, Trần Phú đến Phùng Hưng, đoàn tàu vừa là ánh sáng, vừa là hiện thân của tử thần.
"Người dân cả xóm phải nhớ kỹ khung giờ tàu chạy. Trên đường ray luôn có những cột mốc để người lái tàu bấm còi. Nghe thấy tiếng còi, mọi người bảo nhau chạy vào nhà hoặc đứng thật sát sang hai bên nếu không muốn gặp bất trắc" - anh Hậu, chủ quán cafe ở xóm đường tàu Khâm Thiên cho hay.
Người dân trong xóm thuộc lòng thời gian tàu chạy
Hỏi bất kỳ ai trong con ngõ nhỏ, bạn cũng có thể biết rõ từng tuyến giờ tàu xuất hiện. "Chậm hay nhanh còn tùy thuộc vào ga, nhưng giờ về cơ bản là chuẩn" - chị Linh nói. Có lẽ, nhớ giờ tàu chạy là chương đầu tiên trong bài học sinh tồn của người dân nơi đây.
Cũng như Khâm Thiên, xóm đường tàu Trần Phú thường xuyên đón lượng khách du lịch rất lớn ở thời điểm sát giờ tàu chạy. Du khách Tây muốn tận hưởng cảm giác lạ, song người dân địa phương chưa bao giờ hết âu lo. Chị Mai, một người dân sống ở ven đường tàu Trần Phú kể lại: "Từng có người bị tàu cán đứt đôi ở dưới chỗ Ngọc Hồi dưới kia đấy. Tai nạn tàu hỏa ngày một nhiều, nhưng đã sống ở đây là phải thích nghi, lâu dần thành quen".
"Nhiều người ở đây không thích nhà báo. Nhà báo đến rồi viết suốt mà có giải quyết được điều gì đâu" - bà Hoa, một phụ nữ cả đời gắn bó với xóm đường tàu, khẳng định với chúng tôi. "Bao lâu nay sống như nào, bây giờ vẫn sống như thế. Lỡ than vãn xong ở bên tổ dân phố người ta biết được lại không hay".
“Nhà báo đến viết suốt mà có giải quyết được điều gì đâu. Bao lâu nay sống như nào, bây giờ vẫn sống như thế thôi”
Thử thách "sống chung với lũ"
Nói dứt câu, đứa cháu bà Hoa chạy từ nhà, bước lên đường tàu và tập đi thăng bằng trên những thanh ray với vẻ mặt thích thú. Khi được hỏi trẻ con sống ở xóm đường tàu có gặp nguy hiểm mỗi khi tàu đến không, bà Hoa xua tay: "Nghe tiếng chuông reo là chúng nó chạy ngay, không cần đợi đến khi tàu đến. Trẻ con ta khôn lắm, không như mấy đứa trẻ Tây đâu".
Những đứa trẻ ở xóm đường tàu
Ở xóm đường tàu, khái niệm "khoảng cách an toàn" không hề tồn tại. Những căn nhà kề sát như muốn ép chặt vào con đường độc đạo của đoàn tàu hỏa. Khoảng cách từ nhà dân đến đường ray ở Trần Phú là 3 mét. Xóm Khâm Thiên còn nguy hiểm hơn khi bậc thềm nhà chỉ cách "lưỡi hái tử thần" 2 mét đổ lại.
Bậc thềm của quán cafe đường tàu Khâm Thiên có vết sơn xanh cùng dòng chữ "vùng an toàn" được viết bằng tiếng Anh để cảnh báo khách du lịch.
"Nhiều người cứ nghĩ tàu chỉ đi trên đường ray. Không phải. Thân tàu phình to hơn nhiều. Bậc thang của nó cũng chìa ra khoảng vài chục xen-ti-mét nữa, đủ sức cuốn đi cả người lẫn xe. Bữa trước có xe máy dựng sát đường ray quá xong bị thân tàu kéo đi, xe nọ kéo xe kia, thành ra cả hai chục chiếc xe hư hỏng hết" - chị Linh chỉ tay vào khu vực xe máy bị tàu phá hỏng.
Sống mãi trong nguy hiểm rồi cũng quen dần nên kiến thức về giờ tàu, kích thước tàu và biện pháp tránh tàu trở thành bộ kỹ năng tự vệ cho người dân nơi đây. Theo lời chị Linh, nhiều căn nhà luôn mở cửa để khách du lịch còn kịp nấp vào. Người dân nơi đây thường xuyên phải kéo khách Tây vào nhà bởi họ chưa từng tiếp xúc với tàu hỏa ở khoảng cách gần đến vậy.
Sự vắng lặng trong những con xóm chỉ được xóa tan mỗi khi tàu đến trong khoảng 6 đến 8 khung giờ. Những khoảng thời gian còn lại, xóm đường tàu trở lại diện mạo bình yên vốn có. Đường ray trở thành địa điểm vui chơi, rửa rau, nhặt sắt vụn như chưa từng có đoàn tàu nào đi qua.
Nhịp sống hối hả nơi xóm đường tàu
"Cuộc sống ở đây cứ như ở quê. Chúng tôi thích được gọi là xóm đường tàu chứ không phải khu, vì gọi ‘xóm’ nghe gần gũi hơn. Người dân xóm này ai cũng biết nhau hết" - anh Hậu cho biết. Quán cafe của anh đón trên dưới 20-30 lượt khách nước nài mỗi ngày, hầu hết đều thích thú với không gian bình yên của nơi đây.
Nhưng tham quan, du lịch để trải nghiệm "cảm giác mạnh" là một chuyện, sinh sống lại là chuyện khác. "Tôi không muốn sống ở đây, vì con tôi sẽ gặp nguy hiểm khi đường tàu ở quá gần nhà" - Sam khẳng định với chúng tôi. Anh nhìn ra xa phía đường tàu, nơi 3 đứa trẻ trong xóm đang nô đùa giữa những lớp sỏi nhấp nhô phía trên đường ray. Lũ trẻ ý thức được nguy hiểm để né tránh, song dù thích nghi tốt đến mấy, rủi ro cũng có thể ập tới bất cứ lúc nào.
Dù vậy, xóm đường tàu vẫn tồn tại như một địa điểm tham quan hấp dẫn. Khách du lịch cũng như đoàn tàu, đến rồi đi, ngày này qua ngày khác. Chỉ có xóm dân cư là ở lại, mỗi ngày đem treo cuộc sống mưu sinh bên bờ vực tử thần như "chỉ mành treo chuông".
"Nói nữa rồi cũng có thay đổi được đâu, có đi được chỗ khác sống đâu", câu nói của bà Hoa cứ văng vẳng trong đầu, ngay cả khi chúng tôi đã rời xóm đường tàu vào lúc chập tối. Giữa lòng Thủ đô nhộn nhịp phát triển, sao vẫn cứ dai dẳng tồn tại một cộng đồng dân cư phải chung sống với hiểm nguy không lối thoát?
Cuộc sống của người dân phía bên đường tàu
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu
Nhóm phóng sự - Báo mạng điện tử K35
Cùng chuyên mục
Bình luận