Một số yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của chương trình Trò chơi truyền hình



(Sóng Trẻ) - Có rất nhiều cách khiến cho các chương trình Trò chơi truyền hình trở thành hấp dẫn. Nếu phát huy được những thế mạnh đó thì các chương trình Trò chơi không những chỉ đem lại cho công chúng những phút giây thư giãn, giải trí thoải mái mà còn rất trí tuệ, bổ ích. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để Trò chơi truyền hình tham gia hướng dẫn dư luận xã hội.


1. Sự hấp dẫn của Trò chơi truyền hình

Trò chơi truyền hình là chương trình giải trí trên truyền hình. Trên thế giới, dạng chương trình này xuất hiện từ rất sớm, có sức tồn tại lâu bền và quy mô phát triển rộng lớn.

Những chương trình đầu tiên xuất hiện ở những năm 50 trên sóng truyền hình Mỹ. Và đến nay, Mỹ đã có trên 500 trò chơi truyền hình. Cùng với Mỹ, ở Châu Âu, Trò chơi truyền hình cũng phát triển mạnh mẽ. Ở Anh, Pháp, Nga, Đức, Ba lan..., các hãng truyền hình đều quan tâm đầu tư kinh phí, chất xám để sản xuất các chương trình dạng này. Hiện nay, xu thế này cũng đang lan rộng sang các nước châu Á, và trở thành một cách thức để các đài truyền hình thu hút khán giả và quảng cáo.


gameshowtv-than - Upanh.com

Nhiều hãng truyền hình đã không ngần ngại bỏ những khoản tiền lớn để mua bản quyền những chương trình trò chơi nổi tiếng. Chương trình “Ai muốn trở thành triệu phú” (Who want to be a millionnaire )- do Anh sản xuất là một ví dụ. Năm 2000, tại Liên hoan truyền hình Thế giới tổ chức tại Cannes (Pháp), chương trình này được ban tổ chức bình chọn là “một sự kiện toàn cầu của ngành truyền hình năm 2000”. Đến nay, nó đã có mặt ở hơn 100 nước trên thế giới và thu hút được lượng khán giả lớn chưa từng thấy. “Ở  Đan Mạch có tới 75%, ở Nga là 80% ... khán giả khẳng định thường xuyên xem chương trình này. Ở Ba Lan, “Ai muốn trở thành triệu phú”  là chương trình truyền hình có số khán giả đông nhất. Ở Singapore, một quốc gia chỉ có vài triệu dân, nhưng khi “Ai muốn trở thành triệu phú” xuất hiện, đã có hơn 500.000 người thường xuyên theo dõi. Chương trình này cũng đã “hớp hồn” người dân Hồng kông, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng phát sóng đã có hơn 2.000 người đến đăng ký dự thí...” (Tạp chí truyền hình 2000).

So với các nước trên thế giới, Trò chơi truyền hình ở Việt Nam ra đời muộn. Năm 1996 chương trình đầu tiên mới xuất hiện nhưng đã thực sự chinh phục được khán giả. Bắt đầu là SV96 - chương trình này được coi là “người tiên phong” khai đường, mở lối cho hàng loạt trò chơi truyền hình khác. Sau “cú hích” SV96, hầu hết các Ban biên tập của Đài truyền hình Việt Nam và một số Đài truyền hình địa phương cũng bắt tay vào sản xuất các chương trình trò chơi truyền hình. Chỉ trong một thời gian ngắn, ở Việt Nam đã có khoảng trên 30 chương trình Trò chơi truyền hình. Trong đó, Đài truyền hình Việt Nam là nơi sản xuất nhiều nhất với hơn 20 chương trình và phần lớn các chương trình đều chiếm được tình cảm yêu mến của khán giả màn ảnh nhỏ.

“Đường lên đỉnh Olimpia”, là một trong số những chương trình Trò chơi ra đời sớm, đến nay vẫn tiếp tục phát sóng và lôi cuốn khán giả. Năm 2002, theo kết quả điều tra xã hội học của Trung tâm dư luận xã hội của Ban tư tưởng Văn hoá Trung ương, chương trình này là 1 trong 10 trên tổng số gần 200 chương trình của Đài THVN có số lượng khán giả thường xuyên theo dõi nhiều nhất. Cùng với chương trình này, nhiều chương trình Trò chơi truyền hình khác như Chiếc nón kỳ diệu, Ở nhà chủ nhật, Hành trình văn hoá, Ai là triệu phú... trên sóng truyền hình Việt Nam đang thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng triệu bạn xem truyền hình.

Giải thưởng lớn là một yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của các chương trình trò chơi. Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, chương trình đầu tiên ở Mỹ, giải nhất đã là 64 nghìn đôla. Thậm chí, những chương trình dành cho trẻ em, như “Đứa trẻ thông minh nhất nước Mỹ” giải thưỏng cũng lên tới 300.000 đôla. Và hiện nay, “Ai muốn trở thành triệu phú” có giải thưởng là 1 triệu đôla... Sự mới lạ, giải thưởng lớn đã kéo khán giả đến với chương trình, khơi gợi ở họ sự tò mò, lòng ham muốn chiến thắng và tất nhiên là cả niềm mong muốn được sở hữu khoản tiền thưởng mà chương trình đem lại....

Tuy nhiên, giải thưởng lớn không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến sự hấp dẫn của các chương trình Trò chơi truyền hình. Thực tế, cho thấy trong rất nhiều trường hợp phần thưởng nhỏ nhưng không làm giảm sự say mê của khán giả. Công chúng vẫn mê mải tiếp nạp kiến thức từ mọi nguồn trong cuộc sống, từ các “bách khoa toàn thư”, để cùng thi đấu, giành vị trí chiến thắng trước những thành viên tham gia trực tiếp trong các chương trình. Khách quan mà nói, thì tính ganh đua, nhu cầu thử sức, khám phá, cảm giác trực tiếp sống trong cuộc chơi ...  mới là yếu tố thực sự tạo nên sự hấp dẫn, làm nên sức sống cho mỗi một chương trình trò chơi.  Những điều này đã tạo ra sự hứng thú, nhân lên niềm say mê, khuyến khích tinh thần thi đua tích cực trong công chúng, từ đó trở thành một thứ keo vô hình gắn kết khán giả với màn ảnh nhỏ.

Xã hội ngày càng hiện đại, vì mưu sinh nên con người thường ít có thời gian dành cho việc đi giã nại giải trí. Trong điều kiện đó, các chương trình Trò chơi truyền hình trở nên quan trọng đối với mọi người sau những giờ lao động căng thẳng. Thông qua theo dõi những trò chơi trên màn ảnh nhỏ, khán giả như được sống trong không khí cuộc chơi, cùng tham gia đoán định các tình huống, cùng chứng kiến, hò reo và nếm trải những pha gay cấn. Điều này đã đem tới cho người xem những giây phút sảng khoái, vơi đi nỗi bực dọc, lo toan của cuộc sống thường ngày.

Một khía cạnh khác cũng cần được bàn đến đó là khả năng đem lại thông tin, bổ sung vào vốn hiểu biết những tri thức bổ ích cho khán giả của các chương trình trò chơi. Qua“ở nhà chủ nhật”, những người bạn của mà ảnh nhỏ không chỉ được vui cười một cách thoải mái bởi các câu trả lời ngộ nghĩnh, lối dẫn chương trình dí dỏm,  mà còn được tiếp cận một cách tự nhiên với kho kiến thức về nữ công gia chánh, về kinh nghiệm ứng xử trong gia đình và xã hội. Đến với “Chiếc nón kì diệu” khán giả truyền hình vừa được sống trong tâm trạng hồi hộp, nín thở theo những ô chữ và vòng quay may rủi, vừa được tiếp cận với các tri thức về văn hoá, lịch sử, khoa học... Có thể nói đó là thế mạnh của Trò chơi truyền hình so với các chương trình khác trên truyền hình. Những thông tin, những vấn đề cần tuyên truyền có thể dễ dàng lồng ghép vào các trò chơi. Theo dõi chương trình, khán giả không chỉ được chơi mà còn được tiếp thu thêm kiến thức, hiểu biết hơn về một vấn đề nào đó một cách nhẹ nhàng mà không hề cảm thấy áp đặt. 
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         
2. Cách thức để trò chơi truyền hình trở nên hấp dẫn

Làm sao để Trò chơi truyền hình hay và hấp dẫn hơn, đó là yêu cầu của công chúng với những người làm truyền hình hiện nay. Để làm được điều này, xin được chia sẻ một vài suy nghĩ:

Thứ nhất: cần tạo được sự kịch tính trong các trò chơi

Bản chất của Trò chơi truyền hình cũng giống như trò chơi trong cuộc sống, đó là cuộc thi đấu giữa những cá nhân, tập thể và trong suốt quá trình chơi ai cũng nỗ lực, cố gắng giành phần thắng về mình. Trong quá trình tiến về đích tất sẽ dẫn đến sự tranh đua, với những pha rượt đuổi, những cú bứt phá nạn mục. Đó chính là sự kịch tính của trò chơi. Trò chơi càng tạo được sự kịch tính lớn nghĩa là tăng sự bất ngờ, sự tranh đua trong  quá trình chơi thì trò chơi đó càng hấp dẫn. Qua những giây phút nếm trải sự kịch tính, dồn nén về tâm lý, khán giả sẽ thực sự được thư giãn thoải mái.

 Sự đua tranh cần được duy trì trong suốt chương trình, giữa những người chơi (tại trường quay), giữa khán giả với người chơi, khán giả với khán giả. Để làm được điều này, cần thường xuyên thông báo cho người chơi và khán giả biết kết quả mà họ đã đạt được một cách rõ ràng, để họ có sự phấn đấu và tìm cách bứt phá.

Mặt khác, để tăng kịch tính - sự đua tranh, trong các chương trình cần có những điểm nút, đẩy cuộc thi lên đỉnh điểm sự hồi hộp, khó khăn để người chơi quyết định những bước nhảy dành chiến thắng. Cần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về kết quả, điểm số. Tâm lý người chơi thường là, nếu đối thủ của mình quá trội về mọi mặt như về điểm số, điểm xuất phát sẽ khiến họ cảm thấy choáng ngợp, người yếu thế hơn sẽ rút về thế thủ, vì vậy sự cạnh tranh sẽ khó diễn ra thậm chí là không. Việc rút ngắn khoảng cách thắng thua là rất quan trọng, như một chất xúc tác tăng sự ganh đua. Muốn vậy, phải tạo ra những cơ hội (có thể đưa ra những câu hỏi phụ, trò chơi phụ...) để cho người chơi rút ngắn khoảng cách sự chênh lệch này. Ví dụ, “Ở nhà chủ nhật” rút ngắn khoảng cách về điểm số bằng cách yêu cầu đội chơi có điểm số lớn hơn đổi điểm lấy một món quà, để 2 đội có điểm chơi xấp xỉ nhau. Hay, “Đường lên đỉnh Ôlimpia” dùng ngôi sao may mắn làm cơ hội để các đội chơi bứt phá...

Một yếu tố nữa tạo nên kịch tính, đó là sự bất ngờ. Bất ngờ đó là những điều xảy ra mà không đoán định được trước. Xuất phát điểm của các đội chơi là như nhau, trong quá trình chơi họ cùng nhau hợp tác, cùng ganh đua giành chiến thắng, tất sẽ có sự phân bại thắng thua. Kết quả này không ai đoán định được từ trước, thậm chí những người làm chương trình cũng không thể biết. Đó chính là điều hấp dẫn khán giả đến với chương trình để khám phá xem tuần này đội nào sẽ chiến thắng.

Nài ra, người làm chương trình cần chủ động tạo ra các tình huống bí mật gây bất ngờ. Chẳng hạn, biến những điều không thể thành có thể, những điều phức tạp thành đơn giản, những điều khô cứng thành hài hước...Ví dụ, ở “Hành trình văn hoá” để minh hoạ cho một đáp án, bất ngờ trong một chương trình những người tổ chức đã mời hẳn một nhóm vũ công của Braxin đến trường quay để biểu diễn, cùng thi một điệu nhảy Sămba nổi tiếng.... Chương trình trở nên độc đáo, hấp dẫn bởi thói quen chỉ được theo dõi sự thi đấu của những người chơi đã bị phá vỡ. Thêm nữa, có những tình huống diễn ra nài kịch bản nhưng nếu được người dẫn chương trình dí dỏm, hài hước khéo léo điều khiển cũng có thể đem lại những điều thú vị. Chính những điều này đã kích thích ở khán giả sự đón đợi, khám phá những điều bất ngờ từ mỗi chương trình.       

Thứ hai: cần tạo được sự tham gia của khán giả với mỗi trò chơi

Sự tham gia của khán giả thể hiện ở việc trước mỗi trò chơi khán giả cùng được trả lời, đoán định những tình huống mà chương trình đưa ra, được sống trong không khí của cuộc chơi, hò reo, vỗ tay, cổ vũ cho một đội chơi nào đó. Đây là điểm khác biệt giữa trò chơi trong cuộc sống và trò chơi truyền hình; giữa Trò chơi truyền hình và các chương trình truyền hình khác.

Nếu như trò chơi trong cuộc sống chỉ thu hút được một lượng người nhất định có mặt tại nơi diễn ra trò chơi thì Trò chơi truyền hình sức mạnh của nó sẽ lớn hơn rất nhiều lần. Thông qua màn hình hàng triệu khán giả có thể cùng tham gia vào các trò chơi, các trận thi đấu. Và lúc này họ được hoà nhập, khoảng cách giữa người xem, người chơi không còn, họ cũng trở thành một thành viên tham gia trò chơi.

Phần lớn các chương trình truyền hình (như thời sự, chuyên đề...) sự tham gia của khán giả vào chương trình là rất ít. Họ thường là những người thụ động tiếp thu thông tin theo sự dẫn dắt của phóng viên. Nhưng trong chương trình Trò chơi truyền hình, họ là người hoàn toàn chủ động tham dự, tham gia chơi, cổ vũ.

 Để tạo được sự tham gia của khán giả, cần thông báo luật chơi, trò chơi, cách chơi. Các câu hỏi và đáp án cần mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu. Các trò chơi, các câu hỏi, các tình huống đưa ra không quá dễ song, cũng không nên quá khó, quá đánh đố, để người chơi có cơ hội thử sức. Nếu liên tiếp đưa ra các câu khó khiến cho khán giả phải bó tay, dần sẽ dẫn tới sự nản chí, giảm sự hứng thú với chương trình.

Nài ra, có thể tổ chức sản xuất những chương trình Trò chơi truyền hình trực tiếp, có những phần chơi dành riêng cho khán giả ngồi trước màn hình. Khán giả ở bất cứ đâu cũng có thể tham gia thông qua việc gọi điện hoặc nhắn tin. Hoặc cũng có thể “nuôi” sự theo dõi của khán giả ở những chương trình sau, bằng cách trong chương trình trước có phần chơi riêng cho khán giả và khán giả đưa ra đáp án thông qua gọi điện, viết thư gửi đến nơi tổ chức chương trình.

Nài việc tham gia chơi thì khán giả còn có thể tham gia cổ vũ cho một đội nào đó, vậy cũng cần phải thông báo điểm của người chơi để người cổ vũ tiện theo dõi.

Thứ ba:cần kết hợp đa dạng các dạng Trò chơi trong chương trình.

Có nhiều tiêu chí để phân dạng trò chơi, nhưng có 2 dạng trò chơi truyền hình chủ yếu đó là trò chơi vận động và trò chơi kiến thức. Mỗi dạng trò chơi có ưu điểm riêng. Nếu ở trò chơi kiến thức sự tham gia của khán giả vào việc trả lời câu hỏi, tình huống mà chương trình đưa ra là lớn thì ở trò chơi vận động sự tham gia của khán giả có ít hơn. Nhưng bù lại, họ lại được thư giãn nhiều hơn, vì được chứng kiến những hành động vui nhộn, ngộ nghĩnh...do người chơi đem lại. Họ ít phải căng đầu để tìm đáp án cho các tình huống như trong các trò chơi kiến thức.

Dưới một góc độ nào đó, đây cũng là một yếu tố để các chương trình Trò chơi truyền hình trở nên hấp dẫn người xem, vì nó đã góp phần thoả mãn được nhu cầu giải trí của khán giả. Song, một chương trình mà kết hợp được nhiều dạng trò chơi thì nó sẽ càng có giá trị, một mặt đem lại cho khán giả những giây phút thư giãn mặt khác góp phần bổ sung kiến thức cho khán giả về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Nhưng sẽ hấp dẫn và hiệu quả hơn nữa nếu bản thân trong từng dạng lại lồng ghép, tận dụng được ưu thế của dạng kia. Chẳng hạn, lồng ghép thông tin, kiến thức vào trò chơi vận động và ngược lại, lồng ghép những trò vận động linh hoạt trong các trò chơi kiến thức...

 Cũng cần lưu ý, tuỳ từng đối tượng mà sử dụng các dạng trò chơi cho phù hợp. Ví dụ, đối tượng chơi là trẻ em thì các trò chơi kiến thức với những câu hỏi đáp thường khó giữ chân các em được lâu, bởi tâm lý thiếu kiên nhẫn của lứa tuổi, trong khi đó các trò chơi vận động thường hấp dẫn và hiệu quả hơn.

Thứ tư: cần chọn người dẫn chương trình phù hợp

Người dẫn chương trình, là người thay mặt toàn bộ nhóm sản xuất chương trình cụ thể hoá kịch bản đã đề ra, là người duy nhất trong êkip sản xuất chương trình được khán giả biết mặt. Đây là người có nhiệm vụ chèo lái, chuyển tải ý đồ của kịch bản, chủ đề tư tưởng của chương trình đến công chúng, là trọng tài, là cầu nối khán giả với chương trình làm nên một phần bản sắc của chương trình.   Chính vì có vai trò quyết định không nhỏ tới sự thành bại của chương trình cho nên việc lựa chọn người dẫn phù hợp luôn đòi hỏi một sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Người dẫn không chỉ là dẫn đúng, cụ thể hoá được kịch bản mà còn phải tạo được không khí vui vẻ, sự hào hứng cho mỗi cuộc chơi. Mặt khác, bản chất của trò chơi là vui vẻ, bất ngờ vì vậy đòi hỏi người dẫn phải hết sức tự tin, chủ động, ứng biến nhanh, hợp lý, dí dỏm, trí tuệ trước mọi tình huống. Trong nhiều trường hợp để tạo được sự hấp dẫn cho chương trình, người dẫn phải chủ động tạo ra những tình huống bất ngờ, bằng cách chuẩn bị, tính toán trước những tình huống tạo sự vui vẻ thông qua những câu hỏi nhanh người chơi, người giao lưu, khơi gợi được ở người chơi những tài lẻ, những giây phút giao lưu thú vị. Điều nữa, người dẫn cũng cần liên tục sáng tạo, tạo được phong cách riêng đây cũng là một trong những điều làm nên  dấu ấn cho chương trình.

Như vậy là có rất nhiều cách khiến cho các chương trình Trò chơi truyền hình trở thành hấp dẫn. Nếu phát huy được những thế mạnh đó thì các chương trình trò chơi không những chỉ đem lại cho công chúng những giây phút thư giãn, giải trí thoải mái mà còn rất trí tuệ, bổ ích. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để Trò chơi truyền hình dễ dàng hơn trong việc tuyên truyền, hướng dẫn dư luận xã hội ở mức độ nhẹ nhàng, hiệu quả./.

Ths Đinh Xuân Hòa
Khoa Phát thanh - Truyền hình

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN