Mức lương dịp lễ 30/4 - 1/5: Quyền lợi nào cho người lao động?
(Sóng trẻ) - Luật Lao động quy định, nếu người lao động đi làm vào dịp lễ, Tết thì mức lương tối thiểu được nhận bằng 400% tiền lương ngày làm việc bình thường.
Năm 2023, lịch nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 diễn ra trong 5 ngày liên tiếp từ 29/4 đến hết 3/5. Những ngày này, điều người lao động quan tâm là mức lương được nhận, đặc biệt là nhân viên thử việc và bán thời gian. Đối chiếu với quy định Nhà nước, người lao động được hưởng nguyên lương khi nghỉ lễ (Giỗ Tổ, 30/4 và 1/5, không tính ngày nghỉ bù).
Chị Lê Phương Thảo (sinh năm 1995, trú tại Hà Nội), hiện trong giai đoạn thử việc ở một công ty thuộc lĩnh vực báo chí - truyền thông, cho biết: “Dịp lễ, tết, chúng tôi được hưởng nguyên lương như nhân viên chính thức và thêm tiền thưởng (dao động từ 500.000 đến 1.000.000 đồng). Tùy từng thời điểm, công ty có thể tổ chức tour du lịch, ăn uống cho nhân viên”.
Được biết trong dịp lễ sắp tới, chị Thảo có lịch trực do cơ quan phân công. “Việc trực lễ, tết tuy là yêu cầu từ công ty nhưng cũng là trách nhiệm, quyền lợi của chúng tôi. Ngày lễ thường có chế độ đãi ngộ tốt hơn, vừa là dịp cho thế hệ trẻ xông pha học hỏi nhằm tiếp thu nhiều kỹ năng, kinh nghiệm”, chị bày tỏ.
Sự “trồi sụt” của các con số
Với nhân viên bán thời gian, quyền lợi lương thưởng càng là mối quan tâm lớn. Trả lời thắc mắc của PV về con số lương thưởng cụ thể dành cho nhân viên bán thời gian, chị Triệu Thị Ninh - quản lý chuỗi cửa hàng giải khát thương hiệu ngoại, khu vực Hà Nội cho biết: “Theo quy định của Nhà nước, làm việc trong ngày Tết sẽ được 400% lương, nhưng để nhận được mức lương tối đa cần xét thêm vài yếu tố. Ngoài việc hưởng tiền công từ 200% - 400% mức bình thường, nhân viên đi làm xuyên lễ còn được thưởng hoa hồng theo doanh số bán hàng, xét thưởng chuyên cần và tăng lương cuối tháng”.
Căn cứ khoản 1 Điều 104 Bộ Luật Lao động năm 2019, việc thưởng cho người lao động được xác định dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người đó. Điều này được quyết định bởi người sử dụng lao động. Ngay cả khi doanh nghiệp lựa chọn thưởng cho người lao động, họ cũng được chủ động về mức thưởng và hình thức thưởng.
Chị Lê Vân Anh (sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) - nhân viên sáng tạo nội dung làm việc bán thời gian tâm sự rằng bản thân được hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ nhưng không có thưởng lễ. Chị vẫn quyết định làm việc xuyên dịp lễ 30/4 - 1/5 bởi đây là công việc trực tuyến, không đòi hỏi phải di chuyển nhiều nên về dù về quê vẫn đáp ứng được hiệu quả công việc.
Không lựa chọn làm việc trực tuyến, bạn Viên Thị Ánh - nhân viên bán thời gian tại cửa hàng Mixue (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Bình thường mình làm lương 17.000 đồng/giờ nhưng vào dịp lễ 30/4 - 1/5, nhân viên được tăng gấp đôi tiền công và tiền thưởng doanh thu. Đó cũng là lý do mình chọn làm xuyên lễ thay vì về quê bởi đây là dịp giúp bản thân kiếm thêm thu nhập”.
Đảm bảo quyền lợi người lao động
Luật Lao động quy định rõ, nếu người lao động đi làm vào những ngày nghỉ lễ, tết thì tiền lương tối thiểu được nhận là 400% tiền lương ngày làm việc bình thường. Theo đó, việc nhân 4 lương sẽ được tính vào Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, ngày 30/4, Quốc tế Lao động 1/5, Quốc khách 2/9 và Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch.
Bộ Luật này áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài, không phân biệt toàn thời gian hay bán thời gian, thử việc hay chính thức. Nếu không trả lương ngày lễ cho nhân viên, người sử dụng lao động là cá nhân sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng, còn tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022)
Trong trường hợp, doanh nghiệp cố tình không nhân lương theo quy định của Luật Lao động, người lao động có quyền gửi đơn khiếu nại đến thanh tra lao động, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại các địa phương, hoặc thông báo cho cơ quan công an địa phương để đòi lại công bằng cho bản thân.
Căn cứ Điều 98 Bộ Luật Lao động, tiền lương làm thêm giờ được xác định như sau: Tiền lương làm thêm ban ngày = 300% đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm. Tiền lương làm thêm ban đêm = 390% x đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm. Như vậy, nếu tính cả lương ngày nghỉ lễ, người lao động đi làm ngày lễ, tết được trả lương làm việc ban ngày nhận ít nhất 400% lương; làm việc vào ban đêm nhận ít nhất 490% lương. Trường hợp, nếu cần huy động người lao động làm việc trong dịp lễ, tết thì người sử dụng lao động cũng cần đảm bảo các điều kiện tại khoản 2 Điều 107 bao gồm: Phải được sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, không quá 40 giờ/tháng; bảo đảm tổng số giờ làm thêm trong năm không quá 200 giờ. |